Thị trưởng 38 tuổi nổi lên sau vụ người da đen bị đè chết ở Mỹ

Thị trưởng trẻ của thành phố Minneapolis, Mỹ, đang đứng trước những thách thức lớn trong xử lý vụ án sĩ quan cảnh sát đè chết người đàn ông da đen và làn sóng bạo lực kéo theo.

Thị trưởng thành phố Minneapolis Jacob Frey, cựu luật sư 38 tuổi và cựu vận động viên chuyên nghiệp, thu hút sự chú ý của công chúng Mỹ trong những ngày gần đây sau vụ việc sĩ quan cảnh sát đè chết người đàn ông da đen hôm 25/5.

Run rẩy và tức giận, thị trưởng trẻ tuổi của thành phố Minneapolis đứng trước camera nhiều lần liền trong những ngày qua để đưa ra tuyên bố về vụ việc, và mới đây là để ban bố lệnh giới nghiêm sau ba ngày liên tiếp diễn ra biểu tình bạo lực.

Hôm 29/5, ông Frey yêu cầu mọi người dân không ra đường từ sau 20h cho tới 6h sáng hôm sau. Trường hợp ngoại lệ chỉ có lực lượng hành pháp, nhân viên cứu hỏa, nhân viên y tế và vệ binh quốc gia được triển khai để đảm bảo trật tự.

Người biểu tình đốt một nhà hàng ở thành phố Minneapolis hôm 29/5. Ảnh: AP.

Lệnh giới nghiêm được ban bố sau ba đêm liên tiếp diễn ra biểu tình bạo lực tại Minneapolis. Hàng trăm cửa hàng đã bị phá hủy và một sở cảnh sát bị phóng hỏa. Người biểu tình thể hiện sự phẫn nộ trước vụ viên cảnh sát Derek Chauvin ghì đầu gối lên cổ của ông George Floyd hôm 25/5 trước khi người đàn ông da đen 46 tuổi này tử vong tại bệnh viện.

Video cho thấy Chauvin đè đầu gối lên cổ Floyd trong hơn 8 phút, và nạn nhân đã cầu xin “đừng, đừng, tôi không thở được”, trước khi tử vong.

"Là người da đen ở Mỹ không nên là bản án tử hình", ông Frey tuyên bố tại cuộc họp báo sau cái chết của Floyd, đồng thời công khai kêu gọi bắt giữ viên sĩ quan cảnh sát có liên quan, theo Reuters.

Thị trưởng trẻ của Minneapolis

Thị trưởng Minneapolis đã sa thải cả 4 sĩ quan có mặt tại hiện trường khi Floyd liên tục kêu lên rằng anh không thở được. Hôm 29/5, Chauvin bị bắt giữ và bị buộc tội giết người. Giới chức địa phương xác định những sĩ quan cảnh sát còn lại trong vụ việc là Thomas Lane, Tou Thao và J Alexander Kueng.

Là cựu luật sư về quyền công dân và lao động, con đường chính trị trong tương lai của Thị trưởng Frey được đánh giá sẽ phụ thuộc vào cách ông xử lý vụ án của Floyd và làn sóng bạo lực nổ ra sau vụ việc.

Thị trưởng Frey đang đứng trước thách thức xử lý vụ án của người đàn ông da đen có tên Floyd bị cảnh sát đè chết hôm 25/5. Ảnh: Wikimedia Commons.

Ông Frey từng sống ở Virginia gần Washington, D.C., nhưng lại thích cuộc sống ở Minneapolis. Ông chuyển đến Minneapolis sau khi nhận bằng luật từ Đại học Villanova năm 2009.

Sau 4 năm làm việc trong hội đồng thành phố, ông Frey trở thành thị trưởng của Minneapolis vào năm 2018. Thành phố này từng là nơi xảy ra nhiều vụ án gây chấn động như cái chết của của Jamar Clark - người đàn ông da đen bị cảnh sát bắn vào năm 2015 - và Justine Ruszchot - người phụ nữ da trắng chết với lý do tương tự vào năm 2017.

Thị trưởng Frey từng tuyên bố sẽ cải tổ lực lượng cảnh sát và ông giành được giải thưởng cho những đóng góp vì dân quyền ở Minneapolis. Đây là thành phố sôi động có tỷ lệ cư dân người Mỹ gốc Phi chiếm 36%, tương đương 95.000 người, tăng dần từ năm 2010 đến năm 2018, theo thông tin trên trang web của bang Minnesota.

Uy tín giảm đối với cộng đồng da màu

Nhưng đến cuối tuần này, trong bối cảnh người biểu tình đập phá tài sản và phóng hỏa sở cảnh sát tại Minneapolis, uy tín của Thị trưởng Frey "đang ở mức thấp trong mắt cộng đồng da màu", tờ Star-Tribune viết.

David Schultz, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Hamline ở St. Paul, cho rằng ông Frey đang lãnh đạo thành phố vốn đã bị chia rẽ giữa cộng đồng người da trắng giàu có và các cộng đồng khác nghèo hơn, trong đó chủ yếu là người da đen bị bất lợi trong bối cảnh nền kinh tế bùng nổ.

Cảnh sát được huy động để đảm bảo an ninh sau hàng loạt vụ biểu tình nổ ra tại thành phố Minneapolis nhằm phản đối vụ giết người da đen có tên Floyd. Ảnh: Reuters.

Tiếp quản thành phố có tỷ lệ thất nghiệp rất thấp trước khi Covid-19 bùng phát, Thị trưởng Frey hiện phải đối mặt với thách thức lớn gấp đôi, ông Schultz nhận định. Chức thị trưởng và con đường chính trị trong tương lai của ông phụ thuộc rất nhiều vào khả năng đưa thành phố trở lại bình ổn sau đại dịch và vụ án của Floyd cùng với làn sóng bạo lực kéo theo.

Hôm 29/5, thị trưởng Minneapolis trở thành mục tiêu chỉ trích của Tổng thống Donald Trump. Ông Trump cho rằng ông Frey "yếu đuối" khi không dập tắt được tình trạng bất ổn, khi người dân đột nhập vào các cửa hàng và đốt đồn cảnh sát.

Trước đó, vào tháng 10/2019, tổng thống Mỹ cũng chỉ trích ông Frey trên Twitter, gọi ông là đảng viên Dân chủ "cánh tả cực đoan".

"Ông Donald Trump không biết gì về sức mạnh của thành phố Minneapolis. Chúng tôi mạnh mẽ như quỷ đấy", ông Frey nói hôm 29/5.

Người biểu tình đốt tòa nhà sau vụ cảnh sát làm chết người da đen Nhóm người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát và gây ra vụ cháy tòa nhà tại thành phố Minneapolis, Mỹ.

Thủy Tiên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thi-truong-38-tuoi-noi-len-sau-vu-nguoi-da-den-bi-de-chet-o-my-post1090177.html