Thi trắc nghiệm công bằng nhưng mất hay

TP - Việc gộp các môn Sử, Địa, Giáo dục công dân (GDCD) thành 1 bài thi Khoa học Xã hội trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017 được nhiều giáo viên đánh giá là nhẹ nhàng trong chấm thi, công bằng song mất đi nhiều cái hay vốn dĩ chỉ có tự luận mới thể hiện được.

Ảnh minh họa

Tương tự, việc gộp các môn Lý, Hóa, Sinh thành 1 bài thi trắc nghiệm Khoa học tự nhiên cũng vấp phải sự phản ứng.

Thầy Đỗ Mạnh Dương, giáo viên Lịch sử trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh, TPHCM cho rằng, thi trắc nghiệm sẽ góp phần đảm bảo công bằng, khách quan hơn tự luận. “Song năm đầu tiên chỉ nên sử dụng 70- 80% trắc nghiệm, còn lại là tự luận, những năm tiếp theo 100% trắc nghiệm để thầy cô, học sinh thích nghi với hình thức này”, thầy Dương nói.

Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Giang, giáo viên Địa lý trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh, môn Địa lý là môn học có kiến thức tổng hợp, liên hệ từ nhiều kiến thức khác nhau nên nếu dạy theo trắc nghiệm thì khó thể hiện được hết nội dung. Theo cô Giang trong 1 đề thi tự luận luôn có đủ 4 mức độ đi từ thấp đến cao đó là nhận biết, đọc hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao gồm phân tích, chứng minh, liên hệ. Nếu thi trắc nghiệm với chỉ 20 câu hỏi thì khó có thể đáp ứng được cả 4 mức độ, đặc biệt là mức độ vận dụng cao, đòi hỏi các em học sinh phải thể hiện năng lực của mình qua ngôn từ, diễn đạt.

Thầy Trần Văn Quang, Tổ trưởng tổ Địa lý trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM cho rằng, để ra được đề thi trắc nghiệm với quy mô và tính chất rộng lớn như kỳ thi THPT Quốc gia thì không hề dễ, đòi hỏi phải xây dựng được ngân hàng đề thi đủ lớn và hay, tránh những câu hỏi quá chi tiết về ngày tháng năm, các sự kiện… Theo thầy Quang, với môn Lịch sử có rất nhiều chi tiết về ngày tháng năm, chỉ cần đảo 1 trong các vị trí là học sinh hoang mang ngay, bởi trắc nghiệm trong các môn xã hội là phải thuộc từng câu từng chữ chứ không phải suy luận logic như các môn tự nhiên. “Ngay cả thầy cô chúng tôi, cũng băn khoăn, không biết phải thay đổi thế nào. Bộ phải sớm công bố đề thi minh họa để giáo viên dựa vào đó bám sát giảng dạy chứ trên thị trường hiện nay có nhiều sách trắc nghiệm về các môn khoa học xã hội nhưng rất nhiều kiến thức sai”- thầy Quang chia sẻ.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/giao-duc/thi-trac-nghiem-cong-bang-nhung-mat-hay-1049409.tpo