Thị trường chứng khoán biến động trong biên độ hẹp

Xu hướng nổi bật của thị trường chứng khoán tuần qua (từ 27/11 - 1/12) là đi ngang trong biên độ hẹp, khối lượng khớp lệnh sụt giảm mạnh so với tuần trước và thấp hơn mức trung bình 20 phiên.

Giới phân tích cho rằng, điều này thể hiện tâm lý phân vân và thận trọng cao độ của giới đầu tư.

*Tích trữ động lực hồi phục

Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội nhìn nhận , tình hình vĩ mô trong nước mặc dù ổn định với thống kê tăng trưởng GDP các quý đang tăng dần, nhưng tốc độ tăng trưởng không đạt kỳ vọng.

Tăng trưởng tín dụng yếu cho thấy nền kinh tế đang có khả năng hấp thụ vốn thấp, những khó khăn đối với thị trường bất động sản và đặc biệt là thị trường trái phiếu vẫn chưa có bước chuyển biến căn cơ.

Tình hình kinh tế và địa chính trị toàn cầu cũng còn nhiều yếu tố khó lường mặc dù các chỉ số lạm phát tại Mỹ, châu Âu có dấu hiệu hạ nhiệt.

“Với tình trạng vĩ mô tốt xấu đan xen, việc thị trường hướng tới vận động tìm điểm cân bằng lại để tích lũy là phù hợp” chuyên gia từ SHS nhận định.

Một buổi giao dịch tại sàn chứng khoán BVSC. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

SHS cho rằng, Vn-Index vẫn đang trong khu vực kiểm định lại ngưỡng 1.100 điểm và đang có nhiều tín hiệu tích cực, khả năng VN-Index test (kiểm tra) thành công trong các phiên tới là khá cao.

Chốt phiên cuối tuần (1/12), VN-Index tăng 8,03 điểm lên 1.102,16 điểm. Như vậy, VN-Index lấy lại mốc hỗ trợ 1.100 điểm ngay sau phiên giảm xuống dưới mốc này.

“Trạng thái vận động hiện tại cho thấy dao động của thị trường đang ổn định dần và hình thành nền tích lũy nhỏ có thể tạo nhịp tăng mới”, SHS nhìn nhận.

Xét dưới góc nhìn ngắn hạn, đà hồi phục mạnh vừa qua đưa VN-Index thoát khỏi “níu kéo” của nền tích lũy cũ, tuy nhiên SHS nhận định nhịp hồi phục này mang tính kỹ thuật, bởi VN-Index đã đánh mất xu hướng uptrend (xu hướng tăng giá của thị trường chứng khoán), do đó có nhịp hồi có thể kết thúc bất kỳ thời điểm nào.

Về góc nhìn trung hạn, sau giai đoạn thị trường giảm sâu thì thị trường cần vận động để tiến tới vùng cân bằng mới và tích lũy lại, với thời gian hình thành nền mới sẽ kéo dài.

Với trạng thái vận động ngắn hạn khá tích cực, rất có khả năng thị trường sẽ hình thành nền tích lũy trong biên độ 1.100 - 1.150 điểm, SHS nêu quan điểm.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), xu hướng nổi bật trong tuần qua là Sideway (trạng thái xảy ra khi giá chứng khoán đi ngang trong một biên độ ổn định, không hình thành xu hướng cụ thể) trong biên độ hẹp với khối lượng khớp lệnh đều sụt giảm mạnh so với tuần trước và đều thấp hơn mức trung bình 20 phiên, thể hiện tâm lý phân vân và thận trọng cao độ của giới đầu tư.

Về mặt điểm số, dù đóng cửa tuần giao dịch trong sắc xanh, nhưng mức độ tăng điểm của VN-Index còn hạn chế, chưa thể hiện được xu hướng hồi phục.

Điểm nổi bật trong tuần là có rung lắc mạnh trong nhiều phiên, nhưng mốc hỗ trợ 1.063 -1.075 điểm vẫn được giữ vững, do đó khả năng VN-Index vẫn đang trong kênh tích lũy để tích trữ động lực hồi phục. CSI kỳ vọng ngưỡng kháng cự của VN-Index trong tuần tới ở mốc từ 1.120 -1.128 điểm.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mặc dù có diễn biến thận trọng và chịu sức ép trong phiên cuối tuần (1/12), nhưng thị trường vẫn được hỗ trợ tại vùng 1.090 – 1.095 điểm và trả lại điểm sau phiên cơ cấu của quỹ MSCI.

Thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp, cho thấy nguồn cung chưa gây nhiều sức ép ở vùng giá thấp, nhờ đó dòng tiền có cơ hội hỗ trợ thị trường vào giai đoạn cuối phiên.

Với tín hiệu hỗ trợ hiện tại, có khả năng thị trường sẽ tiếp tục quá trình thăm dò nguồn cung tại vùng 1.100 – 1.108 điểm, VDSC nhận định.

Về diễn biến giao dịch cụ thể trong tuần qua, sau khi giảm điểm trước áp lực cơ cấu danh mục của quỹ ETF phiên cuối tháng 11/2023, VN-Index đã có phiên giao dịch đầu tháng 12/2023 khá tích cực khi đầu phiên chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá 1.090 điểm với thanh khoản ở mức rất thấp, thể hiện áp lực bán không mạnh và phục hồi với thanh khoản cải thiện tốt.

