Thi hoa hậu từng phải đẩy lên Thủ tướng

Tuy các cuộc thi hoa hậu đều bị 'hành chính hóa' để đảm bảo quản lý nhà nước nhưng khi có vi phạm xảy ra thì lại không dễ xử lý.

Tin nổi không khi năm năm về trước muốn tổ chức thi hoa hậu cũng phải chờ xin ý kiến của Thủ tướng. Cụ thể, đối với các cuộc thi người đẹp quốc tế tại Việt Nam, Bộ VH-TT&DL thực hiện cấp giấy phép sau khi báo cáo và được sự đồng ý của Thủ tướng! (khoản 1c Điều 20 Nghị định 79/2012). Phải đến đầu năm 2016, quy định này mới được sửa đổi để Bộ VH-TT&DL được toàn quyền cấp phép các cuộc thi như thế và cả các cuộc thi người đẹp có quy mô toàn quốc (Nghị định 15/2016).

Thả nổi quyền tước vương miện

Điều đáng nói là tuy “hành chính hóa” các cuộc thi hoa hậu trong một thời gian dài đến mức đã đẩy lên Thủ tướng một cách không cần thiết nhưng khi có vi phạm xảy ra thì lại không thể dễ dàng xử lý.

Có thể lấy các trường hợp hoa hậu bị nghi ngờ dao kéo làm dẫn chứng cho điều này. Nghị định 79/2012 quy định rõ một trong các điều kiện dự thi hoa hậu là thí sinh phải có vẻ đẹp tự nhiên, tức chưa thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Thế nhưng phải xử lý sao, có thu hồi danh hiệu hay không nếu thí sinh không đạt đủ điều kiện vẫn được cho thi rồi qua được nhiều vòng thi để rồi điềm nhiên đoạt giải thì các Nghị định 158/2013 và Nghị định 28/2017 (quy định việc xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực văn hóa) lại không đề cập đến.

Liên quan đến việc thu hồi danh hiệu, Nghị định 28/2017 có quy định một trường hợp bị thu hồi các danh hiệu đã trao. Đó là trường hợp “thực hiện hành vi không phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam sau khi đạt danh hiệu tại các cuộc thi người đẹp”. Tuy vậy, nghị định này lại đồng thời cho phép các cơ quan cấp phép được quyền yêu cầu các ban tổ chức thu hồi danh hiệu mà không rõ trường hợp nào được yêu cầu, trường hợp nào không. Chỉ biết là nếu đã được Bộ VH-TT&DL (Cục Nghệ thuật biểu diễn) yêu cầu mà không thu hồi danh hiệu thì ban tổ chức có thể bị phạt tiền 15-30 triệu đồng và còn bị buộc phải thu hồi danh hiệu. Về phía các ban tổ chức, nếu muốn thu hồi danh hiệu của bất kỳ ai đoạt giải cũng phải được Bộ (Cục) chấp thuận thì mới được thực hiện.

Tường Linh - Hoa hậu sắc đẹp châu Á, Trương Thị May - Á hậu các dân tộc và Thùy Trang - Hoa hậu biển Việt Nam (từ trái sang) làm đại sứ cho Quỹ Vì trẻ em. Ảnh: NHÂN PHAN

Tường Linh - Hoa hậu sắc đẹp châu Á, Trương Thị May - Á hậu các dân tộc và Thùy Trang - Hoa hậu biển Việt Nam (từ trái sang) làm đại sứ cho Quỹ Vì trẻ em. Ảnh: NHÂN PHAN

Từ quy định có phần chung chung nêu trên, có một số trường hợp đã bị tước danh hiệu dù chưa rõ được quy định ở điều khoản nào. Trường hợp của Nguyễn Thị Thành, á khôi 1 cuộc thi Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017 là một đơn cử. Cô đã bị ban tổ chức tước danh hiệu trên theo yêu cầu của Cục với lý do “đã chỉnh răng”. Nếu cho rằng đã là hoa hậu thì không chấp nhận có “đồ giả” bất kể kỹ thuật làm đẹp nào, có phải phẫu thuật hay không, tại sao Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) không tham mưu chỉnh sửa các nghị định để các việc chế tài đều rõ ràng, có đủ căn cứ pháp lý, tránh điều tiếng về sự tùy nghi? Nếu có quy định này thì chẳng phải Bộ (Cục) đã dễ dàng xử lý dứt điểm trường hợp của hoa hậu đại dương 2017. Tuy chưa rõ có bao nhiêu là “đồ giả” nhưng chính người trong cuộc thừa nhận đã nâng mũi, đã báo cáo trước nhưng vẫn được ban tổ chức cho “qua phà” ngon ơ khiến dư luận cứ râm ran về sự xé rào có tính toán!

