Thị trường tài chính 24h: Nhiều yếu tố hỗ trợ lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm 2023

VN-Index giảm nhẹ; Lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng ra sao trong năm 2023?; Bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết: Những mảng sáng hy vọng; Điểm danh những cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công; Thị trường khí đốt tự nhiên trở nên ổn định hơn dự kiến…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 6/1 giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã tăng trở lại 200.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 66,30 – 67,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 21,7 USD xuống 1.833,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng gần như chỉ dao động nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,40 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 6/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.605 đồng/USD, tăng 2 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.310 – 23.630 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giằng co nhẹ 16.800 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục xu hướng này cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,05 USD (+0,07%), lên 73,72 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,04 USD (+0,05%), lên 78,69 USD/thùng.

VN-Index giảm nhẹ

Sau phiên sáng tăng chạm 1.060 điểm, thị trường bước vào phiên chiều đã yếu đà, khi bảng điện tử đảo chiều với sắc đỏ chiếm ưu thế, nhóm bluechip cũng hạ nhiệt, kéo theo VN-Index lùi dần về tham chiếu và có thời điểm giảm về dưới 1.050 điểm, trước khi kịp lấy lại mốc này ở những phút cuối.

Như vậy, trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2023, VN-Index với 3 trên 4 phiên tăng điểm đã tăng tổng cộng 44,35 điểm, tương đương +4,4%.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 15,78 triệu đơn vị, giá trị mua ròng đạt 368,63 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 6/1: VN-Index giảm 4,38 điểm (-0,41%), xuống 1.051,44 điểm; HNX-Index giảm 2,45 điểm (-1,15%), xuống 201,65 điểm; UpCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,1%), xuống 72,75 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Các chỉ số chính của Phố Wall giảm vào thứ Năm (5/1) khi có bằng chứng mới về thị trường lao động vẫn mạnh mẽ làm sâu sắc thêm nỗi lo về việc Fed sẽ giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn.

Báo cáo Việc làm Quốc gia của ADP cho thấy, trong tháng 12 khu vực tư nhân Mỹ đã tạo thêm 235.000 việc làm mới, cao hơn khá nhiều con số 182.000 trong tháng 11, trong khi các nhà kinh tế dự báo chỉ tăng 150.000.

Một thị trường lao động mạnh mẽ là mối lo ngại đối với các thị trường, vì nó mang lại cho Fed một lý do để tiếp tục thắt chặt các điều kiện tài chính lâu hơn dự kiến trong năm nay.

Kết thúc phiên 5/1, chỉ số Dow Jones giảm 339,69 điểm (-1,02%), xuống 32.930,08 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 44,87 điểm (-1,16%), xuống 3.808,10 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 152,32 điểm (-1,47%), xuống 10.305,24 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản đảo chiều tăng, khi các nhà đầu tư nhanh tay mua mạnh các cổ phiếu giảm giá do đồng yên suy yếu so với đồng USD.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,59% lên 25.973,85 điểm. Chỉ số mất 0,46% trong tuần. Chỉ số Topix tăng 0,37% lên 1.875,76 và mất 0,84% trong tuần.

Chihiro Ohta, Trợ lý tổng giám đốc nghiên cứu đầu tư và dịch vụ nhà đầu tư tại SMBC Nikko Securities, cho biết: “Đồng yên tăng giá so với đồng USD kể từ khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản điều chỉnh chính sách ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư nhưng xu hướng này đã thay đổi vào ngày hôm qua”.

Các cổ phiếu lớn trên Nikkei 225 đã nâng chỉ số, với nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron tăng 3,51%, SoftBank Group tăng 1,24% và nhà sản xuất dược phẩm Daiichi Sankyo tăng 3,51%.

Cổ phiếu Sony Group tăng 2,41% và Honda Motor tăng 1,93% sau khi chủ tịch của Sony Honda Mobility cho biết liên doanh xe điện non trẻ của họ đang thảo luận sớm về một đợt IPO tiềm năng để huy động tiền mặt.

