'Thị trường gấu' bao trùm các chỉ số chứng khoán trên toàn cầu

Nhiều chỉ số chứng khoán trên toàn cầu bắt đầu đi vào chu kỳ giảm giá (thị trường gấu) trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều bất ổn do các xung đột thương mại giữa các nước, đặc biệt là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Tỉ lệ cổ phiếu (màu đỏ) trong các chỉ số chứng khoán trên toàn cầu rơi vào thị trường con gấu đang tăng vọt. Ảnh: Reuters

Số cổ phiếu chạm mốc giảm ít nhất 20% tăng vọt

Tính đến ngày 25-10, chỉ số S&P 500 của Mỹ vẫn đang tăng 1,2% trong năm nay và nối dài đà tăng trưởng dài nhất lịch sử, trong khi đó, chỉ số MSCI All-Country World Index (MSCI-ACWI ), dùng để đo "sức khỏe" của thị trường chứng khoán thế giới, chỉ giảm 5% trong năm nay bất chấp các nỗi lo về chiến tranh thương mại và tăng trưởng trì trệ ở Trung Quốc.

Song kết quả của cuộc phân tích dữ liệu do hãng tin Reuters thực hiện cho thấy tỷ lệ cổ phiếu khu vực và ngành kinh doanh đang rơi vào chu kỳ con gấu về mặt kỹ thuật tăng mạnh kể từ tháng 1-2018, khiến một số nhà phân tích kết luận rằng thị trường bò tót (tăng điểm) đã kết thúc.

Vào đầu năm nay, 9,3% trong số 500 cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất ở Mỹ, cấu thành chỉ số S&P 500 rơi vào chu kỳ con gấu, tức giá cổ phiếu giảm ít nhất 20% so với mức đỉnh trong 12 tháng trước đó.

Đến ngày 22-10, tỷ lệ số cổ phiếu trong chỉ số S&P 500 bước vào chu kỳ con gấu đã leo lên mức 34,1%, trong khi đó, nếu xét theo tiêu chí bước vào đợt điều chỉnh (giá cổ phiếu giảm ít nhất 10% so với mức đỉnh trong 12 tháng), tỷ lệ này đã lên đến hơn 70%.

Chỉ số Nasdaq 100 (đo lường biến động giá cổ phiếu của 100 công ty phi tài chính lớn nhất trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq của Mỹ) tăng 9,69% trong năm nay và các cổ phiếu ngành công nghệ dẫn dắt chỉ số Nasdaq 100 tăng điểm trong hai năm qua. Song số các cổ phiếu trong chỉ số Nasdaq 100 rơi vào chu kỳ con gấu đã tăng vọt lên mức 43,7% so với mức 7,8% hồi tháng 1-2018.

Bên ngoài nước Mỹ, sự quay lại của thị trường con gấu thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Theo Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch, 58% trong số 2.767 cổ phiếu thuộc chỉ số MSCI-ACWI đã đi vào chu kỳ con gấu. Tại châu Âu, chỉ số STOXX 600, đại diện cho giá cổ phiếu của 600 công ty nhỏ, vừa và lớn tiêu biểu ở 17 nước châu Âu, chỉ giảm gần 9% trong năm nay nhưng tỷ lệ số cổ phiếu trong chỉ số này rơi vào thị trường con gấu đã nhảy lên 46,2% so với mức 10,2% vào đầu năm 2018.

Tại Đức, chỉ số DAX (đo lường biến động giá của 30 cổ phiếu bluechip trên Sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt) đang chứng kiến 18 cổ phiếu rơi vào chu kỳ con gấu so với chỉ hai cổ phiếu vào hồi tháng 1-2018. Tại Nhật Bản, tính đến ngày 26-10, chỉ số Nikkei chỉ giảm 6,44% nhưng số cổ phiếu rơi vào chu kỳ con gấu đã tăng lên 48% (tính đến ngày 22-10), tăng so với mức chỉ 4,9% hồi đầu năm.

Các chỉ số thị trường chứng khoán chứng kiến lượng cổ phiếu rơi vào chu kỳ con gấu tăng lên đáng kể bao gồm chỉ số chỉ số MSCI Emerging Markets (đo lường biến động giá cổ phiếu ở 24 thị trường mới nổi), chỉ số CSI 300 Index (đo lường biến động giá của 300 cổ phiếu loại A trên sàn giao dịch Thượng Hải và Thâm Quyến).

Lo ngại thị trường bước vào chu kỳ giảm giá dài hạn

Giới phân tích lo ngại rằng sự tăng vọt của số lượng cổ phiếu chạm mốc giảm 20% trở lên có thể dẫn đến điểm cao trào, kéo theo sự sụp đổ giá trên diện rộng ở các chỉ số chứng khoán trên toàn cầu và chính thức xác nhận thị trường chứng khoán toàn cầu bước vào chu kỳ giảm giá dài hạn. “Đó thực sự là một chỉ dấu cho thấy thị trường gấu toàn cầu có thể đã bắt đầu”, Albert Edwards, nhà chiến lược toàn cầu ở Ngân hàng Societe Generale, nói.
Ông cho biết các chỉ báo kỹ thuật khác chẳng hạn quy mô của thị trường gấu hay sự phân kỳ giữa giá các cổ phiếu trong một chỉ số cũng giúp các nhà phân tích đi đến kết luận trên.

Các quy tắc kinh nghiệm về thị trường gấu không phải lúc nào cũng dễ sử dụng nhưng chúng được giám sát chặt chẽ bởi các nhà quản lý quỹ và các nhà đầu tư. Tuy vậy, Edwards, người nổi tiếng là "nhà đầu tư gấu" vì thường đưa ra các quan điểm bi quan và các nhà phân tích khác lưu ý rằng số lượng cổ phiếu rơi vào chu kỳ gấu tăng mạnh có thể được hiểu theo hai cách. Hoặc là lực bán xuống giá quá mạnh khiến nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu vô điều kiện và tạo ra tâm lý hoảng sợ trong dài hạn; hoặc đây chỉ là đợt bán xuống giá từ từ nhằm giảm bớt sức căng của bong bóng giá cổ phiếu, từ đó, giúp giảm bớt áp lực bán tháo ồ ạt.

Các nhà phân tích ủng hộ quan điểm thứ hai khi cho rằng thị trường bò tót sẽ chưa kiệt sức miễn là nền kinh tế Mỹ chưa rơi vào suy thoái. Các tổ chức tài chính có tầm ảnh hưởng như ngân hàng Goldman Sachs vẫn giữ quan điểm cho rằng các biện pháp cắt giảm thuế của chính quyền Donald Trump cũng như xung lực mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ sẽ giúp thị trường chứng khoán tiếp tục thăng hoa.

Trong báo cáo công bố vào tuần trước, ngân hàng Goldman Sachs nhận định rằng lợi nhuận và doanh thu của doanh nghiệp Mỹ tiếp tục gia tăng, “đà tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục trong năm 2019”. Đối với những nhà phân tích bi quan, hiện tượng hàng loạt cổ phiếu trong nhiều chỉ số thị trường chứng khoán trên toàn cầu rơi vào chu kỳ gấu là điều không thể phớt lờ.

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280794/thi-truong-gau-bao-trum-cac-chi-so-chung-khoan-tren-toan-cau.html