Thị trường du lịch trực tuyến 3,5 tỷ USD tại Việt Nam đang bị bỏ ngỏ

Nhiều đơn vị trong nước chưa tận dụng được cơ hội làm ăn trong lĩnh vực du lịch trực tuyến. Thị phần các doanh nghiệp này mới chiếm khoảng 20% tại Việt Nam.

Trong thời đại Internet bùng nổ, khi người tiêu dùng ngày càng được tiếp cận nhiều hơn với công nghệ, ngành du lịch không thể đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0.

Theo nhận định của các chuyên gia, công nghệ sẽ thay đổi xu hướng nghỉ dưỡng, trước hết là ở phương thức quảng bá xúc tiến du lịch, tiếp đó là phương thức đi du lịch, trải nghiệm tại điểm đến của du khách và lĩnh vực khách sạn, địa điểm nghỉ dưỡng.

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử năm 2019 cho thấy, tốc độ tăng trưởng TMĐT năm 2018 cao hơn 30% so với trước đó và sẽ tiếp tục duy trì tốc độ này trong những năm tới. Quy mô giao dịch khoảng 8 tỷ USD. Trong đó, bán lẻ trực tuyến và du lịch trực tuyến chiếm tỷ trọng cao nhất trong toàn bộ thị trường thương mại điện tử Việt Nam.

Báo cáo Google và Temasek cũng cho thấy, quy mô du lịch trực tuyến Việt Nam năm 2018 đạt 3,5 tỷ USD (tăng trưởng 15%), dự kiến 2025 con số này sẽ lên tới 9 tỷ USD.

Đặt vé máy bay, phòng khách sạn, tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ du lịch khác trên môi trường trực tuyến ngày càng tăng trưởng nhanh và thuận lợi cho người tiêu dùng.

Tầng lớp khách lẻ (free and independent traveler – FIT) tăng mạnh cả inbound (đón khách nước ngoài) và outbound (đưa khách ra nước ngoài) tạo nhiều cơ hội tiềm năng cho du lịch.

Các mô hình kinh doanh và công nghệ tiên tiến được ứng dụng mạnh mẽ trong du lịch trực tuyến. Tuy nhiên, quy mô thị trường du lịch của việt Nam mới đứng thứ 5/6 nước được xếp hạng trong khu vực Đông Nam Á và còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết.

Thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho thấy trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu tìm kiếm các thông tin về du lịch trên mạng tại Việt Nam tăng hơn 32 lần. Trong đó, mỗi tháng có hơn 5 triệu lượt tìm kiếm bằng tiếng Việt về các sản phẩm du lịch như tour trong nước, tour nước ngoài, đặt phòng khách sạn, các loại hình du lịch…

Vào những tháng du lịch hè cao điểm, số lượt tìm kiếm có thể lên đến 8 triệu lượt. Qua các năm, tỉ lệ này vẫn đang tiếp tục tăng khả quan. Khách hàng bây giờ chỉ cần thông qua một cú nhấp chuột là có thể đặt phòng, đặt vé máy bay, đặt tour…

Tiềm năng là vậy, nhưng theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), du lịch trực tuyến là cuộc chơi đầy thử thách. Những doanh nghiệp Việt dám đầu tư vào du lịch trực tuyến vô cùng dũng cảm. Hiện vẫn chưa có chính sách hay quy định nào về du lịch trực tuyến.

Về thực trạng, ông Hưng cho rằng, nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn chưa nắm bắt và tận dụng được những cơ hội làm ăn trong lĩnh vực đầy tiềm năng này. Doanh nghiệp trong nước mới chiếm khoảng 20% thị trường du lịch trực tuyến tại Việt Nam.

Thứ nhất là về công nghệ, đã tham gia cuộc chơi du lịch trực tuyến nghĩa là cuộc chơi toàn cầu. Không có khái niệm du lịch trực tuyến chỉ cung cấp cho riêng Việt Nam. Cuộc chơi này dành cho những người giỏi về công nghệ. Trong khi đó, đây là yếu tố doanh nghiệp trong nước còn thiếu.

Thứ hai là về vốn. TMĐT hiện đã qua thời website đơn giản là xong. Du lịch trực tuyến không phải chỉ dựng một website hoặc một ứng dụng trên di động là xong.

"Trong con mắt của chúng tôi, những đơn vị dám đầu tư vào du lịch trực tuyến Việt Nam vô cùng dũng cảm. Công nghệ yếu, vốn ít, chúng ta nghe vài trăm tỷ đồng là khủng khiếp nhưng làm du lịch trực tuyến thì có lẽ vài trăm tỷ đồng cũng chưa là gì", Chủ tịch VECOM chia sẻ.

Thứ ba là sự hỗ trợ. "Chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến chuyện người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cùng xắn tay áo với các công ty làm du lịch trực tuyến, các khách sạn, tạo sự liên kết, chơi với nhau trước. Thế nhưng đến giờ, sự liên kết đó vẫn chưa chặt chẽ", ông Nguyễn Thanh Hưng phân tích.

Về mặt giải pháp, ông Hưng cho rằng để du lịch trực tuyến phát triển, các doanh nghiệp trong ngành cần "bắt tay" nhau để chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác về truyền thông để nâng cao niềm tin của khách hàng vào loại hình dịch vụ này.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch truyền thống cũng cần đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trực tuyến như đẩy mạnh việc bán hàng trên trang web của doanh nghiệp mình, đẩy mạnh khâu truyền thông, tiếp thị về sản phẩm của mình trên môi trường trực tuyến, mạng xã hội, công cụ tìm kiếm…

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/thi-truong-du-lich-truc-tuyen-35-ty-usd-tai-viet-nam-dang-bi-bo-ngo-1561537752389.htm