Qua đó, VN-Index kết thúc tuần ở mức 1.102,16 điểm tăng nhẹ 0,6% so với tuần trước đó và vượt lên vùng giá tâm lý 1.100 điểm. VN-Index như vậy đã có 4 tuần liên tiếp tích lũy trong biên độ rất hẹp quanh vúng giá trung bình 1.100 điểm.

HNX-Index có diễn biến tương tự tích lũy ở vùng giá trung bình quanh 225 điểm. Kết thúc tuần giao dịch, HNX-Index ở mức 226,26 điểm tăng nhẹ 0,07% so tuần trước đó.

Trong tuần, thanh khoản trên HOSE chỉ đạt 65.271,74 tỷ đồng, giảm mạnh 28,9% so với tuần trước đó. Khối lượng giao dịch cũng giảm 28,9%, dưới mức trung bình thể hiện phần nào tâm lý thận trọng khi thị trường duy trì tích lũy kéo dài. Thanh khoản trên HNX giảm 31,4% với 7.659,19 tỷ đồng được giao dịch.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng khá mạnh trong tuần qua, giá trị bán ròng tới 707,19 tỷ đồng trên HOSE và 11,69 tỷ đồng trên HNX.

Về diễn biến giao dịch, thị trường duy trì tích lũy trong biên độ hẹp, thanh khoản ở mức thấp. Mặc dù vậy, vẫn có số ít mã tích cực vượt trội trong các nhóm ngành như nông nghiệp với HAG tăng 13,46%, DBC tăng 4,58%, LSS tăng 3,56%...

Nhóm bất động sản khu công nghiệp có các mã như ITA tăng 7,48%, VGC tăng 6,15%, GVR tăng 3,07%...

Nhóm cổ phiều cảng, vận tải biến như DVP tăng 10%, VOS tăng 8,7%, HAH tăng 6,77%...

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản ngoài các cổ phiếu có diễn biến tích cực như SJS tăng 10,47%, NTL tăng 6,11%, VHM tăng 4,6%... thì đa số chịu áp lực giảm điểm với LDG giảm 11,31%, giảm mạnh trước thông tin tiêu cực, TDC giảm 5,91%, L14 giảm 5,15%, CEO giảm 3,57%...

Các cổ phiếu ngân hàng có diễn biến kém tích cực trong tuần qua, khi hầu hết giảm điểm, thanh khoản rất thấp, chưa thu hút dòng tiền tham gia như STB giảm 2,83%, EIB giảm 2,14%, NAB giảm 2,1%, VAB giảm 1,49%...

Các nhóm ngành khác không có nhiều diễn biến nổi bật trong tuần, kết thúc tuần đa số biến động trong biên độ hẹp, duy trì quá trình tích lũy với thanh khoản ở mức thấp.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm nhẹ trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới “thăng hoa” trong tuần qua.

*Chứng khoán Mỹ tăng 5 tuần liên tiếp

Chốt phiên 1/12, cả 3 chỉ số chứng khoán Mỹ đều tăng điểm và chỉ số S&P 500 tăng lên mức cao nhất trong năm, sau khi các phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã củng cố quan điểm rằng lãi suất có thể đã đạt đỉnh.

Cụ thể, Dow Jones chốt phiên cuối tuần tăng 0,82% lên 36.245,5 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,59% lên 4.594,63 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,55% lên 14.305,03 điểm. Như vậy, cả ba chỉ số của Phố Wall đều tăng trong tuần qua và đây đã là tuần tăng điểm thứ 5 liên tiếp.

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite khép lại tháng 11 với mức tăng theo phần trăm mạnh nhất kể từ tháng 7/2022 và chỉ số Dow Jones tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2022.

Chỉ số S&P 500 tăng 0,8% trong tuần qua, khép lại tháng 11 với mức tăng 8,9%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2022.

Chứng khoán Mỹ đã tăng 5 tuần liên tiếp. Ảnh: Wall Street Journal/TTXVN phát

Thị trường có động lực đi lên khi Fed được dự đoán có thể đã kết thúc chu kỳ tăng lãi suất và sẽ hạ lãi suất trong năm tới.

Chủ tịch Fed thừa nhận Fed cần hành động thận trọng khi có những dấu hiệu yếu đi của nền kinh tế.

Số liệu công bố ngày 1/12 cho thấy lĩnh vực chế tạo tại Mỹ tiếp tục giảm, khi các nhà máy đối mặt với lượng đơn hàng mới giảm và sức ép về nhân công.

Trong khi đó, báo cáo lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng có tác động tích cực đến thị trường. Trong tuần qua, hầu hết các nhà bán lẻ và một số công ty công nghệ đã hoàn tất báo cáo lợi nhuận quý III/2023. Lợi nhuận ròng của các công ty trong chỉ số S&P 500 tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái, sau ba quý giảm liên tiếp.

Các dự báo lạc quan cùng với khả năng lãi suất giảm sẽ duy trì đà tăng của chỉ số S&P 500./.

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thi-truong-chung-khoan-bien-dong-trong-bien-do-hep/316877.html