Thị trường phim Việt bứt phá lớn với 25% thị phần

Thay vì chỉ chiếm khoảng 10% thị phần và có rất ít phim được doanh thu 'trăm tỷ' thì nay phim Việt chiếm tới 25% thị phần toàn quốc và ngày càng có sự chuyển mình rực rỡ.

Để có cái nhìn khách quan cho bước phát triển lớn của nền điện ảnh nước nhà, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Sim Joon Beom - Tổng giám đốc CGV Việt Nam - xoay quanh những yếu tố căn bản tạo sự thành công cho nền điện ảnh Việt.

Là người có nhiều năm quản lý ở lĩnh vực giải trí, âm nhạc và cũng là một trong những nhà đầu tư lớn ở thị trường điện ảnh Việt Nam, ông nhận thấy phim Việt thời gian qua có sự bứt phá ra sao?

Đúng là phim Việt đang trong giai đoạn chuyển mình rực rỡ, nhất là trong giai đoạn hiện tại. Nếu như cách đây 5-6 năm, tôi thấy trung bình 1 năm chỉ có khoảng 9 - 10 phim Việt được ra sản xuất, chiếm khoảng 10% thị phần, rất ít trong số đó có được doanh thu “trăm tỷ”, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, mỗi năm có từ 30 - 40 phim được sản xuất, chiếm khoảng 25% thị phần toàn quốc, đó là một bước phát triển lớn. Bên cạnh đó, danh sách phim Việt gia nhập “câu lạc bộ trăm tỷ” cũng ngày càng nhiều.

Ông Sim Joon Beom -Tổng giám đốc CGV Việt Nam

Ông Sim Joon Beom -Tổng giám đốc CGV Việt Nam

Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2019, phim Việt đã hoàn toàn áp đảo tại các rạp chiếu, chiếm hơn 50% thị phần nhờ vào các bộ phim chất lượng tốt như: Hai Phượng, Trạng Quỳnh, Cua lại vợ bầu, Vu quy đại náo... Thành công này đến từ chính chất lượng phim tốt, phù hợp với thị hiếu khán giả, nắm bắt được xu hướng của thị trường.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành giải trí tại Hàn Quốc, ông có thể chia sẻ bí quyết để điện ảnh Hàn Quốc phát triển mạnh như hiện tại?

Vào thập niên 70-80, thị trường điện ảnh Hàn Quốc hầu như không phát triển. Tuy nhiên, với những nỗ lực từ các đơn vị trong ngành và áp dụng mô hình mà chúng tôi gọi là “vòng tròn phát triển”, điện ảnh Hàn Quốc đã phát triển nhanh và vươn xa ngoài lãnh thổ. Trọng tâm của mô hình này chính là các bộ phim nội địa chất lượng cao.

Phải nói thêm, khoảng 20 năm trước, tại Hàn Quốc chỉ có khoảng 50-60 phim Hàn ra rạp mỗi năm, nhỉnh hơn chút ít so với số lượng phim Việt hiện nay. Nhưng sau đó thì đã có sự thay đổi bằng việc đẩy mạnh phát triển các cụm rạp. Và đến nay, số lượng rạp chiếu phim trên toàn quốc tăng rất nhanh, với hơn 3.000 màn hình. Điều này giúp người dân tại hầu hết các thành phố lớn, nhỏ và cả các khu vực vùng sâu vùng xa đều dễ dàng đến rạp, góp phần làm tăng doanh thu cho các bộ phim.

Bên cạnh đó, các nhà phát hành phim hỗ trợ mạnh mẽ khâu phân phối và tiếp thị, nhằm khuyến khích nhà sản xuất đẩy mạnh cả về số lượng và chất lượng của các tác phẩm.

Còn với nhà đầu tư, họ đầu tư mạnh mẽ, kể cả với các thể loại phim khó, và cả khi họ không đạt được mục tiêu lợi nhuận thì vẫn tiếp tục đầu tư, bởi họ hướng đến tiềm năng phát triển lâu dài trong tương lai.

