Thị trường chứng khoán vẫn đang đối mặt với rủi ro?

(VnMedia) – Theo nhận định của các công ty chứng khoán, với đà đi lên của các cổ phiếu lớn trong tuần qua, xu hướng tăng của thị trường vẫn còn nhưng rủi ro cao bởi động lực giá đang phụ thuộc rất lớn vào một số ít cổ phiếu vốn hóa lớn.

Các cổ phiếu tăng mạnh kéo thị trường ghi điểm

Theo dõi chứng khoán tuần vừa qua (từ 6 – 10/11) cho thấy, thị trường đã có một tuần giao dịch bùng nổ khi chỉ số Vn-Index liên tiếp lập đỉnh, bằng việc có cả 5 phiên tăng điểm trọn vọn. Trong khi đó, bên sàn Hà Nội, lại có 2 phiên đi xuống và 3 phiên đi lên.

Cụ thể, ngay từ phiên đầu tuần, thị trường chứng khoán trong nước đã chứng kiến việc đi lên của cả hai sàn giao dịch Hà Nội và TP.HCM. Giao dịch diễn ra thuận lợi nhờ sự hỗ trợ tích cực của các cổ phiếu trụ cột trên sàn.

Tuy nhiên, bước sang phiên thứ 2, thị trường bên sàn Hà Nội lại gặp lực cản và quay đầu đi xuống. Đà bán tháo xuất hiện tại nhiều cổ phiếu lớn trên sàn. Trong khi đó, bên sàn TP.HCM, thị trường cũng chứng kiến áp lực bán ra ngay từ đầu phiên chiều. Vào cuối phiên, nhờ sự hỗ trợ của một vài cổ phiếu lớn đã kéo chỉ số Vn-Index tăng nhẹ khi chốt buổi làm việc.

Thị trường chứng khoán tuần này được nhận định sẽ có thêm phiên đi lên, tuy nhiên đà đi lên này vẫn còn rủi ro cao. Ảnh minh họa

Trong 3 phiên cuối tuần, đà đi lên bên sàn TP.HCM tiếp tục được hiện hữu, dù có chút thận trọng và lo ngại rủi ro nhưng thị trường cũng có trọn tuần đi lên. Ở bên sàn Hà Nội, thị trường lại diễn ra chậm chạp và xen kẽ phiên giảm, cùng dòng tiền sụt giảm.

Tuy vậy, tính chung cả tuần, thị trường vẫn chứng kiến đà đi lên của cả hai chỉ số. Cụ thể, chỉ số Vn-Index bên sàn TP.HCM đã tuần tăng mạnh 2,90% khi chốt phiên cuối tuần ở mức 868,21 điểm. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index bên sàn Hà Nội cũng đóng cửa tuần với mức tăng 1,93% và đang dừng ở 106,37 điểm.

Trái ngược với chỉ số, thanh khoản trên cả hai sàn đồng loạt sụt giảm. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn TP.HCM đạt 143,9 triệu đơn vị/phiên sụt giảm 10,15% so với tuần giao dịch trước. Trong khi trên sàn Hà Nội đạt 35,45 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 20,58%.

Lý giải đà đi lên của thị trường chứng khoán trong tuần quan, các công ty chứng khoán cho rằng, Việt Nam đã có tuần tăng mạnh đi ngược lại xu hướng giảm điểm của hầu hết các thị trường chứng khoán chủ chốt trên thế giới, nhờ hoạt động mua vào của khối ngoại và hiệu ứng tâm lý tích cực từ APEC.

Cùng với đà tăng của các chỉ số, thị trường chứng khoán tuần qua cũng chứng kiến nhiều cổ phiếu tăng cao, với mức gần 40% giá trị.

Tại sàn TP.HCM, cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần qua là cổ phiếu TIE của Công ty cổ phần TIE. Với 5 phiên tăng trần liên tiếp, giá cổ phiếu TIE đã tăng gần 39,33% giá trị, từ mức 8.110 đồng/cổ phiếu hôm 3/11 lên mức 11.300 đồng/cổ phiếu ngày 10/11.

Giữ vị trí thứ 2 trong Top tăng mạnh nhất tuần qua là cổ phiếu PME của Công ty cổ phần Pymepharco, với mức tăng hơn 35% giá trị, từ mức 68.000 đồng/cổ phiếu hôm 3/11 lên mức 92.000 đồng/cổ phiếu hôm 10/11.

Cổ phiếu VRE của Công ty cổ phần Vincom Retail giữ vị trị thứ 3 trong Top tăng mạnh nhất tuần, với mức hơn 28%, từ mức 33.800 đồng/cổ phiếu lên mức 43.350 đồng/cổ phiếu.

Bên sàn Hà Nội, cổ phiếu ATS của Công ty cổ phần suất ăn công nghiệp Atesco đã dẫn đầu Top tăng mạnh nhất tuần, với mức 35,44%, từ mức 28.500 đồng/cổ phiếu hôm 3/11 lên mức 38.600 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên ngày 10/11.

Đứng ở vị trí thứ 2 là MEC của Công ty cổ phần Someco Sông Đà với mức tăng gần 26%, từ mức 2.700 đồng/cổ phiếu hôm 3/11 lên mức 3.400 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên cuối tuần qua 10/11.

Cổ phiếu HTP của Công ty cổ phần In Sách giáo khoa Hòa Phát giữ vị trí thứ 3, với mức tăng gần 24% giá trị, từ mức 7.200 đồng/cổ phiếu lên mức 8.900 đồng/cổ phiếu.

Thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Trải qua một tuần tăng điểm thành công, thị trường chứng khoán tuần này được nhận định sẽ có thêm phiên đi lên, tuy nhiên đà đi lên này vẫn còn rủi ro cao bởi động lực giá vẫn đang phụ thuộc rất lớn vào một số ít cổ phiếu vốn hóa lớn.

Theo Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt – BVSC, với diễn biến tích cực ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và sức lan tỏa tốt của dòng tiền trong các phiên gần đây, nhiều khả năng chỉ số sẽ tiếp tục tăng điểm trong các phiên sắp tới.

Mặc dù vậy, BVSC cũng cho rằng, xu hướng tăng điểm bền vững trong trung hạn chưa đủ điều kiện được xác nhận. Áp lực chốt lời có thể nhanh chóng quay trở lại ở vùng giá cao đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã tăng nóng.

Trong khi đó, theo nhận định của Công ty cổ phần chứng khoán FPT – FPTS, xu thế tăng vẫn còn nhưng rủi ro cao bởi động lực giá vẫn đang phụ thuộc rất lớn vào một số ít cổ phiếu vốn hóa lớn. Vì vậy, điểm nhà đầu tư nên thận trọng, hạn chế giải ngân trong khoảng thời gian này nếu nền tảng giá cao mới vẫn chưa được củng cố.

Còn theo dự báo của Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt – VCSC, thị trường có thể duy trì đà tăng trong phiên sáng ngày thứ 2. Chỉ số Vn-Index qua đó có thể tiến vào vùng kháng cự trung hạn với sự hỗ trợ của nhóm vốn hóa rất lớn. Tuy vậy, nhiều khả năng áp lực bán sẽ quay trở lại và gây khó khăn cho các chỉ số về phía cuối phiên.

Minh Ngọc

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201711/thi-truong-chung-khoan-van-dang-doi-mat-voi-rui-ro-586013/