Thị trường đang đứng trước rủi ro ở mức cao?

Từ giữa tháng 6 đến nay, chỉ số chính đã có ba lần 'lùi bước' trước ngưỡng cản. Những yếu tố như áp lực trái phiếu, dấu hiệu xuất hiện của phân phối đỉnh, định giá không còn hấp dẫn, số liệu vĩ mô không khả quan… khiến động lực tăng suy yếu. Chuyên gia cho rằng, giai đoạn này rủi ro của thị trường đang ở mức cao.

Dựa trên dữ liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến ngày 5/7/2023, VNDIRECT Research cho biết, trong quý II/2023, thị trường chỉ ghi nhận 29 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước thành công với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 19.281 tỷ đồng, giảm 34,4% so với quý I/2023, và giảm 83,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những tín hiệu kém tích cực

Điều này cho thấy, niềm tin của các nhà đầu tư chưa quay trở lại trong bối cảnh còn nhiều tổ chức phát hành đang gặp khó khăn về hoạt động kinh doanh, khó khăn về dòng tiền dẫn tới chậm thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn. Đây là những nguyên nhân chính khiến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn trầm lắng trong quý vừa qua.

Đồng thời, nhóm phân tích này cũng cho rằng áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục gia tăng. Dự báo, trong quý III/2023, sẽ có khoảng hơn 75,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tăng 14,9% so với quý trước đó, đứng đầu “ngọn sóng” là các doanh nghiệp bất động sản.

Mặc dù nhiều nhiều ý kiến cho rằng, các tác động về mặt tâm lý từ rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp được giảm thiểu tối đa và sẽ không gây ra các cú "shock" như năm 2022 song vẫn sẽ tác động phần nào lên thị trường chung.

Động lực tăng suy yếu, chuyên gia cho rằng giai đoạn này rủi ro của thị trường đang ở mức cao.

Mặt khác, theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Chứng khoán Yuanta Việt Nam, dấu hiệu của phiên phân phối đỉnh đã xuất hiện. Cụ thể, đa phần những phiên tăng điểm thanh khoản rất thấp, trong khi đó phiên điều chỉnh thanh khoản lại tăng cao. Điều này phản ánh áp lực bán cao hơn đáng kể so với lực cầu mua vào.

Dù vậy, để khẳng định đỉnh phân phối hay chưa cần xem xét thị trường đã chuyển xu hướng giảm hay chưa. Để xác định xu hướng, nhà đầu tư cần quan sát ngưỡng 1.115 điểm. Thị trường chủ yếu đang ở trong trạng thái thay vì xu hướng tăng mở rộng, nhưng nếu xuyên thủng ngưỡng 1.115 điểm thì khả năng thiết lập mô hình 3 đỉnh là rất lớn.

“Mô hình 3 đỉnh được coi như biến thể mô hình giá 2 đỉnh, do sau khi tạo 2 đỉnh mà không thể phá vỡ đường Neckline nên tạo ra đỉnh thứ 3. Mô hình giá này thường xuất hiện ở cuối các chu kỳ tăng giá, dự đoán thị trường sẽ có biến động đảo chiều sang giảm”, chuyên gia Yuanta giải thích.

Ngoài ra, từ giữa tháng 4 đến nay, nhiều cổ phiếu đã hồi phục mạnh từ đáy, nhiều mã thậm chí tăng bằng lần. Thực tế, khi mà những mã tăng nóng xuất hiện nhiều hơn cũng là lúc rủi ro của thị trường tăng cao hơn.

Bên cạnh đó, định giá thị trường không còn thực sự hấp dẫn với mức quanh 13.x lần – cao hơn đáng kể so với giai đoạn trước đó. Trong khi đó, động lực tăng trưởng của thị trường đang dần trở nên mờ nhạt hơn. Hơn nữa, mức chênh lệch giữa lợi suất tiết kiệm và đầu tư chứng khoán đang dao động ở gần 0%, cho thấy định giá chứng khoán không hoàn toàn quá hấp dẫn để thu hút thêm dòng tiền mới trong ngắn hạn.

Không chỉ vậy, những số liệu vĩ mô công bố không mấy khả quan dự báo cũng tác động đáng kể đến tâm lý thị trường. Tăng trưởng kinh tế vẫn chậm trong khi lãi suất điều hành bắt đầu hạ từ tháng 3 khiến giới đầu tư quan ngại về độ “ngấm” của chính sách đối với nền kinh tế.

Điều chỉnh là cần thiết?

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Sở Giao dịch 1, Chứng khoán MB (MBS) dự báo, kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết đa phần sẽ có màu xám và là đáy của kết quả kinh doanh. TTCK luôn phản ánh trước yếu tố cơ bản của doanh nghiệp nên chỉ số tạo đáy từ trước, còn quý II này mới là quý xấu nhất về kết quả kinh doanh, từ quý III trở đi dự kiến sẽ hồi phục. Theo đó, thị trường cần điều chỉnh vì đã chạy quá xa so với yếu tố cơ bản là kết quả kinh doanh quý II.

“Chỉ số VN-Index có khả năng cao sẽ giảm xuống dưới 1.100 điểm. Điều này là hợp lý cả về yếu tố cơ bản lẫn kỹ thuật”, chuyên gia MBS nêu quan điểm.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, kết quả kinh doanh quý II công bố mới biết lợi nhuận thị trường so với định giá cổ phiếu có thực sự hấp dẫn. “Thị trường cần một mức chiết khấu sâu hơn để định giá lại. VN-Index có thể về 1.090 – 1.095 điểm khi giá đã được chiết khấu đáng kể để hấp dẫn dòng tiền”, ông Minh nhận định.

Dưới góc nhìn kỹ thuật, Chứng khoán VCBS phân tích, VN-Index đã hình thành mẫu hình nến tương tự mẫu hình 'evening star' báo hiệu rủi ro điều chỉnh đã tăng lên. Thêm vào đó, tại khung đồ thị ngày, chỉ báo MACD và RSI đồng loạt cho tín hiệu phân kỳ 3 đoạn cho thấy, xác xuất cao thanh khoản bán chủ động sẽ vẫn tiếp tục gia tăng trong các phiên tới.

Với diễn biến hiện tại, vùng hỗ trợ gần nhất của thị trường vẫn được xác định nằm quanh khu vực 1.115 – 1.120 điểm, đây cũng là điểm giao cắt với đường trung bình độ MA20. Nếu thị trường không giữ vững được vùng điểm này thì khi đó rủi ro sẽ ở mức cao.

“Nhà đầu tư tiếp tục giữ tâm lý thận trọng, chủ động nâng cao tỉ trọng tiền mặt và hạn chế giải ngân bắt đáy sớm.”, VCBS khuyến nghị.

Tương tự, Chứng khoán Agriseco cho rằng, VN-Index có thể quay lại kiểm định hỗ trợ gần nhất quanh vùng 1.115 – 1.120 điểm. Trong trường hợp nhịp hồi xuất hiện, nhà đầu tư nên ưu tiên hạ bớt tỷ trọng với các mã mất nền tích lũy trong nhịp giảm. Hành động giải ngân mới nên thực hiện tại nhóm cổ phiếu bluechip khi chỉ số xác nhận cân bằng trở lại quanh vùng hỗ trợ.

Còn theo Chứng khoán CSI, nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ VN-Index test ngưỡng hỗ trợ 1.080 - 1.095 điểm để mở vị thế mua ròng trở lại.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//goc-nhin/thi-truong-dang-dung-truoc-rui-ro-o-muc-cao-1093758.html