Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc: 'Ám ảnh' thắt chặt tiền tệ

Diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch hôm thứ Hai (ngày 17/12) tiếp tục cho thấy tầm ảnh hưởng của các chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed - mà cụ thể là việc nâng lãi suất cơ bản - đã 'ám ảnh' các nhà đầu tư đến tận cuối năm 2018.

(Nguồn ảnh: Reuter)

(Nguồn ảnh: Reuter)

Theo CNBC, thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ tiếp tục lao dốc trong phiên giao dịch hôm thứ Hai ngày 17/12/2018.

Cụ thể, chỉ số S&P 500 đã có lúc giảm tới 2,5% xuống mức 2.530,54 điểm, xuyên thủng mức đáy của tháng 2/2018 là 2.532,69 điểm. Dù sau đó, chỉ số này đã rút ngắn đà giảm và đóng cửa ở mức 2.545,94 điểm nhưng cũng thiết lập mức đáy mới của năm nay. Tương tự, một chỉ số quan trọng khác của TTCK Mỹ là Dow Jones cũng đã để mất 507,53 điểm, giảm xuống mức 23.592,98 điểm.

Nguyên nhân được cho là Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ nâng lãi suất lần thứ 4 và cũng là lần cuối cùng trong năm 2018 vào ngày 19/12 sắp tới. Nỗi lo lắng Fed nâng lãi suất và tăng trưởng chậm lại là 2 vấn đề dành được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư trong năm 2018 vì những ảnh hưởng to lớn đến diễn biến của nền kinh tế.

Với các diễn biến mới nhất, các chỉ số Dow Jones và S&P 500 sắp ghi nhận thành quả tháng 12 tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái vào năm 1931.

Ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) - Nguồn: CNBC

Các lớp tài sản đầu tư không đem lại lợi suất hấp dẫn

Theo thống kê và nhận định của tờ New York Times, năm 2018, các lớp tài sản đầu tư (asset class) tại Mỹ không đem lại lợi suất đầu tư hấp dẫn như mong đợi. Trái với các quan niệm truyền thống về sự thay phiên tăng giảm giữa các lớp, các tài sản đầu tư chính đều có kết quả không mấy khả quan.

Tờ báo này cho biết, thông thường, khi cổ phiếu không đem lại lợi nhuận khả quan thì trái phiếu sẽ tăng. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư tìm kiếm chỗ trú an toàn hơn ở lớp tài sản này, dẫn đến việc cầu trái phiếu tăng cao và kéo theo mức lợi suất (yields) của giảm.

Còn khi do ảnh hưởng của lạm phát khiến cho giá cổ phiếu và trái phiếu giảm mạnh thì các khoản đầu tư vào nguyên vật liệu (commodities) như vàng và dầu cũng là một kênh đầu tư đem lại lợi nhuận cao.

Tuy nhiên, năm 2018, chứng kiến sự mất điểm ở cả 3 lớp tài sản này.

Trong khi thị trường cổ phiếu tiếp tục có diễn biến tiêu cực, thị trường trái phiếu cũng không mấy thuận lợi. Cụ thể, do ảnh hưởng của việc Fed tăng lãi suất, lợi suất của trái phiếu chính phủ cũng như của trái phiếu doanh nghiệp đã tăng cao. Điều này dẫn đến sự mất giá của lớp sản phẩm đầu tư này.

Đối với lớp tài sản nguyên vật liệu đầu vào, do cung đang nhiều hơn cầu cộng với việc nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại dẫn đến nhu cầu về nguyên vật liệu giảm, giá các loại nguyên vật liệu như dầu, khí đốt,… cũng giảm điểm thấp hơn mức đầu năm.

Fed có thể tạm dừng thắt chặt tiền tệ trong năm 2019?

Liên quan đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ (nâng lãi suất cơ bản), tờ CNBC (ngày 10/12/2018) trích dẫn một số ý kiến chuyên gia cho biết Fed sẽ vẫn thực hiện điều này trong tháng 12/2018 và có thể sẽ chậm lại hoặc tạm dừng trong năm 2019.

"Đối với chúng tôi, chiến tranh thương mại và Fed nâng lãi suất là những vấn đề thực sự. Về cơ bản, họ (Fed) có thể nói một cách bài bản như: Chúng tôi sẽ ngồi lại, chúng tôi sẽ xem mọi thứ phát triển như thế nào, đánh giá quá trình đàm phán với Trung Quốc và những thứ tương tự" - Emanuel - Trưởng bộ phận chiến lược Chứng khoán và Phái sinh của BTIG cho biết.

Giống như nhiều chiến lược gia khác, Emanuel không dự đoán suy thoái kinh tế vào năm tới nhưng nền kinh tế Mỹ dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn và các cuộc chiến thương mại càng làm tăng mối lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế có thể chậm hơn nữa.

“Khả năng gây bất ngờ của Fed đối với thị trường đã giảm sút ít nhiều. Họ đã rất minh bạch. Họ cung cấp diễn biến các dữ liệu, chỉ báo mà mình đang theo dõi. Nếu bạn xếp hạng các yếu tố có thể gây bất ngờ lúc này, đó chính là các vấn đề chính trị chứ không phải là các chính sách tiền tệ nữa” - ông Vladimir Rjavinski - Giám đốc chiến lược của Wells Farrgo chia sẻ.

Các chuyên gia theo dõi vẫn mong đợi Fed nâng lãi suất trong tháng 12 nhưng cũng bày tỏ sự lo lắng về nền kinh tế, sức khỏe của hệ thống tài chính và các phản ứng của thị trường trước hoạt động này. Bên cạnh đó, báo cáo việc làm trong tháng 11 cũng không đạt được mức độ tăng trưởng việc làm như dự kiến, sẽ phần nào khiến Fed cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi ra quyết định hoặc có thể tạm dừng tăng lãi suất cơ bản trong năm 2019./.

Phạm Duy /

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/thi-truong-chung-khoan-my-tiep-tuc-lao-doc-am-anh-that-chat-tien-te-311283.html