Thi tốt nghiệp THPT: Nhân tố giới hạn qua góc nhìn nông sinh học và văn chương

Trong các vụ án gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình,… dư luận vẫn chờ đợi xem bức màn bí mật sẽ được vén lên tới đâu, có cho thấy được thủ phạm thực sự phía sau hay không. Đạo đức, ý chí và phương tiện răn đe của toàn bộ hệ thống chính trị đang được đặt vào một cuộc thử thách, nhằm chứng minh cho xã hội thấy được năng lực của mình trong việc khắc phục nhân tố giới hạn đáy và nâng tầm nhân tố giới hạn đỉnh của nền giáo dục nước nhà.

Trong những “vòng xoáy” Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… làm chao đảo niềm tin của công luận đối với giáo dục mấy tuần qua, nổi lên một luồng ý kiến: bãi bỏ kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia, giao cho từng địa phương tự chịu trách nhiệm xét tốt nghiệp sau khi học sinh kết thúc chương trình lớp 12. Hoặc những cách làm tương tự được các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau luận bàn, góp ý. Tác giả cũng đã từng phản biện dòng quan điểm này về mặt khoa học giáo dục. Ở đây chỉ xin mở rộng câu chuyện từ góc nhìn của hai lĩnh vực khác: nông sinh học và văn chương.

Nông sinh học: nhân tố giới hạn

Trong các nghiên cứu về sinh lí cây trồng, có một thuyết mang tên là “quy luật tối thiểu” (law of the minimum) (1). Quy luật này cho rằng năng suất cây trồng bị giới hạn bởi những yếu tố dinh dưỡng đầu tiên thiếu hụt. Để khắc phục, cần bổ sung các nhân tố giới hạn này, thay vì cứ tăng cường các thành phần dinh dưỡng đã có đầy đủ (do chỉ gây thêm ô nhiễm hoặc phung phí). Vai trò của nhân tố giới hạn thường được biểu diễn dưới dạng hình vẽ một chiếc thùng gỗ chứa nước có các thanh ghép dọc thân dài ngắn khác nhau: mực nước cao nhất trong thùng chỉ có thể đạt ngang với đỉnh của thanh ghép thấp nhất. Đó chính là nhân tố giới hạn mực nước trong thùng.

Hình minh họa quy luật về nhân tố giới hạn. Nguồn: Wikipedia

Nếu đưa mô hình trên vào giáo dục, có thể nói kết quả giáo dục phổ thông chính là nhân tố giới hạn đối với chất lượng giáo dục đại học. Bởi lẽ, phẩm chất “nguyên liệu” đầu vào càng tốt thì càng tăng cơ hội có được “sản phẩm” chất lượng ở đầu ra. Rất nhiều kiến thức, kĩ năng cơ bản của giới trẻ cần được trang bị và rèn luyện từ bậc phổ thông, mà không một trường đại học nào có thể làm thay được. Xét ở tầng lớp tinh hoa, một số trường đại học “tốp trên” hoàn toàn có khả năng cải thiện chất lượng của mình cao hơn nữa bằng cách thu hút những thành phần tinh túy nhất từ bậc phổ thông. Nhưng những thành quả nhỏ lẻ ấy sẽ không đủ để bù đắp cho sự thiếu hụt tổng thể của cả nền giáo dục đại học một khi chất lượng của bậc giáo dục liền trước yếu kém. Nước có thể dâng cao ở vị trí thanh ghép dài, nhưng rồi sẽ chảy hết qua chỗ thanh ghép ngắn.

Vậy, nhân tố giới hạn của chất lượng giáo dục phổ thông là gì? Đó chính là hoạt động kiểm tra, đánh giá, thi cử. Khi chuẩn mực đánh giá càng rõ ràng, thái độ đánh giá càng khách quan, công cụ đánh giá càng chính xác, thì kết quả đánh giá càng sát hợp. Từ đó, độ chênh lệch chất lượng giữa các địa phương sẽ càng có cơ hội thu hẹp, mặt bằng chất lượng giáo dục cả nước sẽ càng được nâng cao. Khi chiếc thùng nước có các thanh ghép dài đồng đều nhau hơn, mực nước trong thùng tất yếu sẽ cao hơn.

"Không cần phải gán cho kì thi này cái trách nhiệm “2 trong 1”, mà chỉ cần “1 trong 1”, là chính nó: kì thi đánh giá chất lượng tốt nghiệp bậc phổ thông."

