Thị trường dầu mỏ bước vào giai đoạn mới sau thỏa thuận OPEC++

Thị trường dầu mỏ thế giới đang diễn biến theo hướng tích cực khi cung giảm, cầu tăng. Đầu tiên phải nói đến hiệu quả của thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác của nhóm OPEC+ bắt đầu từ ngày 1/5.

RIA đưa tin, theo một nghiên cứu mới đây của Cơ quan xếp hạng tín dụng quốc gia Nga (NKR) dự báo, sau khi kết thúc quý đầu tiên của năm 2022 có khả năng sẽ diễn ra một sự phân chia mới của thị trường dầu mỏ thế giới.

Diễn biến trên thị trường dầu mỏ sau thỏa thuận của liên minh OPEC+ vẫn rất khó lường. (Ảnh: RIA)

Diễn biến trên thị trường dầu mỏ sau thỏa thuận của liên minh OPEC+ vẫn rất khó lường. (Ảnh: RIA)

Theo đó, liên minh OPEC+ (Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, gọi là OPEC+), trong đó, với hai đối tác chính trong nhóm là Nga và Saudi Arabia, ngày 12/4 vừa qua đã đồng ý giảm sản lượng khai thác dầu từ tháng 5/2020 đến tháng 4/2022. Một số quốc gia tỏ ý sẵn sàng hỗ trợ những nỗ lực này để cân bằng lại thị trường dầu mỏ toàn cầu mà nhu cầu đã bị giảm sút đáng kể do đại dịch Covid-19. Theo Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak, có thể kể các nước như Mỹ, Canada, Na Uy và Brazil. Thỏa thuận cuối cùng được gọi là OPEC++.

Các chuyên gia của NKR cho rằng, các thỏa thuận này là tiền đề được đặt ra trước cái gọi là cuộc chiến giá cả vào mùa xuân năm 2020, với những yếu tố vẫn sẽ còn tác động ngay cả sau khi các biện pháp cách ly phòng dịch kết thúc. Đặc biệt, đó là mong muốn của Mỹ để trở thành nhà xuất khẩu ròng trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Theo các báo cáo mới đây, ngay trong tuần đầu tiên của tháng 5, giá dầu thô WTI tăng vọt 25,1%, dầu Brent tăng khoảng 17,1%. Tuần thứ 2 của tháng 5, giá dầu tăng trung bình 20%. Giá dầu WTI chốt phiên tuần thứ 3 của tháng 5 đã đạt mức 33,41 USD/thùng, dầu Brent đạt mức 35,21 USD/thùng. Theo dự báo của Wood Mackenzie và Platts thì thị trường sẽ khởi sắc đáng kể từ tháng 6 hoặc tháng 7/2020.

“Năm 2019, lần đầu tiên sau 67 năm Mỹ trở thành nhà xuất khẩu năng lượng ròng, và nếu vào tháng 8/2006, lượng nhập khẩu ròng các sản phẩm dầu và dầu mỏ ở Mỹ là 13,6 triệu thùng mỗi ngày, thì vào tháng 2/2020, lượng xuất khẩu ròng của họ đã đạt mức 0,8 triệu thùng mỗi ngày”, các chuyên gia cho biết.

Ngoài ra, trong số các yếu tố nói trên có thể kể đến sự kỳ vọng về nhu cầu dầu mỏ cao nhất trong khoảng 15-20 năm và việc Saudi Arabia không muốn tiếp tục là nước sản xuất đóng vai trò bình ổn thị trường dầu mỏ.

“Với điều kiện những yếu tố này được “bảo tồn” cho đến khi các thỏa thuận OPEC++ hết hạn vào quý 1 năm 2022, thì mâu thuẫn giữa các nước đóng vai trò chính trong sản xuất dầu có thể trầm trọng thêm, điều này sẽ dẫn đến một sự thay đổi đáng kể trong kiến trúc thị trường dầu mỏ thế giới”, trích một tài liệu của NKR nhận định.

Cũng theo các chuyên gia, vai trò của Saudi Arabia đang dần suy giảm trong đại dịch Covid-19, khi giá dầu thấp, vì vậy nguồn thu ngân sách của Saudi Arabia giảm 25% trong quý I (khoảng 9 tỉ USD). Chính phủ nước này cũng phải chi thêm 48 tỉ USD chống dịch Covid-19 và hỗ trợ kinh tế suy giảm. Để cân đối dòng tiền, Saudi Arabia đã phải phát hành trái phiếu, tăng giá bán dầu tháng 6 đối với tất cả các thị trường, cao nhất là Địa Trung Hải (lên tới 25%). Động thái của “ông trùm” dầu mỏ Trung Đông như một chất xúc tác giúp giá dầu tăng dần đều trong thời gian qua.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak cuối cùng đã công bố lập trường của Moscow về việc cắt giảm sản lượng dầu thô. Theo đó, giới lãnh đạo Nga cho biết, thị trường đòi hỏi các hành động tập thể và các công ty dầu khí của Nga sẵn sàng tham gia, nhưng với điều kiện là phải thực hiện cùng với OPEC + và các nhà sản xuất dầu lớn như Mỹ.

Thanh Bình (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/thi-truong-dau-mo-se-buoc-vao-giai-doan-moi-sau-thoa-thuan-opec-253504.html