Thí điểm tự chủ hoàn toàn bệnh viện Bạch Mai và nỗi lo lạm thu viện phí?

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Thí điểm tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai, đây là bước khởi đầu với kỳ vọng 'cời trói' cơ chế cho các bệnh viện trung ương nâng cao chất lượng.

Theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 của Chính phủ, 4 bệnh viện lớn là Bạch Mai, Việt Đức, K (Hà Nội) và Chợ Rẫy (TP.HCM) thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn. Điều này có nghĩa là các bệnh viện không còn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, phải tự đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư, tuy nhiên phải chịu sự giám sát về chuyên môn, tài chính của cơ quan quản lý, kiểm toán nhà nước.

4 bệnh viện trung ương sẽ được áp dụng thí điểm tự chủ hoàn toàn.

4 bệnh viện trung ương sẽ được áp dụng thí điểm tự chủ hoàn toàn.

Cơ chế tự quyết của Hội đồng quản lý

Theo đó, với Đề án Thí điểm tự chủ bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2020 - 2021, bệnh viện sẽ tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự sẽ thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 33/NQ-CP và quy định của pháp luật.

Hội đồng quản lý bệnh viện (Hội đồng quản lý ) gồm 11 thành viên. Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định thành viên Hội đồng quản lý, Chủ tịch Hội đồng quản lý. Hội đồng quản lý là cơ quan quản lý cao nhất của Bệnh viện cho tới khi Bộ trưởng Bộ Y tế phê chuẩn thành viên Hội đồng quản lý theo quy định.

Trong thời hạn 6 tháng, Hội đồng quản lý quyết nghị trình Bộ trưởng Bộ Y tế phê chuẩn: Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý, thành viên Hội đồng quản lý, Giám đốc, Phó Giám đốc Bệnh viện.

Hội đồng quản lý có các chức năng, nhiệm vụ quy định tại Nghị quyết số 33 và quy định tại Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý.

Ban Kiểm soát có 7 thành viên. Tiêu chuẩn; thành phần; quy trình bầu, phê chuẩn Trưởng ban và thành viên Ban kiểm soát; cách thức hoạt động của Ban kiểm soát; phê duyệt quy chế hoạt động của Ban kiểm soát được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 33. Quyền và nghĩa vụ của Ban Kiểm soát thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014 và Quy chế hoạt động của Bệnh viện, Ban Kiểm soát Bệnh viện

Về tổ chức và bộ máy lãnh đạo của Bệnh viện Bạch Mai, Quyết định nêu rõ: Bệnh viện Bạch Mai có các bệnh viện thành viên như quy định tại Nghị quyết 33, bao gồm Bệnh viện Bạch Mai tại thành phố Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Bộ máy lãnh đạo của Bệnh viện Bạch Mai gồm: Hội đồng quản lý và Ban Giám đốc. Ban Giám đốc Bệnh viện gồm Giám đốc và phó Giám đốc.

Bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp công và Nghị quyết số 33; phân phối kết quả tài chính trong năm đảm bảo công khai, minh bạch, tăng tỷ lệ trích Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và Quỹ hỗ trợ người bệnh.

Bệnh viện được Nhà nước tiếp tục bố trí vốn để hoàn thành các dự án đầu tư công thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Được biết, sau bệnh viện Bạch Mai, ba đề án của các bệnh viện Chợ Rẫy, Việt Đức, K cũng đã qua khâu thẩm định, đang tiếp tục lấy ý kiến trước khi trình Thủ tướng. Sau khi Thủ tướng cho phép thí điểm hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn, các bệnh viện sẽ triển khai hoạt động theo cơ chế mới.

Nỗi lo tăng viện phí?

Đến nay 100% số bệnh viện, trung tâm y tế huyện đã được giao quyền tự chủ. Tính đến năm 2018, cả nước có 215 bệnh viện đã tự đảm bảo chi thường xuyên, 3 bệnh viện đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, chủ yếu là các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có điều kiện xã hội hóa như tim mạch, sản nhi, mắt, tai mũi họng, da liễu…

Đối với các bệnh viện do Bộ Y tế quản lý, đến năm 2018 đã có 26/45 bệnh viện tự chủ chi thường xuyên. Để thực hiện tự chủ, nhiều bệnh viện đã vay ngân hàng, mở rộng hợp tác, đầu tư trang thiết bị để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người bệnh.

Cái được lớn nhất sau khi thực hiện chủ trương tự chủ bệnh viện công lập mà một lãnh đạo Bộ Y tế từng nói là các bệnh viện đã nâng cao chất lượng khám chữa bệnh rõ rệt. Cơ chế tự chủ đã giúp họ chủ động thuê các chuyên gia, bác sĩ nước ngoài đến từ Mỹ, Pháp, Nga…

Quá trình tự chủ cũng giúp giảm được ngân sách cấp trực tiếp cho các bệnh viện. Việc thực hiện cơ chế tự chủ, điều chỉnh giá dịch vụ theo lộ trình đưa tiền lương vào giá dịch vụ đã góp phần tăng mức độ tự chủ về tài chính, giảm ngân sách nhà nước cấp trực tiếp cho các bệnh viện. Đơn cử, năm 2018 so với năm 2015 đã giảm được khoảng gần 9.500 tỉ đồng.

Trước những lo ngại về việc bệnh viện tuyến đầu tự chủ hoàn toàn sẽ dẫn tới lạm thu, nâng viện phí, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, tự chủ không phải là tự nâng viện phí, mà quyền của chủ tịch hội đồng quản lý bệnh viện được nâng lên, ví dụ lẽ ra việc này, dự án này trước đây phải trình lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt, bây giờ chủ tịch hội đồng quản lý có thể phê duyệt.

“Đó là tạo hành lang pháp lý để các hoạt động của bệnh viện thuận lợi hơn. Đó là cơ chế tự quyết định, tự chịu trách nhiệm”, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Tại Nghị quyết 33 cũng có quy định phải bảo đảm quyền lợi cho đối tượng có thẻ BHYT, đối tượng chính sách, bệnh nhân nghèo… trong tiếp cận dịch vụ y tế. Không để xảy ra tình trạng thu hút bệnh nhân quá mức và lạm thu. Thời gian thí điểm 2 năm.

Về giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT sẽ áp dụng theo giá do Bộ Y tế ban hành. Riêng giá dịch vụ y tế theo yêu cầu do Bộ Y tế ban hành khung giá để các bệnh viện trên áp dụng.

>>> Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.

Thy Hằng

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/thi-diem-tu-chu-benh-vien-bach-mai-va-noi-lo-lam-thu-vien-phi-166978.html