Thi quốc gia, chấm thi theo cụm mới an toàn

Giám thị của địa phương phải được luân chuyển từ huyện thị này qua huyện thị khác tránh tình trạng chỉ hoán đổi giữa các trường trong cùng một địa bàn với nhau

LTS: Đưa ra những giải pháp nhằm góp phần tạo ra sự minh bạch và công bằng trong công tác chấm thi cũng như coi thi của kì thi trung học phổ thông quốc gia, cô giáo Đỗ Quyên đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Sau một loạt sự cố nghiêm trọng xảy ra trong khâu chấm thi của kì thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua, dư luận khá hoang mang và không tin tưởng vào việc tổ chức chấm thi tại địa phương.

Đã có ít nhất 3 tỉnh thành bị phanh phui gian lận trước công luận. Nhiều câu hỏi đặt ra liệu đã hết chưa hay còn có bao nhiêu tỉnh thành khác chưa bị phát hiện? Có ai dám chắc những nơi chưa bị nêu tên là hoàn toàn làm đúng quy định?

Thầy cô giáo tham gia công tác chấm thi (Ảnh minh họa: VGP/Hồng Hạnh).

Nhưng, nếu trực tiếp được nghe thầy cô đi chấm thi về kể lại mới thấy việc coi thi và chấm thi tại một số địa phương thiếu sự nghiêm túc dẫn đến có học sinh trượt oan và ngược lại một số khác lại đỗ không xứng đáng.

Có điều, do không có bằng chứng ghi lại như quay phim, chụp hình hay ghi âm nên chẳng ai dám lên tiếng tố cáo. Họ chỉ rủ rỉ vào tai nhau những điều chính họ nghe và biết được.

Coi thi tại địa phương còn nhiều kẽ hở

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia tại địa phương là một giải pháp hay nhằm giảm sự quá tải ở nhiều thành phố lớn. Tạo điều kiện cho học sinh và phụ huynh không phải đi xa, giảm được nhiều chi phí.

Nhưng, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao hoàn toàn việc điều động nhân sự cho từng địa phương xem ra không ổn lắm.

Bởi, nhiều tỉnh vì muốn giảm tiền công tác phí, tiền ăn ở phải chi đã điều động giáo viên luân chuyển trong vòng vài cây số.

Điều này không tránh khỏi giáo viên coi thi chính học sinh và chính con cháu của mình nên có sự dễ dãi là không tránh khỏi.

Chấm thi càng không nghiêm túc

Một giáo viên dạy Toán kể rằng, trong khi chấm thi cũng có một vài lần nhận lệnh của cấp trên lưu ý về một số bài thi.

Có thầy cô trực tiếp dùng bút chì sửa luôn kết quả. Có giáo viên tuy không đồng tình với việc làm này cũng chẳng dám phản đối mà lặng lẽ thi hành (đây chính là nhược điểm lớn nhất của nhiều giáo viên hiện nay).

Nói về sự cam chịu, sự phục tùng mệnh lệnh thì có lẽ giáo viên luôn xếp vị trí đứng đầu.

Một giáo viên dạy Văn cho biết, mình nhận được lời gửi gắm của cấp trên dấu hiệu nhận biết một số bài của “gà”.

Ví như đầu hàng lùi vào mấy ô, có chữ cái đầu câu viết kiểu in hay thường. Hoặc một vài kí hiệu gạch xóa, một vài kiểu gạch chân riêng hay một vài câu viết tỏ ra ngớ ngẩn rồi bôi xóa…

Gặp những bài như thế, thang điểm được chấm nới hết mức có thể. Đôi khi giáo viên còn giúp sức thêm cho các em ở những câu trả lời thiếu, trả lời sai.

Có điều, những chú “gà” được chăm sóc kiểu đặc biệt này không nhiều, không đại trà như mấy tỉnh thành bị phát giác kia. Có lẽ vì thế mà cách này xem ra khá an toàn.

Giải pháp nào giúp kì thi diễn ra nghiêm túc?

Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ kiểu thi và chấm thi tại các địa phương như hiện nay thì cần sửa đổi một số điều.

Thứ nhất, 50% giám thị của trường đại học và 50% giám thị của địa phương. Nhưng giám thị của địa phương phải được luân chuyển từ huyện thị này qua huyện thị khác tránh tình trạng chỉ hoán đổi giám thị giữa các trường trong cùng một địa bàn với nhau.

Thứ hai, Chủ tịch Hội đồng thi, Hội đồng chấm thi nên để cho trường đại học đảm nhận. Cán bộ địa phương chỉ làm từ cấp phó.

Thứ ba, cần tập trung bài thi về từng cụm theo vùng miền để chấm tập trung và phân công giám khảo các tỉnh chấm chéo.

Hy vọng mùa tuyển sinh năm nay sẽ được diễn ra một cách minh bạch và công bằng để lấy lại niềm tin đã mất của mọi người.

Đỗ Quyên

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thi-quoc-gia-cham-thi-theo-cum-moi-an-toan-post189945.gd