Chứng khoán Trung Quốc đã ghi nhận chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp, nhờ kỳ vọng của các nhà đầu tư rằng nền kinh tế sẽ sớm thoát khỏi những khó khăn do COVID gây ra và phục hồi mạnh mẽ vào năm 2023.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,07% lên 3.157,64 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,31 lên 3.980,89 điểm và tăng 2,8% trong tuần.

“Tâm lý cổ phiếu hạng A phục hồi đều đặn sau năm mới. Chúng tôi cho rằng số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào tháng 1... số ca nhiễm đạt đỉnh sớm hơn cho thấy hoạt động kinh tế sẽ bình thường hóa sớm hơn. Do đó, chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế sẽ bắt đầu phục hồi mạnh mẽ vào quý 2 năm 2023,” các nhà phân tích của JPMorgan viết trong một lưu ý.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 20 tỷ nhân dân tệ (2,9 tỷ USD) cổ phiếu Trung Quốc thông qua Chương trình kết nối chứng khoán trong tuần này, mức mua hàng tuần lớn nhất kể từ ngày 2/12/2023.

Chứng khoán Hồng Kông giảm do áp lực chốt lời diễn ra, nhưng mức giảm không lớn và ghi nhận tuần tốt nhất trong 6 tháng.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,29% xuống 20.991,64 điểm, nhưng tăng 6,1% trong tuần. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,4% xuống 7.143,64 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng và đóng cửa tuần đầu tiên của năm 2023 tích cực, khi các nhà sản xuất chip hạng nặng phục hồi, sau khi các nhà đầu tư đặt cược vào triển vọng thay đổi trong lĩnh vực bán dẫn.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 25,32 điểm, tương đương 1,12% lên 2.289,97 điểm và tăng 2,4% trong tuần, mức tăng tuần đầu tiên sau 8 tuần.

Trong đó, hai gã khổng lồ chip là Samsung Electronics và SK Hynix lần lượt tăng 6,69% và 10,0%, đánh dấu tuần tốt nhất của họ kể từ đầu tháng 1/2021.

Đầu tuần này, Hàn Quốc đã triển khai kế hoạch giảm thuế lớn cho các công ty bán dẫn và công nghệ khác đầu tư tại quê nhà.

“Kỳ vọng ngày càng tăng rằng, giá chip hiện đang giảm sẽ sớm chạm đáy và hồi phục vào một thời điểm nào đó trong quý này, sớm nhất hoặc vào quý sau”, Seo Sang-young, nhà phân tích của Mirae Asset Securities cho biết.

Kết thúc phiên 6/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 153,05 điểm (+0,59%), lên 25.973,85 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,42 điểm (+0,77%), lên 3.157,64 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 60,53 điểm (-0,29%), xuống 20.991,64 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 25,32 điểm (+1,12%), lên 2.289,77 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng ra sao trong năm 2023?

Tín dụng toàn ngành dự kiến tăng trưởng ở mức 12%, NIM suy giảm động lực tăng trưởng thu nhập ngoài lãi hạ nhiệt, dẫn đến tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng ở mức thấp so với 2022..>> Chi tiết

- Bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết: Những mảng sáng hy vọng

Mặc dù bối cảnh kinh doanh năm 2022 có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng không ít doanh nghiệp đã nỗ lực về đích, thậm chí thực hiện vượt kế hoạch đề ra..>> Chi tiết

- Điểm danh những cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công

Có nhiều yếu tố hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm 2023, trong đó, điểm sáng đến từ kỳ vọng giải ngân đầu tư công sẽ được đẩy mạnh..>> Chi tiết

- Thị trường khí đốt tự nhiên trở nên ổn định hơn dự kiến

Các thị trường năng lượng đã bắt đầu năm 2023 trong thời tiết mùa Đông ấm áp và lo ngại rằng suy thoái kinh tế đang đến với các khu vực của nền kinh tế toàn cầu..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-nhieu-yeu-to-ho-tro-loi-nhuan-cua-doanh-nghiep-trong-nam-2023-post313150.html