Thi tốt nghiệp THPT: Bỏ hay không bỏ?

Bỏ hay không bỏ thì câu hỏi đầu tiên cần được trả lời là: Chúng ta học để làm gì?

Ảnh minh họa.

Tất nhiên, chúng ta học để thu thập kiến thức, phát triển kỹ năng và hình thành các phẩm chất. (Mặc dù chuyện hình thành các phẩm chất không phải bao giờ cũng được thiết kế rõ ràng, mạch lạc trong việc dạy và học ở nước ta).

Cái lý, cái sự tất nhiên của việc học là như vậy. Thế nhưng, cái có thật, cái vận hành thật trong cuộc sống lại giản dị hơn nhiều: Chúng ta học để thi!

Chúng ta học để thi không chỉ ở trong trường phổ thông, ở trong trường đại học, mà cả ở nhiều trường lớp bồi dưỡng, đào tạo quan chức khác.

Thi cử buộc chúng ta phải cố gắng; thi cử định hướng hành vi học tập của chúng ta. Bất cứ môn học nào không phải thi tốt nghiệp, sự chú ý của học sinh cho môn học đó sẽ bị suy giảm.

Môn sử không phải thi tốt nghiệp, các tài liệu hướng dẫn ôn tập môn sử bị vứt trắng xóa sân trường. Mọi chuyện thật bất nhã, nhưng cũng thật con người.

Thiết kế chính sách thì phải căn cứ vào bản tính thật của con người. Với bản tính thật của con người chưa thay đổi, việc bỏ thi tốt nghiệp THPT là không hợp lý.

Một lập luận khá nổi tiếng mà các ý kiến đề nghị bỏ thi tốt nghiệp THPT đưa ra là: Nếu kỳ thi năm nào cũng có tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp gần như 100%, thì tổ chức thi làm gì cho tốn kém!

Xét từ góc độ tổ chức thi chỉ để đánh giá trình độ, lập luận này không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, thi cử được sinh ra không phải chỉ để đánh giá, mà còn để tạo ra động lực (và cả áp lực) cần thiết cho việc dạy và việc học và định hướng các hành vi này.

Chính vì vậy, ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc “Bỏ thi tốt nghiệp THPT, chất lượng giáo dục sẽ đi xuống” cũng không phải là không có cơ sở.

Học tập là một hình thức lao động vất vả, nhọc nhằn. Bên cạnh sự hào hứng, đam mê, sự nỗ lực là không thể thiếu. Không thể thiếu là cả kỷ luật trong học tập.

Nghịch lý lớn nhất của việc học hành là: Chúng ta ai cũng biết đi học thì chỉ có lợi cho mình, nhưng ai cũng thích được nghỉ học (cho dù được nghỉ học chỉ là vì thầy cô bị ốm).

Tâm lý chung như vậy, thì thiếu kỷ luật, việc học sẽ khó có thể thành công. Với đối tượng mà tính tự giác chưa được hình thành đầy đủ như trẻ em, thì kỷ luật lại càng quan trọng.

Thiếu thi cử, chúng ta sẽ phải xác lập kỷ luật trong học tập bằng cách nào đây? Trả lời câu hỏi này cũng là cách để cân nhắc xem chúng ta đã nên bỏ thi tốt nghiệp THPT hay chưa?

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/thi-tot-nghiep-thpt-bo-hay-khong-bo/130929.bld