Thị trường bảo hiểm nhân thọ cần 'khoảng lặng' sau thời gian phát triển quá 'nóng'

Hàng loạt sự vụ khách hàng bức xúc về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thời gian qua cho thấy thị trường này đang phát triển quá nóng, cần điều chỉnh cả từ phía doanh nghiệp, cơ quan quản lý lẫn khách hàng.

Trở thành “nạn nhân” vì thiếu hiểu biết

Theo bà Phạm Thu Phương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trên thế giới, bảo hiểm nhân thọ xuất hiện từ khoảng thế kỷ 17, hoạt động trên nguyên tắc số đông bù số ít. Mối quan hệ trong hoạt động bảo hiểm không chỉ là giữa doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) và người được bảo hiểm, mà suy rộng ra đó là mối quan hệ giữa những người được bảo hiểm thông qua cơ chế hình thành và sử dụng quỹ bảo hiểm.

Tập hợp các khoản phí bảo hiểm mà số đông bên mua bảo hiểm đóng vào một quỹ chung chính là để trang trải, bù đắp cho những thiệt hại, mất mát của số ít người không may mắn khác cùng tham gia bảo hiểm. “Thực chất bảo hiểm là việc phân chia tổn thất của một số ít người cho tất cả những người tham gia cùng chịu. Đây chính là ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm, thể hiện tinh thần tương trợ chia sẻ khó khăn, mất mát thiệt hại khi gặp hoạn nạn giữa những người tham gia bảo hiểm” - bà Phương cho biết.

Khách hàng cần tìm hiểu, đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

Khách hàng cần tìm hiểu, đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

Ở Việt Nam, sau khoảng gần 30 năm hình thành và phát triển, thị trường bảo hiểm nhân thọ đến nay đã có 19 doanh nghiệp với gần 14 triệu hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực. Dù bảo hiểm nhân thọ đang dần trở nên quen thuộc với người dân, song qua những sự việc phát sinh thời gian qua cho thấy rất nhiều người dân vẫn chưa thực sự hiểu về nó khi tham gia hợp đồng bảo hiểm. Đơn cử như diễn viên Ngọc Lan, không đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm, không được tư vấn cặn kẽ nên khi đặt bút ký hợp đồng đã mặc định trong đầu rằng sau 10 năm đóng tổng số tiền 7 tỷ đồng bảo hiểm sẽ nhận về 10 tỷ đồng.

Hay vụ việc nhiều cá nhân bị “hô biến” tiền gửi tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm thời gian qua cũng cho thấy bản thân người dân khi ký vào hợp đồng mà nhân viên ngân hàng đưa cho đã không đọc kỹ, không tìm hiểu nội dung, quyền lợi, nghĩa vụ ghi trong hợp đồng… Trong khi đó, phía các đại lý, nhân viên tư vấn bảo hiểm, nhân viên ngân hàng, vì nhiều lý do như kiến thức nghiệp vụ còn hạn chế, hoa hồng lớn, áp lực doanh số… đã khiến nhiều người bất chấp, tư vấn sai lệch cho khách hàng để ký được hợp đồng.

Cần hiểu đúng về bảo hiểm nhân thọ

Theo TS Trần Vũ Hải - Phó trưởng Phòng Khoa học, Đại học Luật Hà Nội, những sự việc vừa qua cho thấy vấn đề nảy sinh là ý thức tuân thủ pháp luật của tất cả các bên, gồm doanh nghiệp bảo hiểm, các đại lý là ngân hàng, người tham gia bảo hiểm. Bản chất xuất phát từ tính trừu tượng của sản phẩm bảo hiểm. Sản phẩm này thuộc về rủi ro và là sản phẩm khó bán nhất trên thế giới so với sản phẩm thông thường như nhà cửa, xe cộ...

Chính vì vậy, đại lý bảo hiểm, cá nhân tư vấn mong muốn bán bảo hiểm hoặc do thuyết minh của người tư vấn thiếu hiểu biết đã tư vấn không đúng bản chất của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Ngược lại, nhiều khách lại tiếp cận bảo hiểm là đầu tư, nhưng bản chất là bảo hiểm, chia sẻ rủi ro. “Tham gia bảo hiểm, đóng phí nhỏ nhưng được bồi thường, được chi trả lớn hơn, đó là bản chất của bảo hiểm chứ không phải đóng tiền vào để nhận lại bao nhiêu” - TS. Trần Vũ Hải nói. Do đó, vị chuyên gia cho rằng, nếu khách hàng chọn nhầm mục tiêu sẽ chọn nhầm sản phẩm.

Doanh nghiệp phải có hình thức đào tạo bổ sung, cập nhật kiến thức phù hợp đối với đại lý bảo hiểm mà doanh nghiệp đào tạo dưới hình thức trực tuyến trong giai đoạn vừa qua và xử lý nghiêm đối với các đại lý, tổ chức đại lý khi có hành vi vi phạm. Đối với phản ánh của khách hàng qua phương tiện truyền thông, báo chí, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin khách quan, trung thực có liên quan. Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam phải xây dựng và thực hiện kế hoạch truyền thông tổng thể về thị trường bảo hiểm nhân thọ, sản phẩm bảo hiểm.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, kiến thức về bảo hiểm rất phức tạp nên dễ dẫn đến tranh chấp, hiểu sai. “Chúng tôi là những người trong nghề, nhưng kiến thức trong lĩnh vực này cũng không dễ dàng. Hợp đồng bảo hiểm chúng ta dài quá, lên tới 80 - 100 trang. Tôi nghĩ, hợp đồng bảo hiểm chỉ cần 10 - 20 trang để người dân mua đọc cũng hiểu”. TS Cấn Văn Lực cho rằng trong các vụ việc vừa qua, người mua bảo hiểm cũng… có vấn đề.

