Thị trường chứng khoán Mỹ: Giảm mạnh trước thềm đàm phán Mỹ-Trung

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh vào hôm thứ Ba (08/10) khi những lo ngại về diễn biến không mấy tích cực trong đàm phán Mỹ-Trung tăng cao…

Trong một diễn biến làm theo thang căng thẳng Mỹ - Trung, Mỹ đã thêm hàng loạt những công ty hàng đầu về trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc vào danh sách đen. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, họ sẽ theo dõi và có hành động trả đũa đối với động thái này của Mỹ.

Kết thúc phiên giao dịch 08/10, chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa giảm 313,98 điểm, tương đương 1,2%, lùi về mốc 26.164,04.

Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa giảm 313,98 điểm. Nguồn:Investing.com

Các chỉ số S&P 500 giảm 1,56% xuống còn 2.893,06 trong khi Nasdaq Composite giảm 1,7% xuống còn 7.823,78 điểm.

Các chỉ số S&P 500 và chỉ số Nasdaq Composite cũng đóng cửa giảm điểm. Nguồn: Investing.com

Tờ South China Morning Post đưa tin Trung Quốc đang giảm bớt những kỳ vọng trước các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ. Báo cáo cho biết Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc - người sẽ dẫn đầu phái đoàn thương mại - sẽ không mang danh hiệu "đặc phái viên", báo hiệu rằng ông chưa nhận được bất kỳ chỉ thị cụ thể nào từ Chủ tịch Tập Cận Bình. Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung được bắt đầu vào ngày 10/10.

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, các cổ phiếu nhận được một số thông tin hỗ trợ sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, ông Jerome Powell, cho biết Ngân hàng Trung ương sẽ có những biện pháp xử lý các vấn đề tài chính nảy sinh gần đây.

Nhà Trắng đã lên kế hoạch tăng thuế quan đối với hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc từ mức 25% lên mức 30% từ ngày 15/10. Tổng thống Donald Trump tuyên bố việc tăng thuế sẽ có hiệu lực nếu không có tiến triển nào trong các cuộc đàm phán thương mại song phương sắp diễn ra.

Ông Tom Essaye, người sáng lập của The Sevens Report, cho biết, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung là điểm nhấn rõ ràng trong tuần này. Nhà đầu tư đang kỳ vọng việc hai bên đi đến thỏa thuận và không còn áp thêm các mức thuế quan. Tuy nhiên, nếu điều đó không xảy ra, thị trường có thể sẽ gặp nhiều rủi ro.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã áp đặt thuế quan đối với hàng hóa trị giá nhiều tỷ USD kể từ đầu năm 2018, khiến thị trường tài chính chao đảo và tác động tiêu cực đến tâm lý tiêu dùng.

Về mặt dữ liệu, chỉ số giá nhà sản xuất của Mỹ đã giảm mạnh trong tháng 9 (mức mạnh nhất trong 8 tháng). Chỉ số giá của nhà sản xuất là một trong các chỉ báo về lạm phát và sự sụt giảm đó có thể giúp Cục Dự trữ Liên bang có thêm dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ.

Theo CNBC

Vũ Hoài

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/chung-khoan/thi-truong-chung-khoan-my-giam-manh-truoc-them-dam-phan-my-trung-3330688/