Thị trường chứng khoán Việt Nam: Nỗ lực chuyển dịch từ thị trường cận biên lên mới nổi

Việc nâng hạng thị trường luôn là mục tiêu của thị trường chứng khoán Việt Nam nhằm khơi thông dòng vốn và tiến gần hơn tới chuẩn mực quốc tế. Thời gian tới, Việt Nam sẽ phải tiếp tục vượt qua 'chướng ngại vật' với những giải pháp, hành động cụ thể để có thể sớm bước chân vào danh sách thị trường mới nổi.

Nhiều kỳ vọng TTCK Việt Nam sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Ảnh: ST

Chặng đường gian nan

Dù đã hoạt động được 20 năm nhưng đến nay thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn đang thuộc thị trường cận biên. Vào cuối tháng 9/2018, TTCK Việt Nam đã được FTSE Russell - nhà cung cấp chỉ số chứng khoán toàn cầu có trụ sở ở London, Anh - đưa vào danh sách xem xét nâng hạng. Điều này đã đặt ra nhiều kì vọng bởi lẽ vận động của TTCK Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ của nhà đầu tư nước ngoài với hơn 20% tổng tài sản trên thị trường và khoảng 14% giá trị giao dịch của khối này. Do đó, giao dịch của khối ngoại ảnh hưởng lớn tới giao dịch cũng như tâm lý của nhà đầu tư trong nước. Trong bối cảnh đó, quá trình nâng hạng sẽ giúp cải thiện nhiều điều kiện về môi trường đầu tư, đưa TTCK Việt Nam phát triển về chất và tiến gần hơn tới chuẩn quốc tế, về lâu dài sẽ có lợi cho tất cả các nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp niêm yết.

Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, để sớm được nâng hạng, các vấn đề liên quan đến quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài như các thông tin về doanh nghiệp và quy định pháp luật về thị trường không phải lúc nào cũng có phiên bản tiếng Anh và không được cung cấp kịp thời cùng với bản tiếng Việt... cũng cần sớm được cải thiện. Việc tăng cường sự xuất hiện của thông tin về doanh nghiệp bằng tiếng Anh, sự kịp thời của các thông tin này nhằm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như việc nghiên cứu cơ chế cho phép giao dịch mà không phải cấp vốn trước để phù hợp với thông lệ quốc tế sẽ giúp TTCK Việt Nam sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, mới đây, trong Báo cáo đánh giá khả năng tiếp cận thị trường kỳ tháng 6/2020 của Global Market Accessibility Review do MSCI công bố, không quốc gia nào được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên (FM) sang thị trường mới nổi (EM). Liên quan đến Việt Nam, không có sự cải thiện nào trong đánh giá khả năng tiếp cận thị trường của MSCI so với năm 2019.

Theo MSCI, các công ty ở một số ngành, lĩnh vực vẫn bị giới hạn về sở hữu nước ngoài; tỷ lệ sở hữu vốn ngoại vẫn vướng mắc tại nhiều nhóm ngành, cổ phiếu. Về quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài, nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu cung cấp thông tin song ngữ Anh - Việt. Bên cạnh đó, quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế do quy định giới hạn sở hữu nước ngoài áp dụng đối với tổng tỷ trọng sở hữu nước ngoài nói chung và sở hữu của từng nhà đầu tư nói riêng.

Về mức độ tự do trên thị trường ngoại hối, hiện vẫn còn những hạn chế khi chưa có thị trường giao dịch tiền tệ ở nước ngoài. Chỉ có một sự điều chỉnh nhỏ về thanh toán bù trừ khi MSCI xóa câu "không có cơ quan thanh toán bù chính thức và Trung tâm Lưu ký Việt Nam (VSD) đóng vai trò thanh toán bù trừ".

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, trong năm 2018-2019, Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn về thị trường trong khi tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước diễn ra quá chậm chạp. Do đó, MSCI chưa cân nhắc nâng hạng cho TTCK Việt Nam trong giai đoạn năm 2020. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh Covid-19 tiềm ẩn rủi ro lớn đối với TTCK toàn cầu nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng, nên việc xem xét nâng hạng TTCK Việt Nam có thể sẽ bị hoãn lại trong năm nay.

