Thị trường chứng khoán Việt Nam: 'Đi từ số 0 đến số có'

Sau 20 năm phát triển, đến nay, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã vận hành ổn định, bền vững và chuyên nghiệp, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế bên cạnh nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nền tài chính, tiền tệ lành mạnh.

Tính đến 30/6/2020, tổng vốn hóa TTCK Việt Nam đạt mức 5,5 triệu tỷ đồng. Ảnh: ST

Tính đến 30/6/2020, tổng vốn hóa TTCK Việt Nam đạt mức 5,5 triệu tỷ đồng. Ảnh: ST

Không ngừng tăng trưởng cả chất và lượng

Trong bối cảnh thế giới toàn cầu chịu nhiều khó khăn và biến động mạnh do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007, sự kiện Brexit, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, những bất ổn về địa chính trị tại một số khu vực, cũng như đại dịch cúm Covid-19…, TTCK Việt Nam vẫn không ngừng phát triển.

Minh chứng rõ nét nhất cho sự "trưởng thành" của TTCK Việt Nam là trong 20 năm qua, vốn hóa TTCK ước tính tăng trưởng ở mức trung bình hơn 50%/năm. Thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 30/6/2020, tổng vốn hóa TTCK Việt Nam đạt mức 5,5 triệu tỷ đồng, tỷ lệ vốn hóa thị trường/GDP tăng từ mức 0,3% (năm 2000) lên mức 104% GDP vào tháng 6/2020, trong đó, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt trên 4 triệu tỷ đồng, tương ứng khoảng 64,5% GDP năm 2019. Bên cạnh đó, vốn hóa thị trường trái phiếu đạt khoảng 2,3 nghìn tỷ đồng, tương đương mức 39% GDP năm 2019 (trái phiếu Chính phủ đạt 29,18%, trái phiếu doanh nghiệp đạt 10,28%). TTCK phát triển mạnh mẽ đã giúp cơ cấu lại hệ thống tài chính Việt Nam theo hướng cân đối, bền vững hơn. Ước tính tỷ trọng vốn hóa khu vực chứng khoán trong tổng tài sản hệ thống tài chính hiện nay ở mức khoảng 30,6%, không cách quá xa so với mức 68,7% của khu vực các tổ chức tín dụng và cao hơn nhiều so với tỷ trọng 21% vào năm 2010.

Không những vậy, TTCK cũng đã chứng minh vai trò ngày càng quan trọng trong huy động vốn, cung ứng vốn trung, dài hạn cho phát triển kinh tế. Vào năm 2006, TTCK mới huy động được 40 nghìn tỷ đồng cho nền kinh tế thì con số này đến năm 2019 đã đạt 320 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2018 và gấp 8 lần so với năm 2006. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 nhưng tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế qua TTCK vẫn đạt khoảng 107 nghìn tỷ đồng. Ước tính tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm được thực hiện qua kênh TTCK Việt Nam ở mức bình quân 16,5%/năm giai đoạn 2016-2019.

Theo ông Dominic Scriven, OBE - Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital, xuất phát điểm từ số 0 tròn trĩnh, TTCK Việt Nam đã vượt qua bao thăng trầm để có được quy mô như hiện nay là một thành tựu vô cùng to lớn.

"Để nói về sự phát triển của TTCK Việt Nam trong thời gian qua, tôi muốn nhắc tới khái niệm “đi từ số 0 đến số có”. Việc cho ra đời TTCK đã tạo ra một khái niệm, một phạm trù mà trước đây Việt Nam chưa từng có. Tạo ra những cái mà mình chưa có kinh nghiệm là rất khó, dĩ nhiên dù có học hỏi kinh nghiệm của các nước đã có TTCK, nhưng phải triển khai sao cho phù hợp với Việt Nam chính là việc tạo ra “sự sống” với các khái niệm về TTCK. Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, có thể thấy TTCK Việt Nam năm nào cũng phát triển ấn tượng hơn năm trước và những người đặt nền móng cho TTCK, những người “lái tàu” cho thị trường hoàn toàn có thể tự hào về điều này", ông Dominic Scriven, OBE nhận định.

Mở đường triển khai một loạt sản phẩm mới

Tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng nhận định, mặc dù TTCK đã có những bước tiến vượt bậc nhưng hiện nay, ngân hàng vẫn đang là kênh huy động vốn chính của các doanh nghiệp; tính minh bạch, công khai trên thị trường còn tồn tại nhiều vấn đề cần tiếp tục được cải thiện.

Theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, hiện quy mô và thanh khoản TTCK Việt Nam mặc dù tăng trưởng mạnh qua từng năm, song vẫn còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực và tính ổn định chưa cao. Minh chứng cho điều này, ông Cấn Văn Lực phân tích, giá trị vốn hóa TTCK của Việt Nam (bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu) năm 2019 tương đương 102,6% GDP - mức thấp so với các nước (Nhật Bản 337%, Singapore 257%, Thái Lan 161%, Malaysia 215%, Philippines 107%...).

"Tính ổn định của thị trường chưa cao thể hiện qua việc vẫn còn bị tác động mạnh, biến động nhiều bởi những diễn biến tiêu cực trong và ngoài nước như giá dầu, tỷ giá, giá vàng, biến động trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế hay những tin đồn. Hiện nay, TTCK Việt Nam chỉ mới được Tổ chức tính toán chỉ số chứng khoán toàn cầu (FTSE) đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi", ông Cấn Văn Lực chia sẻ.

Cùng với đó, thanh khoản TTCK thể hiện qua tỷ suất vòng quay chứng khoán của Việt Nam dù tăng mạnh trong những năm gần đây nhưng vẫn ở mức khá thấp so với khu vực và thế giới. Tỷ suất này của Việt Nam năm 2019 là 22,3%, thấp hơn nhiều so với mức 28,3% của ASEAN-5, 29% của Ấn Độ, 130% của Hàn Quốc, 223,7% của Trung Quốc và 87% bình quân thế giới. Theo đó, cần có kế hoạch và giải pháp cụ thể để TTCK Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi đến năm 2023 theo yêu cầu của Chính phủ.

Theo ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí, ngành chứng khoán đã đạt được nhiều thành tựu trong 20 năm qua. Tuy nhiên, để có thể trở thành sàn giao dịch chứng khoán giống như tại HongKong (Trung Quốc), Thượng Hải (Trung Quốc) hay Singapore thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Đó là sáp nhập 2 Sở Giao dịch Chứng khoán, nâng cấp cơ sở hạ tầng, công nghệ, đổi mới thể chế tự do hóa thị trường vốn, thị trường tiền tệ; mở rộng room đầu tư đối với các quỹ và các nhà đầu tư nước ngoài.

"Việc minh bạch hóa thông tin cũng như đưa vào triển khai các đơn vị định hạng tín nhiệm doanh nghiệp, định hạng trái phiếu doanh nghiệp là rất quan trọng. Một môi trường cạnh tranh với hành lang pháp lý chặt sẽ giúp TTCK phát triển hơn. Số lượng doanh nghiệp niêm yết lớn hơn cũng như niềm tin các nhà đầu tư được cải thiện sẽ giúp số lượng các nhà đầu tư trong và ngoài nước gia tăng", ông Lê Đức Khánh nhận định.

Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng, nhiệm vụ trọng tâm trong những năm tới là đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào vận hành trong năm 2021, trên cơ sở đó mở đường cho triển khai một loạt sản phẩm, dịch vụ mới như: bán chứng khoán chờ về, mua bán chứng khoán trong ngày, triển khai mô hình Đối tác thanh toán bù trừ trung tâm (CCP)… Ngoài ra, để cải thiện khả năng hút vốn ngoại cho TTCK Việt Nam, Chính phủ yêu cầu ngành chứng khoán phải thành công trong các bước cải cách nhằm nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2023.

TS Cấn Văn Lực:

20 năm chưa phải là dài nhưng cũng đủ để chúng ta nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của TTCK Việt Nam với những bước tiến vượt bậc, từ chỗ chỉ là “đất trống” đến nay đã là một “cơ ngơi có vị thế” trong nền kinh tế thị trường nói chung và hệ thống tài chính nói riêng. Cơ ngơi này có khang trang, bề thế hay không còn tùy thuộc vào tầm nhìn, chiến lược, sách lược và hành động của các bên liên quan. Mặc dù vậy, chúng ta có quyền tin tưởng rằng TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục vươn xa hơn nữa để 20 năm sau ta nhìn lại sẽ thấy một “cơ đồ khang trang và vững chắc hơn”.

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/thi-truong-chung-khoan-viet-nam-di-tu-so-0-den-so-co-130311-130311.html