Thị trường sách thiếu nhi Việt Nam - châu Á đang rộng mở

Hoạt động xuất bản sách cho thiếu nhi thời gian qua khá sôi động với những dòng sách hay, đẹp và có sức hấp dẫn với đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi.

Ông Lê Hoàng phát biểu khai mạc Hội sách Thiếu nhi châu Á tại Singapore. Ảnh: Yến Vũ.

Đôi nét về ngành xuất bản của Việt Nam

Trong dòng chảy lịch sử, nghề làm sách mà sau này phát triển thành ngành xuất bản đã xuất hiện ở Việt Nam khá sớm, từ triều Lý khoảng thế kỷ X, cùng sự ra đời của làm giấy và khắc ván in gỗ.

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, bước vào thời kỳ hiện đại, song hành cùng bước phát triển của đất nước Việt Nam, ngành Xuất bản, In và Phát hành đang có bước chuyển mình mạnh mẽ thực hiện chuyển đổi số, phát triển bền vững.

Năm 1986 đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời mở ra cơ hội cho sự phát triển của ngành xuất bản Việt Nam. Đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, dù đối mặt nhiều thách thức lớn do tình hình biến động kinh tế, chính trị toàn cầu, cạnh tranh thương mại thế giới, dịch bệnh Covid và những tác động tiêu cực của văn hóa nghe nhìn, mạng xã hội, xuất bản Việt Nam vẫn đạt bước phát triển khá tốt với mức tăng trưởng trên 5%/năm. Riêng năm 2022, tốc độ tăng trưởng của ngành xuất bản Việt Nam đạt gần 27% về sản lượng, 9% về doanh thu.

Năm 2022, ngành xuất bản Việt Nam đã xuất bản được trên 40.000 tựa sách; gần 600 triệu bản sách; đưa tỷ lệ sách sản xuất bình quân/người/năm đạt 6 bản.

Hệ thống xuất bản Việt Nam ngày càng phát triển mạnh với 57 nhà xuất bản của Nhà nước; trên 550 doanh nghiệp kinh doanh xuất bản.

Nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc phát hành sách nói đã đem lại những hiệu quả đặc biệt ấn tượng.

Trong khi số lượng doanh nghiệp tham gia sản xuất xuất bản phẩm điện tử không tăng, nhưng sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp công nghệ đã cho thấy tính hiệu quả cùng sự tăng trưởng ấn tượng của một số startup như: Công ty TNHH WeWe với ứng dụng sách nói Voiz FM, Công ty Cổ phần Fonos với nền tảng sách điện tử Fonos, Công ty Cổ Phần Đầu Tư Và Phát Triển Giải Pháp Công Nghệ V&V với các nền tảng quảng bá và phát hành sách trên Internet… cùng nhiều doanh nghiệp khác đã và đang tạo dựng diện mạo mới cho ngành xuất bản trên không gian số.

Tuy nhiên, doanh thu ngành xuất bản Việt Nam chưa cao như kỳ vọng, với khoảng trên 150 triệu USD/năm. Thị trường sách nói khoảng 5 triệu USD.

Thị trường sách thiếu nhi Việt Nam

Hoạt động xuất bản sách cho thiếu nhi thời gian qua khá sôi động với những dòng sách hay, đẹp và có sức hấp dẫn với đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi. Hiện có trên 20 nhà xuất bản và doanh nghiệp xuất bản tham gia xuất bản sách thiếu nhi.

Chất lượng, kỹ, mỹ thuật sách thiếu nhi Việt Nam đang ngang tầm các nền xuất bản phát triển khu vực và thế giới.

Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam

Các nhà xuất bản và đơn vị làm sách đã không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo để tạo ra những cuốn sách, bộ sách đủ sức cuốn hút đối với các em nhỏ thông qua khả năng kích thích các giác quan và trí tưởng tượng, khơi dậy niềm đam mê của trẻ em.

Nhiều cuốn sách, bộ sách đã thực sự gây ấn tượng với muôn hình, muôn vẻ không chỉ nói được nỗi lòng của trẻ em mà còn mở ra không gian trải nghiệm văn hóa truyền thống đặc sắc thông qua ngôn ngữ hài hước, dí dỏm.

