Thị trấn ở Pháp quay lưng với khách siêu giàu

Giới chức địa phương ở vùng Đông Nam nước Pháp mong muốn hạn chế sử dụng nước để đối phó với hạn hán. Tuy nhiên, ngành du lịch và dịch vụ lo ngại nguy cơ mất khách.

Thị trấn Callian nằm trên đỉnh một ngọn đồi vùng Đông Nam nước Pháp, nơi nhà thiết kế thời trang Christian Dior từng ở, là địa điểm rất hấp dẫn các vị khách có thu nhập cao. Bằng chứng là thị trấn 4.000 dân này có tới 1.000 bể bơi gia đình.

Tuy vậy, thị trưởng François Cavallier, cho rằng tình trạng du khách tới nghỉ dưỡng và người giàu đổ về đây để mua căn nhà thứ hai cần dừng lại. Nếu không, thị trấn sẽ cạn khô nước, theo Financial Times.

“Chúng ta cần khuyến khích mọi người đừng đến đây”, ông nói. “Điều này không kéo dài mãi mãi nhưng việc thu hút người đến đây rồi hết sạch nước là động thái thiếu trách nhiệm”.

Tình trạng hạn hán đã buộc thị trưởng 9 thị trấn trong khu vực phải áp dụng các biện pháp mạnh tay, từ phân phối nước theo hạn định tới cấm xây nhà và bể bơi mới trong 5 năm.

Các biện pháp trên gây tác động nghiêm trọng tới ngành du lịch - vốn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương nhưng khiến tình trạng thiếu hụt nước ngày càng tồi tệ. Tình trạng này được dự báo sẽ ngày càng tồi tệ khi Trái Đất nóng lên.

Tác động từ du lịch

Khi mực nước ở các con sông liền kề ở mức thấp hơn cùng kỳ hàng năm, người dân tại các thị trấn trong khu vực chỉ được phép dùng tối đa 150 lít nước/ngày để tránh cảnh bị cắt nước, trong bối cảnh dân số địa phương sẽ tăng gấp đôi lên khoảng 60.000 người vào mùa hè,

Các thị trấn nằm trên đỉnh đồi tương đối dễ bị tổn thương do vị trí của mình. Tuy vậy, tình hình thời tiết không thuận lợi - miền Nam nước Pháp vừa đón một mùa đông khô sau mùa hè hạn hán năm ngoái - khiến nhiều thành phố ven bờ Địa Trung Hải cũng phải đối mặt với khủng hoảng nước.

Giờ đây, nông dân và những người trồng nho phải cạnh tranh nước với các khách sạn, sân golf phục vụ du lịch. Cư dân địa phương phàn nàn về các khu du lịch xa xỉ, cho rằng những cơ sở này tiêu thụ nước nhiều hơn đáng kể so với nhu cầu cấp nước cho vườn tược và bể bơi của họ.

 Các thị trấn trên đồi tương đối dễ tổn thương trước hạn hán. Trong ảnh, thị trấn Seillans ở Đông Nam nước Pháp. Ảnh: Financial Times.

Các thị trấn trên đồi tương đối dễ tổn thương trước hạn hán. Trong ảnh, thị trấn Seillans ở Đông Nam nước Pháp. Ảnh: Financial Times.

Người đứng đầu Châteauneuf-Grasse gần Cannes nói với Liberation rằng những người tiêu thụ nước nhiều nhất vào năm ngoái “là các khách VIP, bao gồm cả các thủ tướng và thành viên hoàng gia”.

Báo chí và các quan chức địa phương gọi đây là “cuộc chiến nước” trong lòng nước Pháp.

“Có sự xung đột về cách thức sử dụng”, ông Richard Evence, đại diện của chính quyền tại tỉnh Var, nói.

Hiện tượng khí hậu nóng lên đặt ra câu hỏi liệu Đông Nam nước Pháp - khu vực ghi nhận sự tăng trưởng dân số đáng kể trong những thập kỷ qua - có thể tiếp tục đà phát triển như trước hay không.

Nhiều người chuyển đến đây để thỏa mãn mong muốn sở hữu một ngôi nhà có vườn và bể bơi, tận hưởng hơn 300 ngày nắng trong năm, với nền kinh tế chủ yếu dựa vào du lịch và xây dựng.

Ông Evence cho biết tỉnh Var sẽ sớm tổ chức nghiên cứu để đánh giá nhu cầu và nguồn cung nước tại địa phương. Từ đó, tỉnh này sẽ lên kế hoạch về các công trình cần thiết và cách thức sử dụng nước trong tương lai.

