Thị trấn Sông Cầu tạo đà cho cây trồng chủ lực

Thời gian qua, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) vận dụng hiệu quả các nguồn vốn, chương trình hỗ trợ ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và chế biến chè. Qua đó góp phần giúp người dân tăng năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cho cây trồng chủ lực của địa phương.

Thành viên HTX Tân Hoàng Trà, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ), trao đổi kinh nghiệm thu hái chè sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ảnh: P.T

Ông Dương Tiến Vững, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Cầu, thông tin: Với diện tích trên 337ha (trong đó diện tích chè kinh doanh là 332,7ha), chè được xác định là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền thị trấn đã triển khai nhiều chương trình tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con cải tạo đất, thay đổi giống và cách chăm sóc, chế biến chè. Địa phương phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc chè; đưa các giống chè lai năng suất cao như: TRI111, Kim Tuyên, LDP1… vào trồng thay thế diện tích chè trung du già cỗi, năng suất thấp; triển khai các mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ…

Đến nay, Sông Cầu có trên 70% diện tích chè lai, trên 80ha chè đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và 19,1ha chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ; 8 sản phẩm OCOP 3 - 4 sao.

Chị Phạm Thị Ngữ, ở tổ dân phố 4, thị trấn Sông Cầu, chia sẻ: Thông qua các chương trình do thị trấn tổ chức, chúng tôi được học cách làm chè, sản xuất chè VietGAP, hữu cơ. Hiện toàn bộ 5.000m2 chè của gia đình đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó trên 4.000m2 đã được cấp giấy chứng nhận. Tôi thấy sản xuất chè theo hướng này đem lại rất nhiều lợi ích, không chỉ đảm bảo môi trường sống, bảo vệ sức khỏe cho người trồng chè mà sản phẩm còn có chất lượng tốt hơn, giá cao hơn từ 80-100 nghìn đồng/kg so với thông thường. Trung bình mỗi năm gia đình tôi thu lãi trên 100 triệu đồng.

Cùng với từng bước thay đổi cách thức sản xuất, thị trấn Sông Cầu còn hỗ trợ người dân nguồn vốn vay phát triển kinh tế thông qua các kênh tín chấp ngân hàng của các đoàn thể; kết nối, tạo điều kiện để các sản phẩm chè của địa phương trưng bày, giới thiệu tại các chương trình xúc tiến, hội chợ thương mại…

Đồng thời vận động người dân liên kết, thành lập 2 hợp tác xã (HTX) sản xuất chè; vận dụng các nguồn vốn, chương trình hỗ trợ các HTX cải tiến kỹ thuật trong sản xuất. Tính riêng từ năm 2020 đến nay, thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, HTX chè Thịnh An và HTX Tân Hoàng Trà đã được hỗ trợ 90 triệu đồng kinh phí mua máy tôn sao chè, máy vò chè, bao bì, tem mác.

Thành viên HTX Tân Hoàng Trà giới thiệu với khách hàng một số sản phẩm chè của đơn vị.

Ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc HTX Tân Hoàng Trà, ở tổ dân phố 5, cho biết: Được địa phương quan tâm bằng nhiều hình thức, chúng tôi có điều kiện phát triển. Năm 2021, HTX thành lập chỉ có 7 thành viên thì nay có thêm 63 hộ dân liên kết, vùng nguyên liệu mở rộng lên 21ha, trong đó 20,7ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và 5,3ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Năm 2022, HTX đã xây dựng thành công sản phẩm Chè nõn Tân hoàng trà đạt OCOP 3 sao. Với quy mô nhà xưởng rộng 200m2, 2 máy xao, 15 máy vò, 1 máy hút chân không, trung bình mỗi tháng HTX sản xuất, cung ứng 3-4 tấn chè khô ra thị trường; giá bán dao động 250 nghìn - 2 triệu đồng/kg.

Những quan tâm, định hướng đúng đắn trong phát triển cây trồng chủ lực đã góp phần nâng cao đời sống của người dân thị trấn Sông Cầu. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,97% (năm 2022) xuống còn 2,59% (năm 2023). Theo Chủ tịch UBND thị trấn Dương Tiến Vững, để phát triển hơn nữa thương hiệu chè Sông Cầu, cùng với việc khuyến khích người dân nhân rộng diện tích chè VietGAP, hữu cơ và xây dựng các sản phẩm OCOP thì chính quyền địa phương cũng sẽ vận động các làng nghề làm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để tăng lợi ích kinh tế bền vững cho người dân.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202403/thi-tran-song-cau-tao-da-cho-cay-trong-chu-luc-83911b3/