Thị trường lao động Việt Nam- từ 'vàng' số lượng đến 'vàng' về chất lượng

Thị trường lao động Việt Nam sẽ đứng trước sự lựa chọn nào trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là câu hỏi đã sớm được đặt ra nhưng chưa dễ có câu trả lời. Đi tìm câu trả lời cho vấn đề này là nội dung Diễn đàn khoa học 'Việc làm, tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0' do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức tại Hà Nội.

Kết nối cung cầu là đòi hỏi thực tế của thị trường lao động Việt Nam

Theo các chuyên gia, đặc trưng của cách mạng công nghiệp 4.0 cho phép hỗ trợ con người, giảm sức lao động, tạo ra hàng loạt chuyển biến tích cực về kỹ thuật và công nghệ. Tuy nhiên, nó cũng tác động không nhỏ đến thị trường lao động Việt Nam, nếu người lao động không thích ứng kịp với những yêu cầu từ cuộc cách mạng đó, từ đó sẽ dễ đẩy người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, mất việc làm và nhiều hệ quả xã hội khác.

Theo quan điểm của TS Nguyễn Văn Thuật (Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ KH&ĐT), thị trường lao động của Việt Nam mới chỉ “vàng” về số lượng, chứ chưa “vàng” về chất lượng. TS Thuật dẫn chứng, gần 77% lực lượng lao động của cả nước không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. “Đây là một nút thắt lớn trong trục phát triển kinh tế - xã hội của nước ta và được cho là không dễ khai thông trong “một sớm một chiều”, TS Thuật nhìn nhận.

Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia Vũ Quang Thọ đến từ Viện Công nhân và công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, nguy cơ mất cơ hội tham gia những công việc có mức thu nhập cao, bị đe dọa thay thế bởi robot, trang thiết bị công nghệ thông minh với thị trường lao động Việt Nam là rất lớn.

Đặc biệt nguy cơ đổ vỡ thị trường lao động là rất lớn đến từ việc số người có trình độ đại học cao đẳng thất nghiệp vẫn chiếm tỉ lệ cao, tình trạng doanh nghiệp lớn sa thải lao động từ 35-40 tuổi chưa có xu hướng chấm dứt.

Rõ ràng chuyển trạng thái từ “vàng” về số lượng sang “vàng” về chất lượng phải được coi là ưu tiên hàng đầu của thị trường lao động Việt Nam không chỉ hiện nay mà cả trong thời gian thới, theo quan điểm của TS Nguyễn Văn Thuật.

Các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục phát triển thị trường lao động theo hướng hiện đại hóa với hệ thống khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động phải từng bước được hoàn thiện; các kết quả của thị trường lao động phải được cải thiện căn bản như chất lượng cung lao động tăng lên, cơ cấu cầu lao động chuyển dịch tích cực, tiền lương, thu nhập được cải thiện.

Đặc biệt trong những năm trước mắt, phải khắc phục ngay tình trạng thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao, lao động trong một số ngành công nghiệp mới.

Để thực hiện được các định hướng này, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động- việc làm mang tính “bà đỡ” cho thị trường lao động theo hướng vừa có chính sách hỗ trợ doanh nghệp, vừa hỗ trợ người lao động trong đào tọa và tái đào tạo để thích ứng với bối cảnh mới. Đồng thời tạo bước chuyển rõ nét trong giáo dục nghề nghiệp với việc trạng bị cả tay nghề lẫn thái độ lao động mới.

Kết nối cung cầu trên thị trường lao động vốn là điểm yếu trầm kha của thị trường lao động Việt Nam hàng chục năm qua. Bối cảnh mới đòi hỏi có những dự báo tốt hơn về nhu cầu của doanh nghiệp, các ngành nghề phổ biến. Điều này dẫn đến việc phải hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, khi máy móc thay thế con người thì nhiều lao động với tay nghề thấp sẽ bị mất việc. Do đó, các quốc gia đang phát triển cần quan tâm hơn nữa đến đối tượng lao động sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bằng những chính sách tạo cơ hội việc làm cho họ, nhất là các đối tượng lao động giản đơn. Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ cho câu chuyện này.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thi-truong-lao-dong-viet-nam-tu-vang-so-luong-den-vang-ve-chat-luong-111420.html