Thị trường lao động chịu nhiều tác động trong quá trình hội nhập

Ngày 13/8, tại Hà Nội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức Hội thảo quốc tế các xu hướng mới về việc làm, an sinh xã hội và phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Theo Bộ LĐTB&XH, phát triển nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động luôn được Chính phủ Việt Nam coi là tiền đề quan trọng để sử dụng có hiệu quả nguồn lao động, góp phần tích cực vào việc hình thành thể chế kinh tế thị trường, đồng thời tận dụng lợi thế để phát triển, tiến kịp khu vực và thế giới.

Để phát triển thị trường lao động, trong những năm qua, Bộ LĐTB&XH đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động, trong đó chú trọng kết nối giữa các địa phương có nhu cầu về nguồn lao động; tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của các trung tâm dịch vụ việc làm, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao kỹ năng và tay nghề cho người lao động.

Tại Hội thảo, bà Cao Thanh Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐTB&XH) cho biết, hiện lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của Việt Nam tính đến quý I/2019 là 55,4 triệu người, trong đó ước tính 54,3 triệu người có việc làm. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của Việt Nam đang tăng dần theo các năm; từ 53% năm 2016 lên 56,1% năm 2017 và 58,6% năm 2018.

Một số điểm nổi bật của thị trường lao động Việt Nam thời gian vừa qua bao gồm việc chuyển dịch theo hướng tốt hơn, số người làm công ăn lương, có quan hệ lao động tăng dần. Tỉ lệ người trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động vẫn duy trì ở mức cao, khoảng 76%. Chất lượng việc làm, thu nhập của người lao động đều đặn được tăng lên, mức độ phân biệt giữa việc trả công cho lao động nam và nữ cũng được thu hẹp. Số lao động làm việc nước ngoài theo hợp đồng cũng tiếp tục tăng.

Mặc dù vậy, đại diện Bộ LĐTB&XH cho rằng, bên cạnh những tín hiệu khả quan, thị trường lao động, việc làm và nguồn nhân lực của Việt Nam cũng vẫn tồn tại những hạn chế cần phải khắc phục như: Cơ cấu lao động của Việt Nam còn khá lạc hậu, về cơ bản Việt Nam vẫn là thị trường nhiều lao động trong nông nghiệp, nông thôn với chất lượng cung lao động thấp, phân bổ chưa hợp lý; vẫn còn một tỷ lệ lớn lao động làm việc trong các nghề giản đơn, không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật; đặc biệt, số người thất nghiệp có trình độ cao đẳng, đại học trở lên vẫn còn cao…

Chính vì vậy, việc trang bị kiến thức kỹ năng cho nguồn nhân lực tương lai trong bối cảnh hội nhập, các giải pháp hợp tác nhằm kết nối cung - cầu lao động hiệu quả hơn là điều vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Theo bà Cao Thị Thanh Thủy, cùng với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự bùng nổ của kỷ nguyên số, thị trường lao động Việt Nam là lĩnh vực được dự báo sẽ chịu nhiều tác động. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự bùng nổ ứng dụng công nghệ số, thiết bị thông minh, robot vào sản xuất như hiện nay, đặt ra cho thị trường lao động Việt Nam nhiều thách thức. Những yếu tố như nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài.

Việt Nam cũng có thể sẽ phải chịu sức ép về vấn đề giải quyết việc làm, vì nước ta có quy mô dân số lớn nhưng chất lượng lao động chưa cao. Khoảng 46 triệu lao động Việt Nam chưa qua đào tạo sẽ đứng trước nguy cơ không có cơ hội tham gia làm những công việc có mức thu nhập cao, bị thay thế bởi lao động robot, trang thiết bị công nghệ thông minh.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cũng khẳng định, trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA), việc làm sẽ tăng nhiều trong các ngành chế biến, tiền lương tăng nhiều hơn trong các doanh nghiệp có xuất khẩu và doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, những nội dung chưa phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế và các công ước quốc tế về quyền lao động trong nhiều vấn đề như: Đối thoại xã hội và thương lượng tập thể, lao động cưỡng bức và lao động trẻ em, quấy rối tình dục tại nơi làm việc...

Để đáp ứng bối cảnh hội nhập, với những xu hướng mới về lao động, việc làm, các đại biểu cho rằng, Việt Nam cần sửa đổi hệ thống luật pháp lao động, việc làm phù hợp với các cam kết trong các FTA, trước hết là phù hợp với các công ước cơ bản của Tổ chức lao động quốc tế. Bên cạnh đó, đổi mới có tính cách mạng về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá và trả công lao động; nghiên cứu, xây dựng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động lớn tuổi, xây dựng chương trình việc làm cho người cao tuổi; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động để gắn kết đào tạo và sử dụng lao động; nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động nhằm cung cấp các thông tin về cơ hội việc làm, chỗ việc làm trống, các khóa đào tạo…

Phương Anh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/lao-dong-viec-lam/thi-truong-lao-dong-chiu-nhieu-tac-dong-trong-qua-trinh-hoi-nhap_t114c7n152611