Thi trung học phổ thông quốc gia 2019: Sẽ cắt phách điện tử, chấm chéo?

Ngày 30-7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tổ chức cuộc gặp với các chuyên gia để trao đổi, góp ý một số vấn đề về giáo dục. Tại đây, một số giải pháp để đảm bảo an toàn cho kỳ thi THPT quốc gia trong năm tới đã được đặt ra.

Tham dự cuộc trao đổi cùng Phó Thủ tướng có GS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; GS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; lãnh đạo các trường đại học lớn và một số chuyên gia đã từng có ý kiến phân tích về kỳ thi. Về phía Bộ GD-ĐT có Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia.

Cuộc gặp cởi mở, thẳng thắn

Theo TS Lê Thống Nhất, với sự tạo điều kiện của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhiều chuyên gia giáo dục đã có hai buổi trao đổi rất cởi mở, thẳng thắn với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Đây là cuộc gặp trực tiếp mà rất nhiều chuyên gia giáo dục cũng như cộng đồng chờ đợi. TS Lê Thống Nhất cho biết, điều rất thú vị là tuy chủ trì cuộc gặp nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam không ngồi ở vị trí "long trọng" như các phiên họp thường kỳ mà tất cả mọi người ngồi với đúng hình thức bàn tròn. "Đây có lẽ là lần đầu tiên kể từ khi có dư luận phân tích phê phán những vấn đề của kỳ thi THPT quốc gia 2018, cho thấy sự cầu thị của người đứng đầu ngành giáo dục với cương vị là Bộ trưởng. Không chỉ trao đổi cởi mở với các đại biểu trong cuộc họp chính thức mà ngay trong thời gian nghỉ trưa, Bộ trưởng cũng tranh thủ trao đổi với cá nhân và một số nhóm", TS Lê Thống Nhất nhận định.

Bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, cho biết các đại biểu, kể cả Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng đều là khách mời của Phó Thủ tướng, nên cuộc trao đổi diễn ra rất tự nhiên và bình đẳng. Mọi người đều nêu lên các ý kiến của mình, cho dù đó là ý kiến trái chiều với cơ quan quản lý nhà nước. Các ý kiến đều được Phó Thủ tướng lắng nghe và Bộ GD-ĐT chia sẻ, phản hồi, trao đổi lại. Theo bà An, các đại biểu đã cùng thảo luận nhiều vấn đề xung quanh kỳ thi THPT quốc gia như vấn đề nên hay không nên tổ chức kỳ thi, tính khó-dễ của đề thi, quy chế thi, tính chất kỳ thi, quy trình tổ chức thi và chấm thi, việc bảo đảm tính nghiêm túc của kỳ thi…

"Tôi cho đây là cách làm rất tích cực, thể hiện sự cầu thị của cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là cuộc gặp được tổ chức rất kịp thời, khi vấn đề đang nóng trong dư luận. Các đại biểu đến đây không chỉ mang ý kiến của họ mà còn là tiếng nói của nhiều người dân, nhiều chuyên gia, nhiều nhà khoa học khác. Từ đó, giúp cơ quan quản lý có sự tham khảo, đối sánh, nhằm tìm ra cách giải quyết vấn đề tốt nhất. Đó là cách làm nên phát huy", bà Bùi Thị An nói.

Sẽ dùng phách điện tử?

Theo TS Lê Trường Tùng, các đại biểu đều thống nhất cần thiết tổ chức kỳ thi và phải xem đây là thi THPT quốc gia, xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh. Vấn đề quan trọng là phải nghiên cứu để tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, nghiêm túc.

Các đại biểu cũng đưa ra những góp ý giải pháp giải quyết vấn đề này. Theo TS Lê Thống Nhất, cuối buổi trao đổi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã phát biểu cảm ơn các ý kiến của Phó Thủ tướng cùng các chuyên gia. Bộ trưởng khẳng định, trước hết về những thiếu sót mà Bộ GD-ĐT xin chịu trách nhiệm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 là đề thi chưa phù hợp với kỳ thi (đề khó so với yêu cầu của thi THPT quốc gia, việc phản biện đề tuy có làm nhưng chất lượng chưa cao); phần mềm chấm thi trắc nghiệm còn bộc lộ nhiều điểm yếu; quy trình chấm thi giao cho địa phương tuy có giám sát nhưng vẫn có thể gian lận.

Những điều Bộ GD-ĐT cần sửa ngay để đảm bảo cho chất lượng và công bằng ở kỳ thi năm tới là xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm theo chuẩn, đúng quy trình và đảm bảo bám sát yêu cầu của kỳ thi là chủ yếu xét tốt nghiệp THPT. Bộ sẽ thực hiện việc phản biện đề thi chất lượng hơn, trong đó phải có nhóm độc lập giải thử đề thi để đánh giá mức độ của đề thi có phù hợp với thời gian thi hay không. Thứ hai là tổ chức chấm thi tập trung theo các cụm thi mà những công đoạn quan trọng sẽ do các cán bộ ở trường đại học, học viện thực hiện. Nghiên cứu việc chấm thi môn Ngữ văn cũng theo hình thức này, các tổ chấm thi không biết bài thi của địa phương nào.

Nói rõ hơn về vấn đề này, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT cho biết, mặc dù đây chỉ là buổi gặp chia sẻ, không có kết luận chính thức, nhưng tại cuộc trao đổi, một phần mềm chấm thi mới có thể áp dụng năm 2019 cũng đã được mô tả. Theo đó, sau khi thu bài của thí sinh, bộ phận coi thi phải quét luôn bài thi gửi về Bộ GD-ĐT mới xong việc coi thi, bài thi gốc sẽ được niêm phong và để lại ở các sở giáo dục và đào tạo, kể cả môn Ngữ văn. Sau đó, phần mềm sẽ cắt phách điện tử. Bài thi trắc nghiệm có thể chấm tập trung. Bài thi tự luận Bộ có thể gửi bài đã cắt phách về các địa phương chấm. Địa phương nhận được bài để thực hiện chấm thi nhưng sẽ không biết bài của tỉnh nào. Ông Tùng cho rằng với công nghệ, băng thông Internet như hiện nay thì việc quét gửi bài thi về Bộ là khả thi.

Cũng theo ông Tùng, phát biểu tại buổi trao đổi, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự góp ý, giúp sức của các chuyên gia, cộng đồng cho giáo dục. Ông cũng hy vọng việc sửa chữa các vấn đề để kỳ thi năm tới tốt hơn và có thể lấy lại niềm tin của nhân dân.

Theo VN+

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/138_193122_thi-trung-hoc-pho-thong-quoc-gia-2019-se-cat-phach-dien-tu-cham-cheo-.aspx