Thí nghiệm núi lửa phun trào trong lớp học khiến 59 người bị thương ở Ấn Độ

Một lớp học ở Ấn Độ khiến nhiều người lo lắng khi cô trò cùng tiến hành thí nghiệm núi lửa phun trào khiến 59 người bị thương.

Theo tờ time of india, một mô hình núi lửa đã phát nổ trong buổi thực hành môn khoa học ở trường trung học Holy Family, thành phố Kochi, Ấn Độ. Vụ nổ tạo ra nhiều mảnh vỡ của gạch và đá làm bị thương nhiều người trong đám đông học sinh bao gồm 59 học sinh và một giáo viên.

Phần lớp bị thương tích nhẹ nhưng 2 em học sinh buộc phải chuyển tới bệnh viện vì bị chấn thương nặng ở cẳng tay, và mắt.

Trong buổi thực hành, học sinh làm tới 3 mô hình núi lửa nhưng may rằng chỉ có 1 cái phát nổ ngoài ý muốn.

Mô hình núi lửa được thực hiện bằng cách đổ đầy giấm và baking soda vào một ống nhựa PVC. Sự kết hợp này tạo thành axít cacbonic. Gạch và đá cũng được thêm vào mô hình để kiểm soát và duy trì vụ nổ tuy nhiên cuối cùng mọi thứ lại vượt ra khỏi tầm kiểm soát.

Hiệu trưởng trường, Sany Jose cho biết: "Mô hình được bao phủ bởi một lớp bùn dày tạo thành một ngọn núi. Người ta nghi ngờ rằng lớp bùn dày này đã gây áp lực lên chai nhựa chứa giấm và baking soda, từ đó có thể dẫn đến vụ nổ".

Những tai nạn như thế này là hiếm khi xảy ra. Đã có trường hợp gửi kiến nghị cần xem xét bổ sung thêm các quy định an toàn trong các lớp học khoa học, đặc biệt khi có liên quan tới chất nổ.

Thí nghiệm núi lửa phun trào là một thí nghiệm rất phổ biến tại nhiều lớp học ở các nơi trên khắp thế giới nhưng nếu thực hiện sai cách, nó có thể gây ra nguy hiểm không thể lường trước.

Hoàng Dung (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/thi-nghiem-nui-lua-phun-trao-trong-lop-hoc-khien-59-nguoi-bi-thuong-o-an-do-post275088.info