Đặc biệt, theo nhận định của nhiều chuyên gia, dù đã đáp ứng đủ các tiêu chí định lượng nhưng TTCK Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được những tiêu chí định tính như thiếu độ mở của thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế (thể hiện chủ yếu qua giới hạn sở hữu nước ngoài).

Xóa bỏ rào cản

Không thể phủ nhận trong suốt thời gian qua, cơ quan quản lý đã rất nỗ lực trong việc thay đổi chức năng quản lý, tăng tính minh bạch, công bằng cho thị trường chứng khoán cũng như tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư. Bằng chứng là việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang gấp rút hoàn thiện khung pháp lý, công việc trọng tâm là hoàn thiện văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019 theo hướng giải quyết các vướng mắc hiện hành với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; nâng cao thẩm quyền của cơ quan quản lý trong việc quản lý, giám sát và xử lý vi phạm trên thị trường; nâng cao chất lượng quản trị công ty; công bố thông tin; tạo cơ chế xử lý công ty chứng khoán hoạt động kém hiệu quả và thúc đẩy tổ chức kinh doanh chứng khoán phát triển.

Cơ quan này cũng bổ sung cơ chế bảo vệ nhà đầu tư; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường (nâng điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, quản lý và ngăn chặn việc lách luật thông qua chào bán riêng lẻ); bổ sung nguyên tắc áp dụng báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế, vấn đề công bố thông tin bằng tiếng Anh...

Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, với tiến trình nâng hạng lên nhóm TTCK mới nổi, vấn đề room đối với nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng. Thị trường đang kỳ vọng, Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực từ đầu năm 2021 sẽ mở ra cánh cửa nâng hạng đối với TTCK Việt Nam, khi hầu hết các doanh nghiệp đại chúng không thuộc những ngành nghề kinh doanh có điều kiện (hoặc luật pháp quốc tế quy định có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài) sẽ được nới room “tự động” lên 100%.

Ngoài ra, trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã bổ sung công cụ chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR), nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận các cổ phiếu hết room, góp phần giải bài toán room trong quá trình nâng hạng TTCK Việt Nam. Cụ thể, theo Luật mới, định nghĩa về chứng khoán bao gồm thêm chứng chỉ lưu ký (DR) và các quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) sẽ được quy định cụ thể. Đây là tin tốt cho các doanh nghiệp chưa được nới room ngoại do hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không bị giới hạn sở hữu đối với NVDR tại các doanh nghiệp đó. Điều này sẽ thu hút thêm vốn ngoại đổ vào TTCK Việt Nam.

Những thay đổi trong các Luật này sẽ góp phần xóa bỏ những rào cản hiện tại đối với quá trình nâng hạng TTCK Việt Nam, đặc biệt là việc giới hạn sở hữu nước ngoài và các quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài.

Trên thế giới, các thị trường tài chính được xếp vào 3 nhóm chính, cao nhất là thị trường phát triển (Developed Market), tiếp đến là thị trường mới nổi (Emerging Market) và thấp nhất là thị trường cận biên (Frontier Market).

Có 3 tổ chức lớn về xếp hạng thị trường bao gồm MSCI, FTSE Russell, và S&P Dow Jones. Các tổ chức này đánh giá xếp hạng thị trường định kỳ hàng năm. Mỗi tổ chức có một hệ thống tiêu chí đánh giá riêng nhưng đều tập trung vào các khía cạnh cơ bản như: mức độ phát triển của nền kinh tế, sự ổn định về chính trị, quy mô và tính thanh khoản của thị trường, hiệu quả vận hành của thị trường, khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài, khả năng lưu chuyển dòng vốn,...

Bảo Minh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/thi-truong-chung-khoan-viet-nam-no-luc-chuyen-dich-tu-thi-truong-can-bien-len-moi-noi-130525-130525.html