Thi học kỳ trực tuyến: Liệu có khả thi và đánh giá đúng chất lượng học sinh?

Nếu dịch COVID-19 kéo dài, học sinh không thể tới trường thì việc kiểm tra học kỳ II buộc phải tổ chức bằng hình thức trực tuyến.

Những ngày qua, phụ huynh liên tục gọi điện thắc mắc với cô Nguyễn Thị Loan, giáo viên trường THCS Minh Khai (Hà Nội) về vấn đề kiểm tra, đánh giá học kỳ II sẽ diễn ra thế nào khi các trường tạm nghỉ dịch. Phụ huynh đang chung nỗi lo kết quả học tập của con bị ảnh hưởng khi học online và thời gian kết thúc năm học bị kéo dài như năm 2019- 2020.

Theo kế hoạch năm học, đầu tháng 5 là thời điểm hầu hết các trường sẽ tổ chức kiểm tra học kỳ II và đánh giá xếp loại học sinh cả năm. Tuy nhiên, việc này không thể diễn ra do dịch bệnh bùng phát trở lại. Vì vậy nhiều phụ huynh mong kiểm tra đánh giá học kỳ II nên chuyển sang hình thức trực tuyến để đảm bảo an toàn chống dịch cho học sinh.

Cô Loan cho rằng, hiện cơ sở vật chất kỹ thuật của các trường vẫn chưa sẵn sàng để tổ chức kiểm tra trực tuyến, nhất là khu vực nông thôn. Đồng thời, việc kiểm tra đánh giá nếu không có sự sát sao và nghiêm túc theo dõi từ cán bộ coi thi và giáo viên thì kết quả khó đảm bảo công bằng, không đánh giá thực chất trình độ học sinh.

Đại diện trường THPT Đống Đa (Hà Nội) cho biết, ngay khi tình hình dịch COVID-19 có chiều hướng bùng phát trở lại, trường đã tổ chức cuộc họp đột xuất để đẩy nhanh lịch thi học kỳ II năm học 2020- 2021 lên sớm hơn trong đầu tháng 5. Tuy nhiên, ngay sau đó Hà Nội quyết định cho học sinh toàn thành phố tạm nghỉ, trường chưa kịp thực hiện kế hoạch.

Hiện trường vẫn chưa tính đến phương án cho học sinh kiểm tra học kỳ theo hình thức trực tuyến, vì đây là kỳ kiểm tra đánh giá định kỳ quan trọng nhất năm học. Trường hy vọng dịch sẽ sớm được kiểm soát trong tối đa 2 tuần để trường thực hiện kiểm tra trực tiếp đúng theo hướng dẫn và kế hoạch của Bộ GD&ĐT.

Học sinh ôn bài. (Ảnh minh họa: H.C)

Học sinh ôn bài. (Ảnh minh họa: H.C)

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết, đến nay, học sinh khối 12 cơ bản hoàn thành các bài kiểm tra cuối kỳ nhưng còn khối lớp 10, 11 vẫn đang dang dở và phải chuyển sang ôn tập trực tuyến.

Bà cho rằng việc kiểm tra đánh giá học sinh bằng hình thức trực tuyến chỉ được tính đến trong trường hợp bất khả kháng và có sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội. Để đánh giá chính xác trình độ, kiến thức của học sinh cần có sự giám sát trực tiếp bằng bài kiểm tra ở lớp. Việc kiểm tra trực tuyến khó khách quan, khó kiểm soát được chất lượng và không phải học sinh nào cũng đủ điều kiện để tham gia kiểm tra cùng một thời điểm.

Hiện trường THPT Việt Đức tính đến phương án dự phòng, nếu diễn biến dịch vẫn phức tạp và trường phải dừng hoạt động dạy học trong hơn 2 tuần thì sẽ cho học sinh đến trường, chia ca và làm bài kiểm tra. Như vậy, sẽ đảm bảo phòng ngừa dịch bệnh và tính công bằng trong kết quả làm bài đánh giá xếp loại học sinh.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, trong trường hợp học sinh không thể đến trường thì địa phương sẽ áp dụng Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Thông tư quy định việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện trong quá trình dạy học. Vì lý do bất khả kháng học sinh không thể đến trường thì việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.

Tuy nhiên, Thông tư này sau ngày 16/5/2021 mới có hiệu lực thi hành. Do đó, nếu học sinh chưa thể đến trường trong hai tuần nữa thì vẫn còn hai tuần cuối tháng 5 để hoàn thành công việc này. Những trường cho học sinh kiểm tra học kỳ bằng hình thức trực tuyến ngay từ đầu tháng 5 là chưa đúng tinh thần của Thông tư 09, cần đặc biệt lưu ý.

Minh Khôi

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thi-hoc-ky-truc-tuyen-lieu-co-kha-thi-va-danh-gia-dung-chat-luong-hoc-sinh-ar610644.html