Vòng bán kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 diễn ra tại tâm bão Nha Trang ngay khi người dân phải gánh chịu thiệt hại nặng nề đã gây dư luận không tốt. Trước mắt chỉ có thể thống nhất được rằng yêu cầu tạm dừng tổ chức cuộc thi này của Bộ VH-TT&DL chỉ để nhằm giải tỏa bức xúc của dư luận và làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Phía UBND tỉnh Khánh Hòa do vậy nên đưa ra thời hạn tạm dừng cụ thể để ban tổ chức cuộc thi đỡ bị động, thiệt hại với các vòng thi sắp tới theo kế hoạch.

Phản cảm chưa hẳn là vi phạm pháp luật

Có một trường hợp cũng bị cho là vi phạm nhưng xử lý sao để đảm bảo có căn cứ pháp lý thì cần bàn thêm. Đó là vòng bán kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 được thực hiện trong khi người dân Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung bộ đang phải gánh chịu thiệt hại của cơn bão số 12.

Việc tổ chức như thế đúng là có phần phản cảm mà nói theo cư dân mạng là “tổ chức đám cưới gần đám tang”. Thế nhưng chiếu theo Nghị định 15/2016 và lệnh cấm thi của UBND tỉnh Khánh Hòa (đáng tiếc là chỉ được Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh thông báo miệng và không nêu rõ thời hạn dẫn đến những tranh cãi về việc đã hết bão hay chưa) thì không thể nói ban tổ chức cuộc thi này đã vi phạm pháp luật để phải chịu phạt…

Suy cho cùng, thi hoa hậu chỉ là các cuộc thi nhan sắc và hay, dở sẽ do thị trường, công chúng điều chỉnh. Vậy Nhà nước sẽ vẫn quản lý hay để các tổ chức, cá nhân tự tính? Nếu vẫn còn muốn “ôm rơm rặm bụng” thì bắt buộc Bộ VH-TT&DL phải tính toán để có những quy định cụ thể, phù hợp hơn nhằm tránh những ngờ vực về sự lạm quyền và tính hiệu quả!

Bóng đá, âm nhạc đâu cần xin phép!

Hiện nay ở các nước, việc cấp phép cho người đẹp đi dự các cuộc thi ở nước ngoài gần như không có. Quan niệm đi dự thi một cuộc thi về sắc đẹp cũng như thi bóng đá hay thi hội họa, âm nhạc..., bất kỳ đội bóng nào cũng có thể đi dự một giải đấu do một tổ chức nước ngoài tổ chức nếu đội bóng đó đáp ứng đủ điều kiện tham dự do ban tổ chức giải đấu đó đặt ra. Và quan trọng nhất là phải được ban tổ chức giải đấu đó mời tham dự.

Một nghệ sĩ dương cầm hay ca sĩ được mời tham dự cuộc thi âm nhạc quốc tế không cần phải xin giấy phép để được đi dự thi, vậy sao một thí sinh đi dự thi người đẹp hoặc người mẫu lại phải xin phép? Và tại sao phải được một tổ chức có đăng ký kinh doanh dịch vụ văn hóa nghệ thuật đại diện đề nghị cấp giấy phép? Những quy định này là không cần thiết và không phù hợp với thông lệ quốc tế và nên điều chỉnh theo hướng người đẹp, người mẫu không cần phải được sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước mới được dự thi quốc tế.

Luật sư NGUYỄN SA LINH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Ban tổ chức Hoa hậu Đại dương 2017 nhận sai

Thanh tra Bộ VH-TT&DL vừa có báo cáo gửi bộ trưởng bộ này xung quanh nghi án hoa hậu đăng quang Lê Âu Ngân Anh vi phạm quy định “vẻ đẹp tự nhiên khi thi hoa hậu”. Báo cáo thanh tra cho biết ngày 8-11, ông Võ Việt Chung, trưởng ban tổ chức cuộc thi, thừa nhận và tự nguyện ký biên bản về hành vi vi phạm hành chính “đưa thí sinh thi người đẹp, người mẫu không đủ các điều kiện kèm theo quy định”.

Thanh tra Bộ cho biết đã yêu cầu ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Đại dương tiếp tục bổ sung các thông tin, tài liệu liên quan trong thời hạn 15 ngày để Thanh tra Bộ có đầy đủ căn cứ ra quyết định xử phạt.

Báo cáo thanh tra cho biết ông Võ Việt Chung, trưởng ban tổ chức cuộc thi, đã nhận trách nhiệm và thừa nhận có sai sót khi để thí sinh Lê Âu Ngân Anh đã từng phẫu thuật thẩm mỹ (nâng mũi vào năm 2016) tham gia vòng thi chung kết cuộc thi Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2017. Ông này xin rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức các cuộc thi lần sau.

AT

NGUYÊN THY

Nguồn PLO: http://plo.vn/van-hoa-giai-tri/thi-hoa-hau-tung-phai-day-len-thu-tuong-739420.html