Thị trường tiền tệ thế giới quý 1/2018: USD giảm quý thứ 5 liên tiếp

Đồng USD đã trải qua quý thứ 5 liên tiếp giảm khi giảm so với cả Yen Nhật (JPY) và Euro (EUR).

Chỉ số Dollar Index (USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) kết thúc quý ở 89,75 điểm; trong khi đó chỉ số USD so với rổ 16 đồng tiền chủ chốt) kết thúc quý ở 83,73 điểm, giảm 2,6% trong quý 1. Đồng USD đã giảm 2,7% so với EUR và giảm gần 6% so với JPY.

Dự báo tăng trưởng kinh tế mạnh lên và chính sách thắt chặt tiền tệ ở khắp nơi trên thế giới thúc đẩy các nhà đầu tư chuyển hướng từ USD sang tiền EUR hoặc JPY trong những tháng gần đây.

Theo Shin Kadota - chiến lược gia cao cấp của Barclays ở Tokyo, một trong những động lực chính trong đà tăng của đồng USD gần đây là các dòng tiền cuối quý, với việc nhiều nhà đầu tư đóng các vị thế bán đồng bạc xanh.

Cuối tháng, có thời điểm đồng bạc xanh rơi xuống mức thấp nhất trong 16 tháng so với yên Nhật là 104,560 JPY/USD. Tính chung trong quý 1, đồng USD đã giảm 5,5% trong quý 1, xuống 106,220 JPY/USD; so với EUR, USD giảm 2,5% xuống 1,2317 USD.

Đồng bảng Anh cũng tăng lên 1,4032 USD trong phiên cuối tháng, tính chung cả quý tăng 3,8%, kết quả tốt nhất kể từ giữa năm 2015, được hỗ trợ nhờ hy vọng cho một thỏa thuận chuyển tiếp Brexit - cuối cùng đã được đồng ý vào đầu tháng này - và kỳ vọng NHTW Anh có thể sớm tăng lãi suất. Trong khi đó, đô la Australia giảm 1,7% trong quý 1 so với USD, xuống 0,7684 USD.

Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc vừa kết thúc quý 1 tăng giá mạnh 3,7% so với USD lên 6,2785 NDT/USD, mạnh nhất trong vòng 10 năm, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục mở cửa thị trường vốn và thực hiện chiến lược toàn cầu hóa đồng NDT. Đây là chuỗi 5 quý tăng liên tục, dài nhất trong vòng 4 năm qua.

Hiện đồng nhân dân tệ đang hướng đến quý tăng giá thứ 5 liên tục, quãng thời gian tăng giá tốt nhất trong vòng 4 năm qua. Tommy Xie - Chuyên gia kinh tế thuộc Tập đoàn Ngân hàng Oversea-China ở Singapore cũng nhận định, đồng nhân dân tệ cũng đang tăng khi PBoC không báo hiệu nó sẽ làm chậm lại đà tăng của đồng nội tệ ở bất kỳ mức cụ thể nào.

Về cuối quý, đồng nhân dân tệ càng tăng giá mạnh trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã có dấu hiệu dịu lại. Hiện chính quyền Trump đang kêu gọi Trung Quốc giảm thuế đối với ôtô và mở cửa thị trường cho các dịch vụ tài chính của Mỹ như là một phần của các cuộc đàm phán nhằm giải quyết sự căng thẳng trong thương mại song phương.

Một yếu tố cũng hỗ trợ thêm cho đà tăng này là một thông báo được công bố hôm thứ Sáu tuần trước cho biết, trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ sẽ được thêm vào chỉ số Bloomberg Barclays Global Aggregate Index, và điều đó có thể kéo theo một dòng tiền chảy vào khoảng 110 tỷ USD, theo Goldman Sachs Group Inc.

“Tâm lý thị trường đã trở nên lạc quan hơn so với tuần trước giữa những dấu hiệu cho thấy cả hai bên (Mỹ - Trung) đã sẵn sàng đối thoại”, Gao Qi - nhà chiến lược tại Scotiabank ở Singapore cho biết.

Tình trạng nợ nần ở Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp. Các gia đình Trung Quốc với truyền thống tiết kiệm giờ đây đang tích lũy nợ với tốc độ cao chưa từng thấy, tờ South China Morning Post dẫn báo cáo công bố ngày 29/3 của Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia cho biết.

Năm 2017, nợ hộ gia đình của Trung Quốc đã tăng với tốc độ đáng báo động lên 49% GDP từ mức chỉ 17,9% năm 2008, trung bình tăng khoảng 3,5 điểm phần trăm một năm. Chỉ riêng trong năm 2016 và 2017, mức tăng là khoảng 4,9 điểm phần trăm.

Thu Hải

Vinanet

Nguồn Vinanet: http://vinanet.vn/kinhte-taichinh/thi-truong-tien-te-the-gioi-quy-12018-usd-giam-quy-thu-5-lien-tiep-692494.html