TS Nguyễn Tấn Đại

Trong cơn bão dư luận vừa qua, cách thi cử là đối tượng hứng chịu mọi lời phê phán đôi khi đến vô lí. Có người đổ lỗi cho kì thi “2 trong 1”; nhưng nước Pháp từ hơn một thế kỉ nay vẫn tổ chức kì thi tú tài hàng năm cho tất cả các môn học, thỉnh thoảng có vài lời bàn ra tán vào nhưng cơ bản vẫn ổn. Có người quy trách nhiệm cho kiểu thi trắc nghiệm; nhưng nước Mỹ vẫn có các kì thi SAT, ACT trôi chảy, thông suốt từ mấy chục năm nay. Người này bảo cứ giao về các địa phương tự xét tốt nghiệp; nhưng họ quên rằng cả nền giáo dục Việt Nam hiện không có chuẩn mực rõ ràng, quy củ, thống nhất. Người kia cho rằng hãy để cho các trường đại học tự tổ chức kì thi riêng của mình; họ không nhớ đến thời kì cả nước “vật vã” vì các kì thi riêng phải đổi thành thi chung (cũng “vật vã” không kém, nhưng lí do… hơi khác).

Tựu trung, mọi ý kiến hay giải pháp đề ra hầu như đều dẫn giải một ví dụ đâu đó ở một đất nước tiên tiến. Chỉ là họ không biết, hoặc cố tình không biết, rằng các giải pháp kĩ thuật ấy đều đòi hỏi một nền tảng mà chúng ta không có hay còn thiếu thốn. Rốt cục, ta vẫn cứ loay hoay chắp vá, vì thi tú tài kiểu Pháp mà triết lí không giống Pháp, thi trắc nghiệm kiểu Mỹ mà từ hạ tầng đến thượng tầng thua xa Mỹ, thi tích hợp kiểu Trung Quốc mà không triệt để như Trung Quốc, muốn tự chủ địa phương như Anh mà không chuẩn tắc như Anh…

Trong một bối cảnh khó khăn bộn bề tứ phía, kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia là một “chiếc phao” cuối cùng để duy trì một mức chuẩn chung tối thiểu cho nền giáo dục phổ thông cả nước. Không cần phải gán cho kì thi này cái trách nhiệm “2 trong 1”, mà chỉ cần “1 trong 1”, là chính nó: kì thi đánh giá chất lượng tốt nghiệp bậc phổ thông. Khi có vấn đề nảy sinh với nó thì phải xác định đúng nguyên nhân để tìm được cách củng cố cho nó vững chắc hơn lên. Khi kì thi tốt nghiệp THPT đã đạt chất lượng cần có của chính nó, các trường đại học, cao đẳng tất yếu sẽ sử dụng kết quả đó trong tuyển sinh. Trường nào thấy mình cần đặt chuẩn cao hơn và có đủ nguồn lực thì sẽ tự tổ chức các hình thức tuyển sinh bổ sung. Cứ thế phân tầng đại học sẽ dần dần xuất hiện, trên một nền tảng vững chắc của chất lượng giáo dục phổ thông. Còn nếu bỏ hẳn nó đi, thì chẳng mấy chốc hàng loạt tỉnh thành khác sẽ cùng “đua” với những Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… và cái cột mốc nhân tố giới hạn sẽ nhanh chóng bị kéo chìm sâu xuống đáy. “Tòa nhà” giáo dục đại học làm sao vươn cao khi “móng nhà” giáo dục phổ thông vừa yếu vừa đứt gãy?

Văn chương: các tiểu thư Danaus

Trong thần thoại Hy Lạp, có truyền thuyết về các tiểu thư Danaus. Truyện kể rằng, hậu duệ đời thứ tư của thần Zeus có hai anh em song sinh là Danaus và Aegyptus. Danaus có 50 người con gái, trị vì xứ Lybia. Aegyptus có 50 người con trai, trị vì xứ Arabia. Aegyptus xâm chiếm đất Ai Cập và thúc ép Danaus gả các con gái cho các con trai mình để tránh cuộc chiến tranh giành quyền lực về sau. Danaus yếu thế, đành chấp nhận nhưng bí mật ra lệnh cho các con gái mình lén giết chồng ngay trong đêm thành hôn. Trừ nàng con cả Hypermnestra, 49 nàng còn lại đều tuân lệnh cha giết chết chồng mình.

Về sau khi xuống Địa ngục, các nàng bị kết án khiêng từng bình nước đổ vào một chiếc vại bị đục thủng lỗ bên dưới, cho đến khi nào đầy mới thôi.

Tranh “Các tiểu thư Danaus” của John William Waterhouse, 1903. Nguồn: Wikipedia

Liên hệ câu chuyện này với hình ảnh chiếc thùng gỗ ở trên, ta lại thấy một chiều kích khác của vấn đề. Ở đây, nhân tố giới hạn không chỉ là chiều dài các thanh gỗ ghép của chiếc thùng nữa, mà còn là những lỗ thủng trên từng thanh gỗ ấy. Trong thi cử, kiểm tra, đánh giá giáo dục, giữ một mức chuẩn tối thiểu chung cho các vùng miền tỉnh thành có trình độ phát triển chênh lệch đã là khó. Đảm bảo cho cái chuẩn mong manh ấy không bị nơi này hay nơi khác kéo tuột xuống bằng những lỗ thủng vô tình hay hữu ý lại càng khó hơn. Nay mà buông thả, cho mỗi nơi tự quyết chuẩn riêng cao thấp tùy ý mình, thì các lỗ thủng kia sẽ lại ngày càng mở rộng. Mực nước chung trong thùng sẽ mau chóng hạ thấp, không chỉ do tràn trên bề mặt theo một số thanh ghép ngày càng ngắn đi (nhân tố giới hạn đỉnh), mà còn do rò rỉ hay tuôn chảy từ đáy qua các lỗ thủng vô phương kiểm soát kia (nhân tố giới hạn đáy).

