Thị trường bán lẻ có kết nối mạnh giữa online và offline

Trong giai đoạn 5 năm đến 10 năm gần đây, thị trường bán lẻ toàn cầu đã có sự kết nối mạnh mẽ giữa online và offline. Xu hướng này dễ dàng được nhận biết ở các thị trường mới nổi như Việt Nam.

Các diễn giả tại hội thảo. Ảnh: Mỹ Phương/BNEWS/TTXVN

Các diễn giả tại hội thảo. Ảnh: Mỹ Phương/BNEWS/TTXVN

Cấu trúc ngành bán lẻ trên toàn cầu đã và đang thay đổi, cùng với sự tác động của làn sóng công nghệ đã tạo ra xu hướng mới và định hình tương lai cho ngành này; trong đó, thị trường bán lẻ Việt Nam nằm trong Top 5 thị trường bán lẻ cạnh tranh nhất hiện nay.

Đây là thông tin được đề cập tại hội thảo "Xu hướng bán lẻ thị trường Việt Nam từ năm 2018 - 2020 và Định hướng phát triển của Saigon Co.op", do Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 7/11.

Trong giai đoạn 5 năm đến 10 năm gần đây, thị trường bán lẻ toàn cầu đã có sự kết nối mạnh mẽ giữa online và offline. Xu hướng này dễ dàng được nhận biết ở các thị trường mới nổi như Việt Nam.

Nhưng cuộc cách mạng công nghệ diễn ra ngày càng sôi động và tăng tốc như hiện nay đã tạo ra những thay đổi nhanh chóng. Điển hình, có đến 60% - 70% hoạt động mua sắm trên mobile và không trên laptop như trước đây.

Nắm bắt xu hướng này, không ít các nhà bán lẻ đã nhanh nhạy với cơ hội phát triển những mô hình kinh doanh mới, dần dần hình thành thói quen tìm kiếm thông tin thông qua internet, mua sắm trên cửa hàng ảo...

Ông Jason Moy, đại diện Boston Consulting Group (BGV) cho biết, bán lẻ trên kỹ thuật số, không phải ai mạnh hơn là người đó thắng.

Chỉ những doanh nghiệp đủ tâm – tầm – nội lực mới có thể đứng vững với những mô hình cải tiến mới, bắt kịp xu hướng thay đổi của thị trường và thói quen tiêu dùng.

Làm sao để đầu tư xây dựng những mô hình phù hợp thông qua dự đoán xu hướng tiêu dùng, nghiên cứu khảo sát ra những mô hình đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng bằng công nghệ, AI (trí tuệ nhân tạo).

Trước bối cảnh người tiêu dùng không chỉ mua sắm một cách đơn thuần, mà còn có nhu cầu trải nghiệm, giải trí… các doanh nghiệp cần tạo các sân chơi, giải trí, ẩm thực... phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng. Đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh, trong tương lai sẽ không còn là thị trường ngách, người chiến thắng sẽ là những thương hiệu lớn và kéo theo các sản phẩm, dịch vụ khác cùng phát triển.

Ông Jason Moy, đại diện Boston Consulting Group (BGV). Ảnh: Mỹ Phương/BNEWS/TTXVN

Công thức kinh doanh online là làm sao thúc đẩy khách hàng tìm kiếm những thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ…

Do đó, doanh muốn tồn tại, phải cải tiến những mô hình truyền thống nhưng ứng dụng công nghệ bán online. Đây cũng là xu hướng sẽ phát triển trong tương lai – bán lẻ vi mô.

Tại thị trường Việt Nam, điều đầu tiên doanh nghiệp cần thay đổi là phải kết nối tốt với khách hàng thân thiết, tăng khả năng tương tác và nhận diện thương hiệu.

Kênh online phát triển mạnh hơn không có nghĩa offline biến mất, mà sẽ kéo theo sự phát triển của các cửa hàng, kho hàng... bởi khách hàng vẫn đòi hỏi nhu cầu đến cửa hàng để tận hưởng sự trải nghiệm, tiện ích…

Đồng thời, kênh online phát triển sẽ giúp các nhà bán lẻ tái cơ cấu danh mục sản phẩm, dịch vụ chủ lực, nội địa hóa… tạo sự khác biệt, cá biệt để giữ chân khách hàng và họ không thể tìm được sản phẩm, dịch vụ tương tự ở nơi khác.

Liên quan đến xu hướng bán lẻ tại thị trường Việt Nam, bà Lê Thị Thùy Trang, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng của Nielsen Việt Nam cho hay, ngày nay, người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn vào các nhóm hàng khác ngoài nhóm hàng tiêu dùng nhanh như điện tử hay dược phẩm…

Đây cũng là một trong những nguyên nhân ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng trưởng chậm lại trong thời gian qua.

Mặt khác, những xu hướng định hình tương lai bán lẻ tại thị trường Việt Nam có thể kể đến là nhu cầu về sự tiện lợi, cao cấp hóa, người tiêu dùng kết nối, cuộc cách mạng sức khỏe, thế hệ người tiêu dùng tương lai; trong đó, sự tiện lợi trở thành lối sống mới của cuộc sống hiện đại, nên cần sử dụng công nghệ cải tiến để tăng cường kết nối khách hàng và trải nghiệm của người tiêu dùng tại cửa hàng.

Theo các chuyên gia, nhiều sản phẩm, dịch vụ được số hóa bằng công nghệ sẽ cho phép các đơn vị sản xuất kinh doanh nhận biết khách hàng của mình là ai, đang có nhu cầu gì...

Đặc biệt, thông qua các giải pháp phân tích dữ liệu lớn, nhà bán lẻ đẩy mạnh giải pháp nắm bắt thị hiếu tiêu dùng để đáp ứng tốt hơn hành trình mua sắm ngày càng phức tạp của khách hàng.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op cho hay, mô hình hợp tác xã đã và đang phát triển mạnh mẽ tại các nước trên thế giới với những ưu điểm đặc trưng rất riêng.

Hòa cùng xu hướng này, Saigon Co.op định hướng phát triển mạng lưới với chiến lược từng bước áp dụng công nghệ hiện đại phù hợp cho từng mô hình bán lẻ.

Cụ thể trong tương lai, Saigon Co.op sẽ giữ chừng mực giá trị truyền thống và ứng dụng công nghệ để nâng cao mô hình bán lẻ Việt Nam, đồng thời áp dụng nhiều công nghệ khác biệt để dẫn dắt thị trường trong lĩnh vực thực phẩm, sản phẩm hữu cơ…

Ngoài ra, để cạnh tranh và đi nhanh hơn đối thủ, doanh nghiệp phải làm chủ công nghệ, làm chủ kênh mua sắm mạng...

Bên cạnh những mô hình hiện tại, Saigon Co.op sẽ tiếp tục phát triển những mô hình bán lẻ mới để có thể đạt 2 triệu khách hàng tại hơn 2.000 điểm giao dịch tại Việt Nam và các vùng lân cận trong năm 2020./.

Mỹ Phương/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/thi-truong-ban-le-co-ket-noi-manh-giua-online-va-offline/101556.html