Thị trường nông nghiệp công nghệ cao từ câu chuyện 'vua chuối'

Việt Nam sẽ là thị trường tiềm năng phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và câu chuyện 'nho nhỏ' sau đây là minh chứng.

Mời chuyên gia đến tư vấn chuối

Ông Huy, vua chuối, đã thành danh trong nông nghiệp với loại cây thân thuộc ở góc vườn nhà mà hầu như nhà nào tại nông thôn, cũng có. Doanh nhân Võ Quan Huy – Giám đốc công ty TNHH Huy Long An, qua quá trình mày mò phát triển, làm nên thương hiệu chuối Fohla. Hiện ông đang trồng chuối ở Tây Ninh với diện tích 30 ha và ở Long An 70 ha, cho sản lượng 4.000 tấn/năm. Thị trường xuất khẩu rộng lớn của chuối đang được Công ty Huy Long An mở rộng sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… xuất khẩu một cách ổn định, có giá cả cạnh tranh rất cao.

Ông Võ Quang Huy bên vườn chuối cho doanh thu hàng chục tỷ đồng/ năm

Để tăng cường tính hiệu quả ông còn mời chuyên gia trồng chuối từ Philippines vè tư vấn cho hoạt động của trang trại của mình.

Tại hội thảo doanh nhân ASEAN năm 2018, nhiều chuyên gia nhận định rằng: “Đối với lĩnh vực nông nghiệp, bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là áp dụng thành tựu khoa học công nghệ nhằm mục đích thay đổi phương thức sản xuất, làm việc thông qua những thiết bị và phần mềm điều khiển từ xa, như hệ thống tự động hóa, sử dung robot…để tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, cải thiện và nâng cao hiệu quả kinh tế.”

Việc sử dụng những công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến, các ứng dụng công nghệ tự động hóa sẽ có tác động lớn tới ngành nông nghiệp sử dụng công nghệ cao nhằm thúc đẩy mạnh sức sản xuất.

Kỹ thuật làm nông này sẽ được cải tiến trên cơ sở kết hợp các ứng dụng công nghệ sinh học, vật liệu mới, kỹ thuật công nghệ tự động, thiết bị cảm biến kết nối internet, xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng hiện đại bằng các thiết bị tối ưu.

Thị trường màu mỡ cho nông nghiệp

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng ứng dụng khoa học công nghệ và kinh doanh đạt được hiệu quả tốt.

Quy trình sơ chế chuối

Ông Dato Damien Chua – Giám đốc điều hành của JD Resources Ltd cho rằng: “Thị trường Việt Nam đang là mảnh đất “màu mỡ” đối với nông nghiệp, khi đang bước vào giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghệ cơ hội mở ra cho những doanh nghiệp có sức sáng tạo, dám đương đầu với những khó khăn trước mắt, và quan trọng nhất vẫn là tìm thấy được một con đường riêng, một lối đi chính xác phù hợp với sức của mình để có thể chiếm lĩnh được thị trường tạo được thương hiệu riêng cho chính mình”.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng “nông nghiệp 4.0” phải là quy trình tự động hóa từ các khâu chăm sóc, thu hoạch, bảo quản thậm chí làm việc từ xa và không cần đến con người robot được điều khiển từ xa để thay thế con người lao động và hơn thế nữa là phải tự động hóa từ nhà máy tới tay người mua hàng.

Nắm bắt được nhu cầu thị trường và xu hướng thực phẩm hiện nay lẫn tương lai, các doanh nghiệp có tên tuổi cũng đã tham gia đầu tư bài bản cho nông nghiệp. Vingroup với VinEco đang ngày càng khẳng định hướng đi nông nghiệp công nghệ cao là lợi thế hoàn thiện chuỗi giá trị cung ứng trong hệ sinh thái riêng của họ trên thị trường. Thaco, Hòa Phát…và nhiều tên tuổi khác cũng tham gia đầu tư gạo, chăn nuôi... theo cách thức ứng dụng công nghệ để gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Tuy nhiên, nhìn trên diện rộng ở các khu vực có thế mạnh phát triển nông nghiệp, việc ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều, còn ở quy mô nhỏ. cục bộ hoặc theo "truyền thống". Nhiều doanh nghiệp vẫn đang còn loay hoay với tiếp cận vốn và các ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới, màng phủ nông nghiệp, lưới tự động, thủy canh, các loại giống mới cho năng suất cao từ ngoại nhập ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra các giống sạch bệnh ổn định về năng suất, chất lượng, công nghệ cảm biến tự động, công nghệ nano trong bảo quản.

Hệ thống "cáp treo" vận chuyển chuối từ nơi thu hoạch về kho chứa

Việc thiếu thông tin về thị trường, thiếu kiến thức, kinh nghiệm trong việc quảng bá sản phẩm, chi phí thuê đất còn cao, dây chuyền công nghệ đắt đỏ khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ tham gia không dễ dàng tiếp cận nguồn vốn và gặp khó khăn nhiều trong việc thế chấp tài sản để vay vốn.

Theo thực đó, thị trường màu mỡ này vẫn đang được đánh giá tiếp tục "tiềm ẩn tiềm năng", chờ những nhà làm nông nghiệp thời 4.0, mạnh về vốn, bạo vì tiền, sẵn sàng thay đổi cuộc chơi. Những nhà làm nông nghiệp công nghệ cao cũng trên "đà" đó, có thể bắt đầu từ nhỏ, lớn dần lên, mở rộng ra như vua chuối Quan Huy.

Minh Vương

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/nong-nghiep-cong-nghe-tu-nho-dan-lon-128403.html