Thí sinh than đề khó, Bộ GDĐT nói 'khó là hiển nhiên'

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, đề năm nay khó là hiển nhiên, nhằm mục đích tăng mức phân loại học sinh. Đề Ngữ văn sẽ có đáp án mở để phù hợp với độ mở của đề.

Nhiều thí sinh cho rằng mặt bằng đề thi THPT quốc gia năm nay khó hơn năm 2017 rất nhiều. Ảnh: Hải Nguyễn

Nhiều thí sinh cho rằng mặt bằng đề thi THPT quốc gia năm nay khó hơn năm 2017 rất nhiều. Ảnh: Hải Nguyễn

Giáo sư Toán học cũng không thể giải hết đề Toán trong 90 phút

Kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã kết thúc, thành công và nghiêm túc, nhưng dư âm với nhiều thí sinh lúc này là “tại sao đề thi lại khó đến vậy”.

Kết thúc mỗi buổi thi, rất nhiều giọt nước mắt đã rơi, thí sinh đã bật khóc khi được phụ huynh hỏi thăm tình hình làm bài.

Với nhiều giáo viên, dù đánh giá đề thi năm nay hay, có độ phân hóa cao, nhưng phải thừa nhận năm nay đề có những câu khó thực sự, sẽ có ít thí sinh đạt điểm 10.

Đặc biệt đề thi môn Toán được nhiều người nhận xét là khó và dài, thí sinh khó hoàn thành bài thi trong 90 phút.

GS-TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng - một chuyên gia đầu ngành về Đại số - cũng phải thừa nhận rằng ông đã không thể làm hết 50 câu trắc nghiệm của đề Toán năm nay trong 90 phút .

“Dù không thể đặt đồng hồ để tính giờ, tôi nghiêm chỉnh thừa nhận rằng, 90 phút không đủ cho tôi làm 50 câu của đề thi. Tôi cũng không tin rằng có thầy cô giáo dạy Toán THPT nào có thể giải kịp 50 câu của đề Toán trong vòng 90 phút. Có rất nhiều câu đòi hỏi phải tính toán trong 10 đến 15 phút.

Cô bé con anh bạn tôi làm đúng 27 câu đầu tiên, khiến tôi rất ấn tượng, và cho rằng cô ấy học rất vững vàng. Tuy nhiên, từ câu 28 đến câu 35, cô bé chỉ chọn đúng 1 đáp số. Rõ ràng, từ câu 28, cô bé sắp hết giờ, và đành khoanh bừa đáp số theo cảm giác. Làm thử đến bài 35, tự thấy đã nhận đủ thông tin, tôi dừng, vì vừa mệt vừa chán.

Lâu nay, dư luận lên án thi trắc nghiệm Toán ghê quá. Kỳ thi năm ngoái lại dễ, khiến cho 30 điểm vẫn trượt Đại học phòng cháy chữa cháy. Có lẽ vì thế, năm nay Bộ GD-ĐT chỉ đạo ra đề thật khó”- GS Nguyễn Hữu Việt Hưng đưa ra nhận định.

Đề khó để phân loại học sinh

Mặt bằng đề thi các môn THPT quốc gia 2018 được đánh giá là có độ phân hóa cao và khó hơn năm 2017, kể cả đề Ngữ văn lẫn các môn thi trắc nghiệm khác.

Trong buổi họp báo chiều 27.6 sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2018, nhiều phóng viên đã đặt ra câu hỏi có phải Bộ đang lúng túng trước 2 mục tiêu của kỳ thi: Vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa cần độ phân hóa cao để tuyển sinh ĐH, CĐ? Vì năm ngoái đề thi được đánh giá là dễ, dẫn đến “mưa điểm mười”, nên năm nay đề mới khó như vậy.

Ông Sái Công Hồng cho rằng đề thi năm nay khó vì có mục đích phân loại thí sinh.

Ông Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GDĐT cho rằng: “Đề thi luôn đảm bảo 4 cấp độ, từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Riêng với môn thi trắc nghiệm, các câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó. Đề thi năm nay có những câu rất dễ đến những câu khó, để tăng cường độ phân loại đối với các thí sinh, có một số câu hỏi được tăng độ khó lên để phân loại cho thí sinh khá giỏi”.

Trước câu hỏi đề thi môn Ngữ văn có chấp nhận những câu trả lời mang tính phản biện hay không, vì được đánh giá là mở và có thể có những quan điểm trái chiều, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - khẳng định: “Đề mở thì đáp án cũng phải mở".

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ GDĐT, đáp án sẽ mở một cách có kiểm soát, những bài thi nêu quan điểm khác nhưng có nội dung tư tưởng, không trái với thuần phong mỹ tục và không vi phạm pháp luật thì vẫn được tính điểm.

Bích Hà

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/thi-sinh-than-de-kho-bo-gddt-noi-kho-la-hien-nhien-615496.ldo