Thị trường mới nổi mất 22 tỷ USD, vốn ngoại vào Việt Nam vẫn tăng

(ĐTCK) Hội nghị đầu tư quốc tế với tên gọi “Vietnam Access Day 2014” do Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) và CTCK Bản Việt (VCSC) tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 18 và 19/3/2014 tại TP. HCM.

Hội nghị sẽ tập trung thảo luận những vấn đề mà nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm, trong đó có chủ điểm nếu Việt Nam đàm phán thành công Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì những DN nào, ngành nào sẽ được hưởng lợi? TTCK liệu có đợt bùng nổ như đã từng diễn ra khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế WTO năm 2007 hay không?...

Cũng liên quan đến dòng vốn ngoại, Hội thảo “Dòng vốn ngoại và TTCK 2014” sẽ được CTCK Maybank KimEng tổ chức trong tuần này, nhằm lý giải sức hấp dẫn của TTCK khi 2 tháng qua thị trường chứng kiến hàng nghìn tỷ đồng vốn ngoại mua ròng. Điều gì ẩn chứa sau sự vào cuộc mạnh mẽ của khối ngoại và ngành nào, DN nào có thể tiếp tục nhận được sự quan tâm của dòng vốn này, là các câu hỏi mà nhà đầu tư rất cần được giải đáp.

Dẫn số liệu của Bank of America Merrill Global Research, CTCK MBS cho biết, 2 tháng đầu năm nay, dòng vốn ngoại rút ra khỏi thị trường mới nổi (Emerging market) lên tới 22,2 tỷ USD. Tuy nhiên, điều thú vị là dòng vốn này lại gia tăng đầu tư vào chứng khoán Việt Nam, mà một trong những biểu hiện rõ nét là các quỹ ETF ngoại huy động được lượng vốn lớn để mua cổ phiếu... Trong nước, hết năm 2013, Việt Nam có 9 quỹ đầu tư dạng mở ra mắt và hiện có gần 10 quỹ khác đang trong giai đoạn chuẩn bị thành lập, cũng cho thấy, nhiều nhà đầu tư tổ chức đánh giá triển vọng TTCK Việt Nam là tích cực. Sự vào cuộc của các nhà đầu tư tổ chức, nhất là các công ty quản lý quỹ lớn, là nhân tố có khả năng khích lệ dòng vốn mới vào TTCK Việt Nam.

Nhìn trên bản đồ khu vực, chứng khoán Việt Nam không còn rẻ khi chỉ số PE tại HOSE là 14 lần, HNX là gần 18 lần, trong khi chỉ số này tại TTCK Thái Lan chưa đến 15 lần; tại Malaysia khoảng 17 lần; Philippines 18 lần… Vậy đâu là yếu tố để tin rằng, dòng vốn ngoài biên giới sẽ tiếp tục chọn Việt Nam? Mỗi tổ chức sẽ có lý giải khác nhau trước câu hỏi này, nhưng có 2 yếu tố không thể phủ nhận, đó là TTCK Việt Nam còn non trẻ, nên giá cổ phiếu chưa phản ánh đúng giá trị thực của DN, còn nhiều DN bị định giá thấp. Bên cạnh đó là sự kỳ vọng vào sức bật của nền kinh tế Việt Nam khi đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và bước vào chu kỳ hồi phục kể từ năm 2013.

Chỉ số chứng khoán đã tăng rất mạnh trong 2 tháng đầu năm nay, từ sự hào hứng của nhà đầu tư trong nước và lực đỡ của khối ngoại. Đà tăng của thị trường có bền vững không, chỉ thời gian mới có câu trả lời chính xác, nhưng sự vào cuộc trở lại của khối CTCK lớn trong nỗ lực dẫn dắt dòng vốn ngoại, là một trong những điểm tựa cho niềm hy vọng mới của TTCK Việt Nam.

Người quan sát

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/thi-truong-moi-noi-mat-22-ty-usd-von-ngoai-vao-viet-nam-van-tang-90392.html