Thị trường thực phẩm chức năng vẫn là con mồi béo bở

Cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các vụ sai phạm liên quan đến thực phẩm chức năng (TPCN) như chất lượng, nhãn mác, nguồn gốc... Hiện thị trường TPCN vẫn đang thu hút các nhà sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Lực lượng chức năng thu giữ TPCN không rõ nguồn gốc tại tỉnh Cần Thơ

Lực lượng chức năng tại Cần Thơ vừa kiểm tra phát hiện 24 loại TPCN và tân dược với số lượng 98.450 viên và 111 chai không hóa đơn, chứng từ tại Công ty TNHH Dược phẩm Hồng Mai (Công ty Hồng Mai, tại quận Ninh Kiều, Cần Thơ).

Trước đó, tại Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hải Phòng phá thành công chuyên án đấu tranh với tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả là TPCN, bắt giữ Quách Thị Lành (SN 1973, đăng ký hộ khẩu tại phường Hồ Nam, quận Lê Chân, TP Hải hòng; hiện ở phường Láng Thượng, quận ống Đa, Hà Nội). Cơ quan Công an thu giữ 168 hộp sản phẩm VITA D3, 395 hộp sản phẩm SINOVIT D3, 48 hộp sản phẩm SINICIT, 510 hộp sản phẩm DOVITA đã được đóng thành phẩm.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, Quách Thị Lành đã tổ chức sản xuất, bán ra trên 19.000 sản phẩm TPCN giả, thu lợi bất chính với số lượng rất lớn.

Chỉ một tuần cuối tháng 8, đầu tháng 9.2017, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế đã xử phạt vi phạm liên tiếp nhiều cơ sở vi phạm trong sản xuất, buôn bán TPCN giả, kém chất lượng. Các sản phẩm hầu hết của nước ngoài nhưng được sản xuất, đóng gói tại Việt Nam, không đảm bảo chất lượng.

Trong 15 năm qua, số cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN đã tăng 240 lần, số lượng sản phẩm tăng gần 114 lần, nhưng đến nay thị trường vẫn trong cảnh "vàng thau lẫn lộn", giá cả hỗn loạn. 9 tháng năm 2017, Cục An toàn thực phẩm xử phạt gần 1,3 tỷ đồng với 33 cơ sở vi phạm, tiêu hủy 29 lô và tạm dừng lưu thông 41 lô TPCN.

TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, TPCN sản xuất tinh vi đến cơ quan chức năng bằng mắt thường cũng khó phát hiện. Công nghệ làm giả, làm nhái các sản phẩm hầu như không thể kiểm tra và kiểm soát được: Hàng hóa có thể làm giả, UCP code có thể làm giả, bao bì có thể làm giả thậm chí tem chống hàng giả cũng vấn có thể làm giả…

Hiện Bộ Y tế đang tiến hành kiểm tra hoạt động quảng cáo và sản xuất, kinh doanh TPCN từ tháng 9 – 12.2017, hoạt động sẽ chú trọng vào các cơ sở có dấu hiệu vi phạm về quảng cáo trên các trang thông tin điện tử, các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo.

L.Hà

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/suc-khoe/thi-truong-thuc-pham-chuc-nang-van-la-con-moi-beo-bo-568678.ldo