Thị trường sản xuất thiết bị y tế: Doanh nghiệp vẫn... 'vướng'

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng để sản xuất các trang thiết bị y tế, tuy nhiên, điều cản trở lớn nhất hiện nay chính là hoạt động sản xuất còn nhiều bất cập.

Theo nhận định của các chuyên gia, thực trạng của ngành sản xuất thiết bị y tế còn nhiều vấn đề do hầu hết doanh nghiệp thành lập mới hoặc chuyển đổi sang sản xuất trang thiết bị y tế (đặc biệt là khẩu trang) trong thời gian rất ngắn. Các doanh nghiệp không nắm rõ chính sách, hành lang pháp lý, giấy tờ, chứng nhận cần thiết trong sản xuất và xuất khẩu và rất khó khăn trong việc tìm kiếm đơn vị uy tín tư vấn về pháp lý để đạt tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, mẫu hợp đồng quốc tế chưa có chuẩn cũng gây khó khăn đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất, các doanh nghiệp cũng còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn cung cấp ổn định. Nguồn nguyên liệu không đạt chuẩn. Giá đầu vào nguyên liệu thay đổi liên tục. Nhập khẩu nguyên liệu và máy móc khó khăn, hầu hết là từ Trung quốc; Thiếu chuyên gia tư vấn, giám sát và kiểm soát trong quá trình sản xuất; Thiếu quy trình sản xuất; Hệ thống máy móc, dây chuyền không đồng bộ; Nhân công trình độ chuyên môn thiếu kinh nghiệm…

 Do còn vướng nhiều bất cập nên thị trường Việt Nam chưa thể đẩy mạnh sản xuất thiết bị y tế

Do còn vướng nhiều bất cập nên thị trường Việt Nam chưa thể đẩy mạnh sản xuất thiết bị y tế

Ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty TNHH May túi xách Minh Tiến (Miti) cho biết, khi dịch bệnh tại Việt Nam được kiểm soát, nhu cầu khẩu trang chống dịch giảm, nhưng nhu cầu khẩu trang của các nước như Mỹ, châu Âu là rất lớn. Nắm bắt nhu cầu đó các doanh nghiệp quay sang sản xuất mặt hàng này để xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện hợp đồng xuất khẩu, nhà xuất khẩu phải tuân thủ theo một số các quy định mới phát sinh áp dụng trong mùa dịch, trong đó việc đáp ứng các yêu cầu về thủ tục thông quan và chứng từ cần thiết đặt ra những khó khăn cho nhà xuất khẩu. Điều này đòi hỏi nhà nhập khẩu phải tìm hiểu và nắm vững các quy định và yêu cầu nêu trên để có thể xuất khẩu thành công, hạn chế rủi ro.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến hết năm 2020, thế giới cần 2,2 tỷ khẩu trang phẫu thuật, 1,1 tỷ găng tay y tế, 13 triệu kính bảo hộ và 8,8 triệu tấm che mặt phục vụ phòng, chống lây nhiễm Covid-19.

Việt Nam hiện có khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất mặt hàng phòng, chống dịch Covid-19, như: khẩu trang, găng tay y tế, kính bảo hộ y tế, quần áo phòng dịch. Trước nhu cầu gia tăng mặt hàng này trên thế giới, các cơ sở sản xuất trong nước cần tăng công suất lên 40%.

Ông Nguyễn Trần Khánh Hoàng, CEO Công ty TNHH Super Cargo Service cũng cho hay, hiện Chính phủ đã có nhiều chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất, xuất khẩu thiết bị bảo hộ y tế. Nhiều doanh nghiệp cũng đã kịp thời đón đầu được nhu cầu thực tế nên đã chủ động tìm kiếm đối tác và sẵn sàng cho việc xuất khẩu các mặt hàng này. Tuy nhiên, hiện việc xuất khẩu thiết bị bảo hộ y tế của các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do chưa có sự tìm hiểu trước các yêu cầu về thủ tục, giấy tờ, chứng nhận FDA và CE của nước sở tại nhập khẩu các mặt hàng đó. Bởi mỗi nước có một quy định riêng và một mức thuế nhập khẩu riêng.

Điển hình như để xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế vào EU, các doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn của EU về mặt hàng này như dán nhãn CE (thích ứng với các quy định của EU) hoặc đáp ứng bộ tiêu chuẩn mà EU đang phối hợp cùng các nước thành viên đưa ra trong trường hợp chưa có nhãn CE – để xuất khẩu vào riêng từng quốc gia. Do vậy, có những đơn hàng do không tìm hiểu rõ quy định đã xuất khẩu sang nước sở tại nhưng không đáp ứng thủ tục để nhập khẩu nên buộc phải trả về gây dư thừa, thiệt hại về kinh tế nếu không tiêu thụ được ở các thị trường khác.

Nhận định về vấn đề này, một đại diện của Viện Nghiên cứu phát triển bán hàng và chăm sóc khách hàng thuộc Hệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, bên cạnh việc chưa nắm được chính sách, thủ tục nhập khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu trang thiết bị y tế còn găp khó khăn do hiện nay đang nhiều thông tin nhiễu loạn thị trường, không có nguồn thông tin chính thống, không có đơn vị kiểm soát thông tin. Ngoài ra, đầu ra thị trường xuất khẩu các nước chưa đo lường được, chưa nắm rõ quy mô thị trường trong nước và quốc tế cũng là rào cản rất lớn cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp...

Bảo Linh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/san-xuat-thiet-bi-y-te-doanh-nghiep-van-vuong-d174876.html