Thị trường rằm tháng 7: Trái cây nội hút khách

Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày rằm tháng 7, hay còn được gọi là lễ Vu Lan báo hiếu, thời điểm này, tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống, nhiều mặt hàng trái cây được bày bán, trong đó, các đặc sản địa phương như nhãn lồng Hưng Yên, na Lạng Sơn… hút khách người tiêu dùng Thủ đô.

Sôi động thị trường rằm tháng 7

Trong dân gian có quan niệm rằng lễ cúng rằm tháng 7 không nhất thiết phải chọn ngày đẹp, cứ trước ngày 15/7 âm lịch và lễ cúng tiến hành vào ngày có thời gian, thành tâm là được. Thông thường dân gian sẽ cúng từ 2 - 14/7 âm lịch. Vì vậy, nhu cầu mua sắm trái cây, hoa tươi nhưng ngày này tăng, khiến giá bán những mặt hàng này bắt đầu tăng giá.

Nhãn Hưng Yên bán tại siêu thị Big C thu hút đông đảo người tiêu dùng Thủ đô đến thăm quan và mua hàng

Nhãn Hưng Yên bán tại siêu thị Big C thu hút đông đảo người tiêu dùng Thủ đô đến thăm quan và mua hàng

Nhãn đường phèn có giá 140.000 đồng/kg, nhãn lồng Hưng Yên có giá 100.000 đồng/kg, một số giống nhãn lai bán với giá 69.000 đồng/kg… được bày bán tại Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên tại siêu thị Big C được diễn ra từ ngày 9 - 15/8 đúng vào dịp lễ Vu Lan nên đã thu hút đông đảo người tiêu dùng Thủ đô đến thăm quan và mua hàng.

Chị Bùi Thị Phúc Thảo (Thanh Xuân, Hà Nội), chia sẻ, năm nay nhãn mất mùa, nếu mua nhãn ngoài chợ truyền thống giá bán cũng phải 60.000 đồng/kg. Đến với Tuần lễ, tôi đã mua sản phẩm chính hiệu nhãn Hưng Yên vừa để gia đình thắp hương, làm quà. “Nhãn ngoài chợ truyền thống, không ai kiểm soát chất lượng, trong khi nhãn Hưng Yên bán tại siêu thị Big C có thương hiệu, được dán tem truy xuất nguồn gốc với đầy đủ thông tin, sản phẩm trồng theo quy trình VietGAP, đảm bảo chất lượng nên dù đắt hơn bên ngoài tôi vẫn mua”, chị Bùi Thị Phúc Thảo cho hay.

Khảo sát tại Hà Nội, một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất cả nước, hiện nhãn đang được bán khá nhiều trong các siêu thị, chợ truyền thống, hay các tuyến đường, với mức giá dao động từ 55.000 – 70.000 đồng/kg. Theo các tiểu thương bán hoa quả ở chợ Kim Liên, nếu như năm trước, đầu mùa nhãn có giá từ 30.000 – 40.000 đồng/kg và chính vụ giảm xuống còn 12.000 – 15.000 đồng/kg, thì năm nay giá nhãn đã tăng gấp đôi.

Nguyên nhân do, năm nay thời tiết thất thường, nhãn mất mùa, do đó, vào chính vụ giá nhãn cũng sẽ không giảm nhiều như năm ngoái. Hiện, đang vào dịp lễ Vu Lan, cùng với các thứ hoa quả chính vụ như: na, măng cụt, chôm chôm… thì nhãn bán cũng rất đắt hàng. “Trung bình mỗi ngày tôi bán được từ 50 – 70kg. Rằm tháng 7 âm lịch, nhiều gia đình thường mua để thắp hương trước, từ hôm mùng 9 đến nay, lượng bán thường tăng gấp 3 ngày thường” – chị Trần Thị Hoa tiểu thương chợ Kim Liên thông tin.

