Thị trường đồ chơi Trung thu: Hàng Việt đã bớt lép vế

Khác với những năm trước, tết Trung thu năm nay, các loại đồ chơi nội như: Mặt nạ giấy bồi, trống, đèn kéo quân… được thiết kế đa dạng, màu sắc bắt mắt, đã chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Đầu Lân luôn là mặt hàng đồ chơi Trung thu có giá đắt đỏ. Ảnh: ĐH

Ưa chuộng hàng nội vì phù hợp văn hóa

Tết Trung thu đã gần kề. Những ngày này trên khắp các tuyến phố Hà Nội trở nên nhộn nhịp, rực rỡ sắc màu bởi những món đồ chơi. Đặc biệt, tại các tuyến phố chuyên kinh doanh mặt hàng đồ chơi Trung thu của Hà Nội như: Hàng Mã, Lương Văn Can, Hàng Lược…, những mặt hàng đồ chơi truyền thống được các tiểu thương bày bán với số lượng nhiều để đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng.

Theo khảo sát của phóng viên, năm nay giá của các mặt hàng đồ chơi Trung thu được bán với giá phải chăng, không chênh lệch nhiều so với năm ngoái. Như đèn ông sao có màu sắc đa dạng, hoa văn trang trí truyền thống quen thuộc với người dân Việt Nam được bán với giá từ 15.000 đồng- 100.000 đồng/chiếc, tùy thuộc vào kích cỡ. Đối với đèn lồng giấy được thiết kế mô phỏng theo các con vật, nhân vật trong phim hoạt hình ngộ nghĩnh được bán với giá từ 20.000 - 50.000 đồng/chiếc, tùy từng kích cỡ; đèn cù có giá từ 20.000 - 60.000 đồng/chiếc. Cũng như những năm trước, năm nay đầu lân sư tử là loại đồ chơi có giá đắt nhất, khoảng từ 300.000 đồng - 950.000 đồng/chiếc, tùy loại.

Đặc biệt, những năm gần đây, mặt nạ giấy bồi do nhiều cơ sở sản xuất thủ công trong nước sản xuất đang nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng vì phù hợp với văn hóa của người Việt Nam và được làm từ những nguyên liệu không độc hại, an toàn với sức khỏe của trẻ. Những loại mặt nạ được mô phỏng theo những nhân vật trong truyện như: Chú Cuội, Thị Nở, Chí Phèo… Hiện trên thị trường có 2 loại mặt nạ giấy bồi, cụ thể: Mặt nạ giấy bồi đã được trang trí trang trí hoàn chỉnh được bán với giá 60.000 đồng/chiếc; mặt nạ giấy bồi trắng để trẻ có thể thỏa thích sáng tạo, vẽ những nhân vật hoạt hình mình yêu thích. Loại mặt nạ này được bán với giá từ 30.000 đồng - 40.000 đồng/chiếc.

Bà Trần Thị Phương, một tiểu thương bán đồ chơi tại phố Hàng Mã (Hà Nội) cho biết: “Năm nay, lượng khách hàng hỏi mua đồ chơi truyền thống tăng gấp đôi so với năm trước, những món đồ chơi điện tử, đồ chơi ngoại không còn được quan tâm như trước. Do đó, chúng tôi cũng nhập nhiều mặt hàng đồ chơi truyền thống để đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng”.

Theo đánh giá của nhiều tiểu thương kinh doanh mặt hàng đồ chơi Trung thu, năm nay đồ chơi Trung Quốc bị lép vế so với đồ chơi truyền thống của Việt Nam. Bởi những năm gần đây, đồ chơi truyền thống có sự cải tiến về mẫu mã, màu sắc bắt mắt nhưng vẫn giữ được truyền thống của người Việt. Do vậy, những mặt hàng đồ chơi truyền thống đã nhận được sự quan tâm của cả người lớn và trẻ em.

Siết chặt quản lí đồ chơi Trung thu

Nhằm đảm bảo thị trường đồ chơi trung thu đảm bảo, an toàn đối với trẻ em, Tổng cục Quản lí thị trường (Bộ Công Thương) đã công văn yêu cầu Cục Quản lí thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp trước, trong và sau tết Trung thu năm 2019.

Theo đó, Tổng cục Quản lí thị trường yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em; đồ chơi thông minh, tích hợp nhiều chức năng; đồ chơi trẻ em độc hại, kích động bạo lực nhập lậu; kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ, ghi nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy và các quy định khác của pháp luật trong quản lý mặt hàng đồ chơi trẻ em.

Đặc biệt, trong quá trình kiểm tra cần kết hợp tuyên truyền trực tiếp đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh các quy định của pháp luật về kinh doanh hàng hóa. Đồng thời, công bố công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định để cảnh báo, nâng cao nhận thức pháp luật cho người tiêu dùng.

Do đó, trước tết Trung thu, lực lượng Quản lí thị trường tại các địa phương đã mở đợt kiểm tra các cơ sở kinh doanh đồ chơi và đã phát hiện nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đơn cử, ngày 12/8, tại Vĩnh Phúc, lực lượng Quản lí thị trường Vĩnh Phúc đã kiểm tra các cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em tại thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, phát hiện hơn 1.000 mặt hàng đồ chơi trẻ em không có nhãn hiệu hàng hóa, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tại Lạng Sơn, từ ngày 9/8 đến 12/8, lực lượng Quản lí thị trường tiếp tục phát hiện và thu giữ nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em, thực phẩm nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ...

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/thi-truong-do-choi-trung-thu-hang-viet-da-bot-lep-ve-111253-111253.html