Thí nghiệm trên chú chó của nhà khoa học tạo cách mạng trong ngành tâm lý

Nga - Ivan Petrovich Pavlov được mệnh danh là nhà sinh lý học bậc nhất của thế giới. Ông đã nghiên cứu ra học thuyết phản xạ có điều kiện và trở thành người Nga đầu tiên nhận giải thưởng Nobel cho khám phá này.

Ivan Petrovich Pavlov là nhà sinh lý học và tâm lý học tiên phong người Nga, nổi tiếng với công trình nghiên cứu về "điều kiện hóa cổ điển" (classical conditioning), có tác động sâu sắc đến lĩnh vực tâm lý học và khoa học hành vi.

Ivan Pavlov là người Nga đầu tiên đoạt giải Nobel.

Ivan Pavlov là người Nga đầu tiên đoạt giải Nobel.

Bước ngoặt đến với khoa học

Sinh năm 1849 tại TP Ryazan (Nga), Pavlov lớn lên trong một gia đình không mấy khá giả và là con cả trong số 11 người con.

Cha ông, Peter Dmitrievich Pavlov, là một linh mục trong làng và định hướng con trai nối nghiệp mình, theo The Nobel Prize. Tuy nhiên, ngay từ khi còn nhỏ, Pavlov đã tỏ ra yêu thích khoa học và tự nhiên và ông đặc biệt say mê tìm hiểu hoạt động của cơ thể con người.

Sau khi hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học, Pavlov đăng ký vào Chủng viện Giáo hội Ryazan và dự định học để trở thành linh mục. Tuy vậy, ông đã từ bỏ sự nghiệp tôn giáo rẽ ngang sang nghiên cứu khoa học sau khi tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của triết gia Dmitry Pisarev và đọc tác phẩm "Nguồn gốc muôn loài" của nhà bác học Charles Darwin.

Năm 1870, Pavlov theo học chuyên ngành hóa học và sinh học tại Đại học St. Petersburg. Ông tiếp tục lấy bằng tiến sĩ vào năm 1879. Cùng năm đó, ông được bổ nhiệm vào giảng viên của Học viện Phẫu thuật Y khoa St. Petersburg.

Vào thập niên 1890, Pavlov chuyển sang công tác tại Viện y học thực nghiệm. Dưới sự chỉ đạo của ông, Viện này đã trở thành một trong những trung tâm hàng đầu cả nước về nghiên cứu sinh lý.

Cũng tại đây, Pavlov đã thực hiện phần lớn các nghiên cứu của ông về sinh lý tiêu hóa, mở đường cho những tiến bộ mới trong y học lý thuyết và thực tiễn.

Phát kiến định luật phản xạ có điều kiện

Trong suốt sự nghiệp của mình, Pavlov quan tâm đến hoạt động của hệ thần kinh và các cơ chế điều hòa cơ thể. Thông thường, khi con người ăn, dạ dày sẽ tiết ra một lượng lớn dịch vị để giúp tiêu hóa thức ăn.

Quyết tâm tìm hiểu cách đại não truyền mệnh lệnh này cho dạ dày, Pavlov đã tiến hành thí nghiệm trên chó.

Pavlov tìm ra định luật phản xạ có điều kiện nhờ nghiên cứu chức năng hoạt động dạ dày của chó.

Ông nhận thấy dịch vị của chó tăng lên rất nhiều khi chúng nghe thấy tiếng bước chân của nhân viên thường mang thức ăn đến cho chúng. Pavlov cho rằng tiếng bước chân báo hiệu cho chú chó biết thức ăn đang được mang tới, thông qua thần kinh, đại não ra mệnh lệnh làm cho dạ dày tiết ra dịch vị.

Từ phát hiện này, Pavlov nghĩ rằng, bất kỳ một tín hiệu nào như tiếng chuông, tiếng huýt sáo... gắn liền với sự xuất hiện của thức ăn trong một thời gian dài liên tục sẽ cho ra kết quả tương tự. Pavlov cho rằng đây là loại phản ứng đối với sự kích thích từ bên ngoài.

Ông gọi đó là phản xạ có điều kiện. Từ đó, thuật ngữ "điều kiện hóa cổ điển" (classical conditioning) ra đời, trong đó, điều kiện hóa chỉ các loại phản xạ tâm lý xảy ra theo thói quen một cách vô thức.

Mô tả về thí nghiệm của Ivan Pavlov về điều kiện hóa cổ điển.

Giai đoạn trước khi phát kiến của Pavlov, các nhà tâm lý học đương đại đã coi bộ não con người chỉ như một chiếc hộp đơn giản có thể xử lý phản xạ thần kinh và phản ứng tự động với các kích thích mà không tính đến việc những phản xạ thần kinh này có thể được cá nhân hóa bằng những trải nghiệm khác nhau và khả năng của não thích ứng với các kích thích mới.

Nghiên cứu của Pavlov đã mở ra một kỷ nguyên mới về cách nhìn nhận hoạt động của hệ thần kinh cao cấp, đánh bại chủ nghĩa duy tâm, duy ý chí, đồng thời đặt nền tảng cho sự phát triển tâm lý học, y học, thú y học và huấn luyện tạo thói quen cho động vật phục vụ ý muốn của con người.

Ghi nhận cống hiến vĩ đại cho khoa học, Ivan Pavlov đã được trao Giải thưởng Nobel về Sinh lý và Y khoa năm 1904. Ông trở thành nhà khoa học Nga đầu tiên giành giải thưởng danh giá này. Ngoài ra, Pavlov còn được bầu làm Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Nga (1907), tiến sĩ danh dự tại ĐH Cambridge (1912), giáo sư danh dự tại ĐH Saint Peterburg (1913), và được trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh (1915).

Mặc dù sức khỏe giảm sút trong những năm cuối đời, Pavlov vẫn tiếp tục nghiên cứu khoa học, mang lại hiểu biết cho con người về hệ thần kinh, cơ chế hành vi. Ông qua đời vào năm 1936 vì bệnh viêm phổi, hưởng thọ 86 tuổi.

Sự ra đi của Ivan Pavlov là mất mát to lớn đối với cộng đồng khoa học, và những đóng góp của ông cho lĩnh vực tâm lý học và sinh lý học vẫn tiếp tục được tôn vinh và nghiên cứu cho đến ngày nay.

Tử Huy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thi-nghiem-tren-chu-cho-cua-nha-khoa-hoc-tao-cuoc-cach-mang-trong-nganh-tam-ly-2142239.html