Điều đáng nói, Chính phủ Hàn Quốc rất nỗ lực khuyến khích nền điện ảnh phát triển qua nhiều hoạt động thiết thực: Tổ chức các chương trình điện ảnh tầm cỡ quốc tế như Liên hoan phim Busan, khuyến khích các đơn vị đưa phim đi quảng bá tại các liên hoan phim lớn và hội chợ điện ảnh trên toàn cầu.

Chính nhờ sự chung tay cho một mục tiêu “cùng phát triển” của tất cả đơn vị trong ngành đã tạo nên chìa khóa thành công cho nền điện ảnh Hàn Quốc.

Nếu áp dụng với nền điện ảnh Việt Nam thì theo ông yếu tố cần nhất là gì?

“Chất lượng” là yếu tố tiên quyết để làm nên một bộ phim hay. Việc sản xuất được ngày càng nhiều phim tốt và thu hút được công chúng là nền tảng quan trọng nhất cho sự phát triển của điện ảnh Việt. Do đó, để đẩy mạnh được đà phát triển vốn có thì tất cả các đơn vị trong ngành phải cùng chung tay vì lợi ích chung của nền điện ảnh nước nhà.

Đối với nền điện ảnh Việt, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng bài học kinh nghiệm quý báu này. Chúng tôi đang hướng đến các bên liên quan như các cơ quan ban ngành, các nhà đầu tư, nhà sản xuất, nhà phát hành, các cụm rạp... cùng áp dụng mô hình “vòng tròn phát triển” như đã trình bày ở trên. Nếu cùng nhau nỗ lực, chúng ta hoàn toàn có thể đưa nền điện ảnh Việt phát triển mạnh mẽ như Hàn Quốc theo một cách “rất Việt Nam”.

Cụm rạp CGV đã hoạt động tại Việt Nam từ những năm 2005 - một thời gian đủ để “thấu hiểu” thị trường điện ảnh Việt, vậy CGV có kế hoạch gì hỗ trợ các bộ phim Việt ra rạp trong thời gian tới?

Hỗ trợ và giới thiệu phim Việt đến đông đảo khán giả trên cả nước là ưu tiên hàng đầu của CGV. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ phát hành tất cả các bộ phim Việt tại rạp CGV và các cụm rạp khác trên toàn quốc. Cùng với đó, chúng tôi triển khai nhiều kế hoạch truyền thông, quảng bá và tư vấn hiệu quả về thời điểm phát hành cho từng bộ phim. Nhu cầu giải trí và xem phim của khán giả là rất lớn, các cụm rạp luôn cần các bộ phim Việt hay để chiếu phục vụ khán giả.

Trong tháng 4 này, chúng tôi đã và đang tích cực truyền thông nhằm hỗ trợ hai phim Việt sắp ra rạp, đồng thời thực hiện nhiều khảo sát trước và sau khi công chiếu để điều chỉnh kế hoạch marketing phù hợp. “Lật mặt: Nhà có khách” được tung ra trước Avengers hai tuần là một lợi thế lớn khi các bộ phim cũ đã hạ nhiệt, còn bom tấn mới chưa ra mắt. Đối với “Thiên Linh Cái”, dự kiến ra mắt vào ngày 19/4 cũng tích cực được quảng bá trên các kênh thông tin của CGV. Đồng thời, chúng tôi chủ động lùi lịch ra mắt phim “The Curse of La Llorona” sang tháng 5 để “nhường sân khấu” cho Thiên Linh Cái.

Tôi vẫn muốn nhấn mạnh, điều quan trọng nhất để làm nên một bộ phim thành công không chỉ đến từ những nỗ lực truyền thông hay quảng cáo, mà đến từ chất lượng của bộ phim và sự đón nhận của khán giả.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Tâm thực hiện

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thi-truong-phim-viet-but-pha-lon-voi-25-thi-phan-118236.html