Thị trường gặp khó tại mốc 1.030 điểm, cổ chứng khoán 'bốc hỏa'

Nhóm cổ phiếu blue-chips một lần nữa lại hụt hơi ở ngưỡng quan trọng của thị trường. VN-Index 'đánh võng' tới 3 lần trong phiên hôm nay mà không 'dứt điểm' được mốc 1.030...

Nhóm cổ phiếu blue-chips một lần nữa lại hụt hơi ở ngưỡng quan trọng của thị trường. VN-Index "đánh võng" tới 3 lần trong phiên hôm nay mà không "dứt điểm" được mốc 1.030.

VN-Index kết thúc phiên giảm 0,07% hay 0,72 điểm, tụt nhẹ xuống mức 1.029,26 điểm. VN30-Index vẫn tăng 0,16% nhưng lại không thể hiện sức mạnh đồng đều của nhóm blue-chips, khi có tới 17 mã giảm và chỉ 12 mã tăng.

Cơ cấu của chỉ số VN-Index khác nhiều so với VN30-Index, do vậy không nhất thiết hai chỉ số này luôn cùng chiều. Hôm nay VN30-Index tăng nhưng các cổ phiếu quan trọng nhất đối với VN-Index lại giảm.

Đó là VIC giảm 0,76%, VNM giảm 0,73%, BID giảm 0,7%, VHM giảm 0,35%, GAS giảm 0,23%, CTG giảm 0,58%, SAB giảm 0,48%, VCB tham chiếu, MSN giảm 0,58%. Như vậy trong nhóm 10 mã vốn hóa lớn nhất của VN-Index, có 8 mã giảm, 1 mã tham chiếu, duy nhất HPG tăng 0,52%.

Các trụ lớn yếu và giằng co liên tục trong phiên khiến VN-Index cũng "đánh võng" nhiều lần quanh mốc 1.030 điểm. Chỉ số này cả sáng lẫn chiếu có tới tới 4 lần vượt qua mốc điểm số này nhưng rồi lại để mất. Biên độ dao động của VN-Index trong ngày chỉ tối đa có 0,68%, hẹp nhất kể từ đầu tháng 11. Biên dao động của chỉ số này hẹp đồng nghĩa với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn dẫn dắt cũng không biên động mạnh.

Chỉ số VN30-Index có lợi thế hơn ở nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình của VN-Index thì lại khá lớn ở chỉ số này. MBB tăng 2,15%, STB tăng 1,93%, SSI tăng 6,57%, VPB tăng 0,89%, FPT tăng 0,9% là 5 cổ phiếu nâng đỡ chính cho VN30-Index. Ngược lại các mã như SAB, GAS, BID hầu như không ảnh hưởng được bao nhiêu.

Mặc dù các trụ lớn giảm kéo VN-Index xuống dưới tham chiếu nhưng hôm nay thị trường cũng kém mạnh đáng kể so với hôm qua. Số cổ phiếu tăng giá giảm xuống còn 241 mã (hôm qua 275 mã) trong khi số giảm giá lại tăng lên 203 mã (hôm qua 149 mã). Thậm chí "nhiệt" ở nhóm đầu cơ cũng giảm: Số mã kịch trần chỉ còn 13 mã so với 23 mã phen trước. Trong đó lác đác chỉ còn vài mã đầu cơ quen thuộc tăng như JVC, AGR, VOS, FIT. Thanh khoản tại nhóm Smallcap cũng giảm 9%.

Giao dịch hầu như chỉ duy trì sôi động được trong nhóm cổ phiếu chứng khoán. SSI tăng 6,57% là mức tăng mạnh nhất một ngày kể từ đáy 2020 hồi cuối tháng 3. SSI đang tiến tới đỉnh cao nhất hồi tháng 3/2019 và chỉ còn cách hơn 4% nữa mà thôi. Cổ phiếu đặc biệt nhất trong nhóm này là HCM, tăng kịch trần 6,85%, là phiên tăng hết biên độ đầu tiên của năm 2020. Không chỉ vậy, HCM còn lập kỷ lục lịch sử về thanh khoản với gần 22,16 triệu cổ trị giá 571,5 tỷ đồng. HCM cũng đang quay lại sát đỉnh cao 2019, chỉ còn cách chưa đầy 3%.

Các mã chứng khoán khác tăng tốt là VCI tăng 2,05%, SHS tăng 4,03%, BVS tăng 6,67%, VND tăng 4,17%, MBS tăng 5,51%, AGR tăng 6,91%...

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đã tăng khá tốt cùng với xu hướng chung trong tháng 11 nhưng đến lúc này mới thật sự bùng nổ cả về giá lẫn thanh khoản. Trước đây dòng tiền mải mê giao dịch ở các nhóm cổ phiếu khác và giờ có dấu hiệu đổ dồn vào nhóm chứng khoán. Chỉ còn vài tuần nữa là kết thúc năm tài chính 2020, xu hướng tăng đang rất vững chắc và thanh khoản khổng lồ thì không cần phân tích cũng có thể cảm nhận được kỳ vọng to lớn đối với các công ty chứng khoán.

Nhóm cổ phiếu Midcap cũng gây bất ngờ khá lớn khi nhận được dòng tiền mạnh phiên này. Giá trị khớp lệnh của nhóm này tăng hơn 30% so với hôm qua, đạt 3.564 tỷ đồng. Riêng HCM đã chiếm gần 16% cả rổ. Ngoài ra Midcap còn xuất hiện hàng loạt mã thanh khoản rất cao trên 100 tỷ đồng và giá tăng mạnh như HSG tăng 2,29%, CTD kịch trần, DPM tăng 4,61%... Mặc dù vậy thanh khoản khá tập trung vào số ít cổ phiếu. Chẳng hạn Top 5 giá trị khớp của Midcap chiếm tới 40,2% giá trị cả rổ.

Thanh khoản của Midcap một khía cạnh nào đó cũng là duy trì mức giao dịch lớn cho cả thị trường hôm nay. Nhóm VN30 chỉ tăng giá trị khoảng 1%, Smallcap giảm 9%. Sàn HNX cũng tăng giá trị khoảng 29% so với hôm qua, chủ yếu là nhờ SHB, PVS và SHS – lại là một mã chứng khoán – 3 mã này chiếm 50,4% giá trị sàn.

Nhờ sự đột biến của một số cổ phiếu nói trên, tổng giá trị khớp lệnh hai sàn tăng trở lại 11,4% sau khi giảm khoảng 10,3% hôm qua, đạt 10.794 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận khá nhỏ với 873,4 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài đã quay sang bán ròng. Sàn HSX bị rút ròng gần 149 tỷ đồng, trong đó rổ VN30 bị rút 86 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND tiếp tục được mua ròng khá. HSG, LPB, HBC, KDH, DXG, PVT, GAS, HDB, HCM cũng được mua tốt. Phía ngược lại, GEX, POW, PAN, GMD bị bán ròng hàng triệu cổ mỗi mã. DRC, HPG, CTG, MBB, VIC cũng bị bán ròng khá mạnh.

Lan Ngọc

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/thi-truong-gap-kho-tai-moc-1030-diem-co-chung-khoan-boc-hoa-20201208154856479.htm