Nhiều nhà xuất bản đã mạnh dạn đầu tư, kỳ công tạo dựng những diện mạo mới cho tác phẩm văn học thiếu nhi, đem đến trải nghiệm đọc sách không giới hạn cho trẻ thông qua các cuốn sách lật mở, sách có mùi hương, sách chiếu bóng, sách chuyển động đa ngữ…

Lượng sách thiếu nhi được xuất bản tại Việt Nam trong 5 năm qua:

Để nâng cao chất lượng sách thiếu nhi, đòi hỏi các nhà xuất bản phải không ngừng nỗ lực tìm kiếm, đặt hàng những tác giả viết hay với nhiều ý tưởng mới, sáng tạo. Đồng thời cần phải hướng tới phát triển các dòng sách đẹp, hiện đại như artbook (sách tranh), pop-up (sách 3D, dựng hình), sách đa phương tiện (sách chuyển động, sách nói, sách song ngữ kèm phần đọc)… để có thể hấp dẫn các thế hệ độc giả nhỏ tuổi. Chất lượng, kỹ, mỹ thuật sách thiếu nhi Việt Nam đang ngang tầm các nền xuất bản phát triển khu vực và thế giới.

Ngoài khu vực sách thiếu nhi trên, Việt Nam còn có khoảng 600 tựa sách giáo khoa, bổ trợ giáo khoa với số lượng gần 260 triệu bản/năm.

Tranh minh họa từ Việt Nam được sử dụng trên các xuất bản phẩm ở hội sách. Ảnh: AFCC.

Cơ hội, triển vọng

Việt Nam có 100 triệu dân trong đó có 25,2% là dưới 15 tuổi. Tỷ lệ trẻ em học tiểu học đạt 98%, trung học cơ sở chiếm 93,1% và trung học phổ thông chiếm 79,1%. Kỹ năng đọc cơ bản (đọc hiểu 90% số từ, trả lời 3 câu hỏi và trả lời câu hỏi suy luận) ở lứa tuổi 10-14 của Việt Nam là 90,4%.

Việt Nam rất quan tâm phát triển văn hóa đọc. Việt Nam có Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào 21/4. Có nhiều đường sách, phố sách đẹp. Có trung tâm sách lớn, hiện đại.

Ông Lê Hoàng

Việt Nam đứng thứ 12 trên thế giới với trên 72 triệu người (chiếm 70,3% dân số) sử dụng Internet. Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin (sử dụng 1/9 hoạt động cụ thể liên quan đến máy tính) ở độ tuổi 15-19 là 42% với nữ, 44% với nam.

Kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng tốt, kể cả những năm chịu tác động của đại dịch Covid-19. Năm 2022 đạt 408,8 tỷ USD; nếu tính theo tỷ giá sức mua ở mức khoảng 997 tỷ; đứng thứ 3 ở Đông Nam Á, đứng thứ 11 ở châu Á, đứng thứ 33 ở thế giới.

Lãnh đạo Việt Nam rất quan tâm đến hoạt động xuất bản, tạo nhiều điều kiện để xuất bản có sự phát triển tốt. Ở Việt Nam, xuất bản được xác định là một lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của Đảng, Nhà nước, là một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam. Việt Nam là một trong ít quốc gia có Luật Xuất bản; có chiến lược phát triển xuất bản và chuyển đổi số trong xuất bản.

Dù chưa phát triển như kỳ vọng nhưng với năng lực hiện nay (Việt Nam có nhiều doanh nghiệp phát hành sách lớn, trong đó có những doanh nghiệp như FAHASA nằm trong top 500 đơn vị bán lẻ hàng đầu Châu Á suốt nhiều năm) đủ khả năng đưa sách đến bạn đọc.

Việt Nam rất quan tâm phát triển văn hóa đọc. Việt Nam có Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào 21/4. Có nhiều đường sách, phố sách đẹp, có trung tâm sách lớn, hiện đại.

Với lý do trên, xuất bản Việt Nam nói chung, thị trường sách thiếu nhi Việt Nam nói riêng đang mở cơ hội lớn cho các nhà xuất bản Việt Nam; đồng thời cũng là cơ hội cho các nhà xuất bản các nước trong cộng tác với các nhà xuất bản Việt Nam trên các phương diện, đặc biệt giao dịch bản quyền.

Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thi-truong-sach-thieu-nhi-viet-nam-chau-a-dang-rong-mo-post1434183.html