Thị trường lình xình, nhà đầu tư chờ đợi mùa báo cáo

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (18/4) thị trường chứng khoán tăng nhẹ, tuy nhiên đến phút đóng cửa, VN-Index đã đổi màu đỏ nhẹ với một giá trị giao dịch khá thấp, chưa tới 1.900 tỷ đồng sau hơn 1 tiếng rưỡi giao dịch cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư chờ đợi mùa báo cáo đang diễn ra...

Thị trường lình xình, nhà đầu tư chờ đợi mùa báo cáo

Hôm qua, thị trường Mỹ đã có một phiên tăng nhẹ, chỉ số Dow Jones tăng 0.3% lên 33,987 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0.33% lên 4.151 điểm, chỉ số Nasdaq Composite tăng 0.28% lên 12,157 điểm.

9h36, thị trường châu Á xanh đỏ đan xen Nikkei 225 tăng 0.65%, ShangHai giảm 0.1%, SZSE Component giảm 0.06%, Hang Seng giảm 0.62%, KOSPI giảm 0.12%, IDX Composite tăng 0.41%, S&P/ASX 200 giảm 0.2%.

Chỉ số phái sinh VN30F2304 mở phiên ATO tăng 0.9 điểm từ 1,064.5 điểm lên 1,065.4 điểm. Vào 9h37 VN30F2304 khớp ở mức 1,064.1 điểm.

Mở cửa phiên giao dịch, VN-Index tăng 2.05 điểm (0.19%) lên 1,055.86 điểm. VN30 tăng 1.61 điểm (0.15%) lên 1,066.63 điểm. HNX-Index tăng 0.56 điểm (0.27%) lên 207 điểm, UPCoM tăng 0.06 điểm (0.08%) lên 78.84 điểm. Trên sàn HOSE tỷ lệ số cổ phiếu tăng giá / số cổ phiếu giảm giá là 193 (1cổ phiếu trần)/76 (1 cổ phiếu sàn).

Rổ VN30 đang có 12 cổ phiếu tăng giá, 12 cổ phiếu giảm giá. 3 cổ phiếu tăng giá tốt nhất trong nhóm VN30 là MWG (2.3%); SAB (1.8%); PLX (1.5%). 3 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trong rổ VIC (-0.6%); BID (-0.7%); BCM (-0.8%).

Tuy nhiên đến giữa phiên, thời điểm 10h30, VN-Index đã đổi màu đỏ nhẹ với một giá trị giao dịch khá thấp, chưa tới 1.900 tỷ đồng sau hơn 1 tiếng rưỡi giao dịch. Tâm lý thận trọng chờ đợi mùa báo cáo đang diễn ra.

Nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng bán ròng rất mạnh với gần 2.000 tỷ đồng trong thời gian nửa tháng nay. Nếu dòng tiền nội không kịp “giải cứu”, thị trường sẽ khó đi lên.

Lãi suất đang giảm mạnh có xu hướng về 7%/năm với lãi suất 12 tháng, lãi suất cho vay đầu ra cùng hạn mức có thể giảm về 10%. Một số ngân hàng đã rải rác xuất hiện thông tin tình hình kinh doanh quý 1/2023 không xấu. SHB có lợi nhuận trước thuế đạt 3.600 tỷ tăng 10% so với cùng kỳ, ACB đạt 5,120 tỷ tăng 24% so với cùng kỳ…

Cùng với việc Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước xem xét giải quyết theo thẩm quyền về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc hiện tại về pháp lý cho các dự án bất động sản. Có lẽ kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm nay sẽ có tăng trưởng tốt. Ngân hàng chưa khó, thị trường chưa đáng ngại.

Kết phiên giao dịch buổi sáng, đà giằng co trong tham chiếu của VN-Index bị suy yếu. VN-Index dừng ở 1,052.22 điểm, giảm 1,59 điểm; khối lượng giao dịch đạt hơn 206.663 triệu đơn vị, tương ứng hơn 3,625.120 tỷ đồng. Toàn sàn có 163 mã tăng giá, 63 mã tham chiếu và 176 mã giảm giá.