Truyền thuyết không nói rõ ai là người đã kết án các tiểu thư Danaus, cũng như ai là người tạo ra các lỗ thủng dưới đáy vại nước. Chỉ biết chuyện đó xảy ra ở xứ Tartarus do một người anh trai của thần Zeus là Hades ngự trị. Trong các vụ án gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình,… dư luận vẫn chờ đợi xem bức màn bí mật sẽ được vén lên tới đâu, có cho thấy được thủ phạm thực sự phía sau hay không. Đạo đức, ý chí và phương tiện răn đe của toàn bộ hệ thống chính trị đang được đặt vào một cuộc thử thách, nhằm chứng minh cho xã hội thấy được năng lực của mình trong việc khắc phục nhân tố giới hạn đáy và nâng tầm nhân tố giới hạn đỉnh của nền giáo dục nước nhà.

Về thân phận của 50 tiểu thư Danaus, chỉ trừ cô con cả Hypermnestra, hẳn nội tình có nhiều uẩn khúc khi các nàng tuân lệnh cha giết chồng trong đêm thành hôn. Họ có tình cảm gì với các đấng hôn phu, cũng là những người anh em họ với mình? Hay họ thực sự muốn phản kháng lại cuộc hôn nhân cưỡng ép trái ngược luân thường? Hay là có một giả thuyết khác nói rằng người cha Danaeus đã nghe được một lời sấm truyền rằng chính các công tử nhà Aegyptus đã có kế hoạch bí mật giết chết các nàng ngay trong đêm động phòng hoa chúc? Dẫu sao mặc lòng, cả 50 nàng đều đã lựa chọn hành động của mình và tiếp lãnh hệ quả từ các quyết định đó. Hypermnestra không nghe lời cha, giữ lại mạng sống của chồng là Lynceus, về sau cùng nhau trị vì xứ Argos. 49 nàng còn lại vẫn được tha cho sống, nhưng sau xuống Địa ngục thì chịu bản án muôn đời đổ nước sao cho đầy chiếc vại thủng đáy.

Biếm họa về vụ gian lận trong cuộc thi THPT quốc gia vừa qua. Nguồn: LEO + LAP - Tuổi Trẻ Cười

Trong ngành giáo dục, khắp 63 tỉnh thành trong cả nước, mỗi nơi mỗi kiểu mỗi người mỗi cảnh. Khi sự việc vỡ lở, người ta bảo rằng chống gian lận thi cử trước tiên phải bắt đầu từ… nhà giáo. Tựa hồ rằng, từng thầy cô, từng cán bộ nhỏ nhoi trong ngành giáo dục của cả đất nước này, thậm chí ngay tại các địa phương dính líu vào sự bê bối này, là nguồn cơn của tất cả. Từng phận người bé nhỏ ấy đương nhiên sẽ có người đúng, có người sai, với muôn vàn lí do khác nhau. Nhưng đồng loạt tạo nên một “thảm án” như đêm thành hôn đẫm máu của của hai nhà Aegyptus-Danaeus, không thể khởi đầu từ họ. Tránh cho cái “thảm án” ấy tiếp diễn, cũng không thể khởi đầu từ chính họ.

Trong 50 tiểu thư xinh đẹp, chỉ có một nàng may mắn thoát được “kiếp nạn” nhờ dám cãi lệnh cha. Thân phận của họ lúc này chẳng khác gì các tiểu thư Danaus, đang phải từng ngày mang từng bình nước đổ vào chiếc thùng gỗ to, phía trên thì lô nhô thanh dài thanh ngắn cao thấp khác nhau, phía dưới thì thủng lỗ chỗ hay âm ỉ mục ruỗng do những vết đục mối mọt không ngừng lan rộng. Buông tay thả trôi kì thi tốt nghiệp THPT, hay còn nương tay chứa chấp cái sai, bao che tiêu cực, cũng có nghĩa là tiếp tay đẩy “chiếc thùng giáo dục” đến sát mức tới hạn, nếu không bục vỡ thì cũng thành cạn nước.

Nguyễn Tấn Đại (Tiến sĩ Khoa học Giáo dục trường Đại học Strasbourg, Pháp; Nhà nghiên cứu độc lập về khoa học giáo dục và truyền thông khoa học)

______________

(1) Do nhà nông học người Đức Carl Sprengel (1878-1859) phát minh, sau đó được nhà hóa học cũng người Đức Justus von Liebig (1803-1873) phát triển và phổ biến.

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/thi-tot-nghiep-thpt-nhan-to-gioi-han-qua-goc-nhin-nong-sinh-hoc-va-van-chuong-14960.html