“Đang có cuộc tranh luận về việc liệu chúng tôi có thể tiếp tục làm như trước đây không”, ông nói.

Trong khi đó, tại Perpignan, người dân đã phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng hồi tháng 3. Nhà thờ địa phương đã phải khôi phục lại nghi lễ cầu trời mưa từ hàng thế kỷ trước.

Giữa cuộc tranh luận về cách thức sử dụng nước, các bể bơi gia đình là chủ đề nóng. Nước Pháp có tới 3,4 triệu bể bơi như vậy - con số lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

 Ngành du lịch lo ngại các biện pháp hạn chế để tiết kiệm nước có thể khiến địa phương mất khách. Ảnh: Financial Times.

Ngành du lịch lo ngại các biện pháp hạn chế để tiết kiệm nước có thể khiến địa phương mất khách. Ảnh: Financial Times.

Các thị trấn bị hạn hán tác động nặng nề đã bắt đầu hạn chế tích nước bể bơi. Một số nơi thậm chí cấm bán bể bơi lắp ghép.

Một người làm trong lĩnh vực khách sạn tại Nice đã bị chỉ trích sau khi tuyên bố các du khách không cần đóng góp vào nỗ lực tiết kiệm nước vì sẽ ảnh hưởng tới thú vui của họ.

Tranh cãi về lệnh cấm

Cơ sở hạ tầng cấp nước của khu vực chủ yếu được xây dựng vào thập niên 50-60 của thế kỷ trước. Giờ đây, các công trình này đang đứng trước thách thức từ hạn hán và thời tiết.

Ngoài các con sông tự nhiên chảy từ dãy Alps, vùng Đông Nam nước Pháp còn dựa vào mạng lưới kênh đào nhân tạo và các hồ chứa nước kiêm thủy điện.

Bà Emma Haziza, chuyên gia về thủy văn và biến đổi khí hậu, cho biết khu vực bờ biển phía Nam nước Pháp đã khô hạn hơn nhiều trong những năm qua. Giới khoa học vẫn chưa thể hiểu hết về sự biến động của thời tiết khu vực.

“Người dân hôm nay đang chờ cơn mưa tới nhưng nó sẽ không thể giải quyết vấn đề’, bà nhận định. “Chúng ta cần cách tiếp cận hoàn toàn mới để quản lý nguồn nước, lấy ít nước từ lòng đất hơn”.

Đây là lý do thúc đẩy ông René Ugo, thị trưởng thị trấn Seillans của tỉnh Var, cho rằng lệnh cấm hoàn toàn hoạt động xây dựng mới là điều cần thiết.

Kể từ mùa hè năm 2022, thị trấn 2.700 dân này - nơi có một phần ba số nhà là nhà nghỉ hoặc nhà cho thuê theo mùa vụ - đã buộc phải dựa vào nguồn nước được xe cấp nước mang đến. Cơ quan nước sạch địa phương theo dõi lượng sử dụng nước của từng hộ và phạt những hộ vượt quá định mức bằng cách hạn chế cấp nước.

“Năm nay còn tệ hơn năm ngoái”, ông Ugo nói. “Nếu trời không mưa, chúng tôi sẽ thiếu nước vào mùa hè.

 Seillans đã phải phụ thuộc vào các xe chở nước để có nước sinh hoạt. Ảnh: Financial Times.

Seillans đã phải phụ thuộc vào các xe chở nước để có nước sinh hoạt. Ảnh: Financial Times.

Để đối phó, 9 thị trấn địa phương - bao gồm Seillans - đang chuẩn bị hệ thống cảnh báo người dân trong trường hợp mất nước dùng. Họ cũng tăng cường các biện pháp mạnh tay hơn như cấm rửa xe hay hạn chế thời gian tưới nước cho vườn tược.

Không phải ai cũng vui vẻ trước các quy định mới này. Chủ một doanh nghiệp nói rằng ông mong chính quyền không nói về tình trạng khô hạn nữa vì điều này không tốt cho du lịch. Những người khác lập lập chính quyền đáng lẽ ra nên nhìn thấy trước tình hình và đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng.

Ông Laurent Largillet, chủ sở hữu một đại lý bất động sản trong khu vực, cho rằng các chính trị gia đã đi quá xa. Ông dự đoán lệnh cấm xây dựng sẽ bị đưa ra tòa án.

“Tôi nghĩ họ cố tình tung tin với mong muốn người dân sẽ sử dụng ít nước đi. Tuy vậy, đây là điều gây tổn hại lớn”, ông Largillet tuyên bố.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thi-tran-o-phap-muon-khach-sieu-giau-ngung-toi-post1435004.html