Rổ VN30 giảm 2,81 điểm, ở mức 1,062.21 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 48.905 triệu đơn vị, tương ứng 1,146,643 tỷ đồng. Toàn sàn có 10 mã tăng, 2 mã đứng giá và 18 mã giảm. Giảm mạnh nhất là NVL (-24%) và PDR (-2,2%), VPB (-1%), với khối lượng giao dịch lớn đã kéo chỉ số của rổ VN30 mất gần 3 điểm dù cho sự kiên định với sắc xanh của HPG và khối lượng giao dịch lớn thứ hai trong rổ cũng không cản được đà giảm.

HNX-Index tăng nhẹ, ở mức 206.72 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 27.918 triệu đơn vị, tương ứng hơn 425.732 tỷ đồng. Toàn sàn có 60 mã tăng giá, 60 mã đứng giá và 72 mã giảm giá.

Upcom tăng nhẹ, lên 78.73 điểm với khối lượng giao dịch đạt 13.715 triệu đơn vị, tương ứng 225.315 tỷ đồng. Toàn sàn có 112 mã tăng giá, 71 mã đứng giá và 79 mã giảm giá.

Trong phiên giao dịch sáng 18/4/2023, các chỉ số chính biến động trái chiều. Khối lượng giao dịch sụt giảm sâu và gần như chắc chắn sẽ nằm dưới mức trung bình 20 ngày cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong ngắn hạn.

Theo các chuyên gia chứng khoán, tín hiệu kỹ thuật của VN-Index trong phiên giao dịch sáng ngày 18/4/2023 tiếp tục giảm điểm, chỉ số đã giảm 7 phiên trong tổng cộng 10 phiên gần nhất cho thấy áp lực bán mạnh đang hiện diện. Chỉ số đã cắt xuống đường SMA 50 ngày nên rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn sẽ càng tăng cao.

Khối lượng giao dịch tiếp tục sụt giảm sâu và gần như chắc chắn sẽ nằm dưới mức trung bình 20 ngày. Điều này chứng tỏ nhà đầu tư đang rất thận trọng trong ngắn hạn.

Tín hiệu kỹ thuật của HNX-Index cho thấy đã hình thành mẫu hình nến gần giống Doji cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang giằng co mạnh. Chỉ báo MACD đã đảo chiều và cho tín hiệu bán trở lại nên tình hình sẽ trở nên bi quan hơn.

Giá cổ phiếu EIB (Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam) phiên sáng nay đã chịu áp lực bán mạnh ngay sau khi khi đến gần đỉnh cũ tháng 3/2023 (tương đương vùng 20.000 - 21.000). Tín hiệu kỹ thuật cho thấy giá của cổ phiếu này vẫn đang nằm dưới đường SMA 100 ngày cùng với việc khối lượng giao dịch liên tục trồi sụt cho thấy xu hướng trung hạn chưa thực sự lạc quan trở lại. Giá bắt đầu điều chỉnh trong bối cảnh thị trường chung rung lắc và giằng co mạnh.

Tuy nhiên, giá đã vượt qua đỉnh cũ tháng 1/2023 (tương đương vùng 17.000 - 17.800) nên theo lý thuyết phân tích kỹ thuật vùng này sẽ chuyển từ kháng cự thành hỗ trợ trong thời gian tới.

Điểm giao cắt vàng (golden cross) của hai đường SMA 50 ngày và SMA 100 ngày đã xuất hiện từ tháng 3/2023. Giá cũng đang nằm trên cả hai đường này nên khả năng thành công của tín hiệu khá cao. Như vậy, xu hướng trung và dài hạn đã chuyển từ giảm sang tăng.

Sắc xanh lộ diện ở hầu hết các cổ phiếu chế biến thủy hải sản, ANV (3.22%), IDI (2.12%); VHC (2.85%), mặc dù SJ1 đang sàn, ngành thủy hải sản đang có mức tăng tốt nhất thị trường 1.97%.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/thi-truong-linh-xinh-nha-dau-tu-cho-doi-mua-bao-cao-332598.html