Cùng với nhãn, na cũng là mặt hàng được người tiêu dùng Thủ đô lựa chọn. Theo chia sẻ của các tiểu thương kinh doanh hoa quả tại chợ Thành Công, Kim Liên, hiện giá na cũng nhiều loại. Tại hệ thống chợ truyền thống na dai loại I quả to 3 - 4 quả/kg giá từ 65.000 - 75.000 đồng, loại 5 - 6 quả/kg giá dao động từ 50.000 – 55.000 đồng, Na quả nhỏ có mức giá trên thị trường hiện nay trung bình khoảng từ 30.000đ/kg đến 50.000đ/1kg. Đặc biệt loại na bở giá đắt gấp 2 - 3 lần na dai, được bán với giá từ 100.000 - 130.000 đồng/kg, na bở loại 1 quả to giá từ 150.000 - 160.000 đồng/kg. Mặc dù giá bán tăng cao nhưng sức tiêu thụ không giảm mà ngược lại. Chị Nguyễn Thu Trang (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, na là sản phẩm mùa vụ, ngày rằm tháng 7 chị cũng muốn mua "của sớm, của mới" về để thắp hương gia tiên. "Trái cây Việt rất ngon, hiện các nhà vườn cũng đã chú trọng sản xuất sản phẩm sạch. Do đó, tôi thường ưu tiên lựa chọn trái cây Việt mua để gia đình sử dụng, mua đi biếu hoặc làm quà", chị Trang cho biết thêm.

Lý giải nguyên nhân khiến giá bán na bở mặc dù đắt hơn na dai nhưng vẫn được nhiều người tìm mua, các tiểu thương kinh doanh hoa quả cho biết, do na bở có nhược điểm khi chín dễ bị nát, khó vận chuyển. Ngoài ra, các năm trước đây thương lái không chuộng tiêu thụ na bở, giá bán lại không được cao nên các nhà vườn chặt bỏ hết để trồng na dai dẫn đến mất cân đối cung cầu các năm sau. Tuy giá bán khá cao nhưng na vẫn được nhiều người tiêu dùng chọn mua.

Không chỉ các loại trái cây tăng giá mà hoa tương cũng trong tình trạng tương tự. Giá hoa cúc vàng Đà Lạt ở mức 6.000 đồng/bông, 1 bó hoa cúc vàng Đà Lạt 3 cành giá 25.000 đồng/ bó, hoa hồng phổ biết ở mức 7.000 – 10.000 đồng/bông. Các tiểu thương kinh doanh hoa tươi cho biết, giá hoa tăng không chỉ bởi nhu cầu thị trường tăng cao mà còn do các làng trồng hoa như Tây Tựu, Mê Linh vừa trải qua một đợt nắng nóng khiến lượng hoa cung ứng giảm mạnh.

Sản xuất sạch, và hiệu quả của công tác xúc tiến

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Thơ – Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên – cho hay, năm 2019, sản lượng nhãn dự kiến của tỉnh Hưng Yên đạt trên 30.000 tấn, bằng 70% so với năm ngoái, tuy nhiên, nhãn được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, cạnh đó, với việc đầu tư bao bì nhãn mác, dán tem truy xuất nguồn gốc, nhãn Hưng Yên đã từng bước nâng cao thương hiệu, giá trị và được đông đảo người tiêu dùng Thủ đô và cả nước đón nhận. Cạnh đó, cùng với hiệu ứng từ các hoạt động xúc tiến các năm trước, vụ nhãn năm 2019 có nhiều đơn vị đã trực tiếp đến Hưng Yên để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho các HTX và người dân trồng nhãn tại Hưng Yên. Đối với các hộ nông dân trồng nhãn, dù vụ mùa năm nay sản lượng có giảm, nhưng giá bán cao đã đem lại nguồn thu đáng kể, cải thiện đời sống cho người dân.

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Đinh Hữu Học - Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Na Chi Lăng có những đặc trưng riêng biệt như mẫu mã đẹp, mắt to, vị ngọt thanh mát, cùi dầy ít hạt, có hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao. Vụ na năm 2019, huyện Chi Lăng không khuyến khích tăng sản lượng na, mà thay vào đó là tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị quả na Chi Lăng. Cùng với việc đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm, đến nay, sản phẩm Na Chi Lăng đã được người tiêu dùng đón nhận.

Trong bối cảnh trái cây ngoại đang tràn vào Việt Nam với mức giá hấp dẫn “chưa từng có”, thì nhiều đặc sản địa phương vẫn từng bước khẳng định được chỗ đứng và vị trí của mình tại thị trường nội địa. Đây chính là “trái ngọt” các địa phương đã nhận được khi chú trọng nâng cao chất lượng, sản xuất đúng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc và mục tiêu cuối cùng là hướng đến người tiêu dùng.

Nguyễn Hạnh - Hoàng Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thi-truong-ram-thang-7-trai-cay-noi-hut-khach-123649.html