Thị trường dược vẫn là 'sân chơi' của doanh nghiệp nước ngoài

Tại Việt Nam có hơn 20 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn WHO-GMP nhưng không có nhà máy được WHO tiền thẩm định. Bên cạnh đó, số lượng thuốc của Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài rất ít.

Thông tin trên được PGS-TS Lê Văn Truyền, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết tại hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành sản xuất dược" ngày 9-3.

PGS-TS Lê Văn Truyền, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế báo cáo tại hội thảo

Theo ông Truyền, tại Việt Nam có hơn 20 nhà máy đạt tiêu chuẩn WHO-GMP nhưng không có nhà máy được WHO tiền thẩm định. Trong khi đó, đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sản xuất, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất gia công và cơ hội xuất khẩu sang nước ngoài.

"Thực tế số lượng thuốc của Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài rất ít, trong đó đa số là các sản phẩm do nước ngoài đầu tư nhà máy sản xuất ở Việt Nam, sau đó xuất khẩu quay trở lại ra nước ngoài (thể hiện rõ nhất là các doanh nghiệp dược Nhật Bản đầu tư nhà máy sản xuất ở Việt Nam và sau đó xuất khẩu sản phẩm quay trở lại Nhật Bản)" – ông Truyền nói.

Ông Truyền nói thêm năng lực sản xuất, R&D (nghiên cứu và phát triển), thử nghiệm của các doanh nghiệp dược còn hạn chế, phân tán. Việt Nam vẫn chưa có trung tâm quốc gia về R&D đủ mạnh, hiện đại, chưa có trung tâm nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu sinh học tầm cỡ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có khu công nghiệp tập trung nào cho ngành sản xuất dược phẩm với một hệ sinh thái hoàn chỉnh. Ngoài ra, năng lực tài chính của các doanh nghiệp dược Việt Nam còn hạn chế, đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không có một tập đoàn lớn mạnh dẫn dắt.

"Điều này khiến cho thị trường dược Việt Nam vẫn còn là "sân chơi" của các doanh nghiệp dược nước ngoài. Ngay cả đến thuốc generic (thuốc sao chép sau khi thuốc biệt dược gốc hết hạn bản quyền) sau khi hết bản quyền mà các doanh nghiệp dược Việt Nam cũng chưa sản xuất được, phải trông chờ vào Ấn Độ, sau đó đi sao chép lại. Có ý kiến cho rằng, đa số các nhà cung cấp dược phẩm trong nước thiếu nguồn lực để khai thác thị trường nội địa. Như vậy, mục tiêu cung cấp 80% sản phẩm dược phẩm cho nhu cầu của người dân là rất khó đạt được nếu không có bước đột phá" - ông Truyền nhấn mạnh

Cùng quan điểm, thạc sĩ, dược sĩ Nguyễn Diệu Hà, Tổng thư ký, Chánh Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam cho biết tính đến năm 2022, Việt Nam có 5 doanh nghiệp dược có vốn đầu tư nước ngoài, 228 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn WHO GMP, 12 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP cao như EU, PICs, JAPAN, TCA. Tuy nhiên, các sản phẩm thuốc của Việt Nam đa số tập trung vào nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn (32,54%); nhóm thuốc hạ nhiệt, giảm đau (15,5%) và nhóm vitamin, khoáng chất (6,55%). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dược Việt Nam còn nhiều hạn chế như mới chỉ tập trung sản xuất thuốc generic, chưa khai thác hết công suất sản xuất, chưa nghiên cứu sản xuất thuốc hết hạn phát minh, chưa chú trọng chuyển giao công nghệ mới.

Cũng tại hội thảo, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Bộ Y tế cho biết dù có tốc độ tăng trưởng bình quân từ 10-12%/năm nhưng doanh nghiệp sản xuất trong nước chưa đóng vai trò chủ đạo trong thị trường dược phẩm. Thuốc sản xuất trong nước hiện cũng chỉ chiếm 45% tổng giá trị thuốc điều trị. Quy mô của các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm chưa lớn, số lượng mặt hàng không nhiều, hàm lượng khoa học công nghệ chưa cao là những hạn chế của ngành sản xuất dược Việt Nam. Đặc biệt, dịch COVID-19 xảy ra cũng là lúc ngành dược bộc lộ rõ những hạn chế của mình.

Ông Hùng cho biết thêm, trước đó, ngày 17-3-2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 376 phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường, tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 10% so với năm 2020. Đến năm 2030, thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường. Chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc phát minh còn bản quyền, vaccine, sinh phẩm và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được. Phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực với giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỷ USD. Định hướng đến năm 2045, tổng giá trị ngành công nghiệp dược dóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD.

Tin, ảnh: Hải Yến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/thi-truong-duoc-van-la-san-choi-cua-doanh-nghiep-nuoc-ngoai-20230309164420056.htm