“Vì người mua bảo hiểm không biết mục đích của họ là gì? Mua bảo hiểm vì mục đích gì? Vì phòng ngừa rủi ro, hay tích lũy cho con sau này, hay đầu tư sinh lời? Tính tuân thủ trong tham gia hợp đồng của người tham gia bảo hiểm chưa cao. Dù có khó hiểu thì khách hàng cũng nên đọc chương, mục, quan trọng nhất là liên quan đến mức độ bồi thường, thời gian tham gia bảo hiểm…” - TS Cấn Văn Lực nói.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh bảo hiểm là kênh phòng ngừa rủi ro chứ không phải đầu tư. Với mục đích đầu tư, người dân nên lựa chọn lĩnh vực khác. Sản phẩm liên kết đầu tư rất rủi ro vì công ty bảo hiểm sẽ đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, trái phiếu, cổ phiếu... là những lĩnh vực rủi ro cao. “Người dân phải hiểu điều đó. Bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ chúng ta khi có hiểm nguy chứ không phải chỉ để đầu tư, kiếm lời. Khi nhiều người mua, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đủ lượng tiền bồi thường cho những người bị rủi ro. Đây là ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm. Số tiền chưa phải bồi thường cho khách hàng (gọi là nhàn rỗi), doanh nghiệp bảo hiểm mang đi đầu tư. Trong năm 2022, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 616.000 tỷ đồng, rõ ràng đó là nguồn vốn rất lớn” - vị chuyên gia phân tích.

Chấn chỉnh doanh nghiệp bảo hiểm

Để chấn chỉnh các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ sau hàng loạt lùm xùm thời gian qua, mới đây, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã có cuộc họp với đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm về công tác quản lý chất lượng hoạt động đại lý bảo hiểm và chất lượng công tác chăm sóc khách hàng. Tại cuộc họp, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương rà soát tổng thể quy trình bán hàng và thẩm định tại doanh nghiệp. Quy trình dịch vụ khách hàng phải bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật.

Theo đó, doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện quy định về công khai thông tin hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm. Đặc biệt, công khai thông tin liên quan tới những nội dung khách hàng cần lưu ý đối với từng sản phẩm bảo hiểm. Doanh nghiệp cũng được yêu cầu kiểm soát thông tin nêu tại bảng minh họa bán hàng, tài liệu giới thiệu sản phẩm. Những đại lý bảo hiểm tự ý thay đổi thông tin dẫn đến việc khách hàng nhầm lẫn, kỳ vọng về quyền lợi bảo hiểm, không phù hợp với thực tế sẽ bị xử lý nghiêm.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải tổ chức, thiết lập, công bố đường dây nóng và bộ phận thường trực với cán bộ có đủ thẩm quyền để tiếp nhận và giải đáp, xử lý dứt điểm, kịp thời các phản ánh, thắc mắc của khách hàng về hợp đồng bảo hiểm, giải quyết quyền lợi bảo hiểm, tránh kéo dài.

“Với đơn thư của khách hàng phản ánh hành vi vi phạm của đại lý bảo hiểm thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án, doanh nghiệp chuyển thông tin tới cơ quan chức năng để giải quyết. Chấn chỉnh công tác thẩm định cấp hợp đồng bảo hiểm, bảo đảm phù hợp với khả năng tài chính và mức độ chấp nhận rủi ro bảo hiểm của khách hàng” - Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm yêu cầu.

Cơ quan này cũng yêu cầu doanh nghiệp rà soát toàn bộ công tác đào tạo đại lý bảo hiểm theo đúng chương trình đã đăng ký với Bộ Tài chính. Doanh nghiệp phải có hình thức đào tạo bổ sung, cập nhật kiến thức phù hợp đối với đại lý bảo hiểm mà doanh nghiệp đào tạo dưới hình thức trực tuyến trong giai đoạn vừa qua và xử lý nghiêm đối với các đại lý, tổ chức đại lý khi có hành vi vi phạm.

Đối với phản ánh của khách hàng qua phương tiện truyền thông, báo chí, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin khách quan, trung thực có liên quan. Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam phải xây dựng và thực hiện kế hoạch truyền thông tổng thể về thị trường bảo hiểm nhân thọ, sản phẩm bảo hiểm.

“Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam khẩn trương rà soát và hoàn thiện bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp đại lý bảo hiểm, các quy tắc chuẩn mực để áp dụng chung cho doanh nghiệp bảo hiểm. Có chế tài xử phạt nghiêm trong trường hợp vi phạm” - Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm yêu cầu.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thi-truong-bao-hiem-nhan-tho-can-khoang-lang-sau-thoi-gian-phat-trien-qua-nong-post537794.antd