Thị trường TPCP đang dần phát triển theo chiều sâu

Ngoài sự cải thiện về quy mô và thanh khoản thì cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) cũng chuyển biến theo hướng tích cực, thể hiện qua việc tăng tỷ lệ nắm giữ TPCP của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, các công ty bảo hiểm và các quỹ đầu tư, đồng thời giảm tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng thương mại (NHTM).

Sự phát triển của nền kinh tế còn ở mức độ thấp nên nguồn vốn tiết kiệm dài hạn từ các công ty bảo hiểm, các quỹ hưu trí bắt buộc còn hạn chế, trong khi hệ thống các quỹ hưu trí tự nguyện mới chỉ đang bắt đầu hình thành. Ảnh: TBKTSG

Quy mô thị trường tăng dần

Theo thông tin từ Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, tính đến cuối tháng 7-2018, dư nợ thị trường trái phiếu Việt Nam là 39,9% GDP năm 2017, trong đó dư nợ thị trường TPCP là 29,2% GDP; còn lại là trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu doanh nghiệp. Quy mô này mặc dù đã tăng mạnh so với năm 2014 (khi đó dư nợ TPCP chỉ chiếm 14% GDP) nhưng vẫn còn thấp hơn đáng kể so với một số nước trong khu vực. Cụ thể, tại thời điểm hiện tại, quy mô thị trường trái phiếu của Malaysia là 95% GDP (thị trường TPCP chiếm 49,7% GDP); Singapore là 81,1% GDP (thị trường TPCP chiếm 49,6% GDP), Thái Lan là 73% GDP (thị trường TPCP chiếm 53% GDP), Hàn Quốc là 124,6% GDP (thị trường TPCP chiếm 73,6% GDP), Trung Quốc là 68,8% GDP (thị trường TPCP chiếm 49,8% GDP). Nguyên nhân chủ yếu của việc quy mô thị trường TPCP Việt Nam vẫn còn nhỏ so với một số quốc gia trong khu vực là do sự phát triển của nền kinh tế còn ở mức độ thấp nên nguồn vốn tiết kiệm dài hạn từ các công ty bảo hiểm, các quỹ hưu trí bắt buộc còn hạn chế, trong khi hệ thống các quỹ hưu trí tự nguyện mới chỉ đang bắt đầu hình thành.

Việc đầu tư vào kênh TPCP của BHXH Việt Nam cũng cần có sự thận trọng và độc lập nhất định, tránh trường hợp “chủ nợ” cũng bị đưa vào tình thế “bị động”.

Bối cảnh vĩ mô thuận lợi trong ba năm gần đây (lạm phát thấp, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, sự gia nhập ngày càng nhiều của các công tỷ bảo hiểm nhân thọ) đã giúp Bộ Tài chính có nhiều điều kiện để phát hành TPCP các kỳ hạn dài như 15 năm, 20 năm, 30 năm. Theo đó, kỳ hạn phát hành bình quân TPCP hàng năm đã được cải thiện, năm 2017 đạt mức 12,74 năm, bảy tháng đầu năm 2018 đạt mức 13,16 năm, trong khi năm 2013 chỉ là 3,21 năm. Kết quả, kỳ hạn bình quân của danh mục nợ TPCP đã được kéo dài từ mức 2,38 năm vào thời điểm cuối năm 2013 lên mức 6,71 năm vào cuối năm 2017 và lên mức 6,73 năm vào thời điểm hiện nay.

Ngoài việc giúp kéo dài kỳ hạn bình quân của danh mục TPCP thì việc phát hành được TPCP kỳ hạn dài còn giúp giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Thêm vào đó, sự đa dạng về các loại kỳ hạn cũng giúp quy mô giao dịch trên thị trường thứ cấp tăng lên mức khoảng 10.400 tỉ đồng/phiên trong bảy tháng đầu năm 2018, tăng mạnh so với mức khoảng 1.000-2.000 tỉ đồng/phiên trong giai đoạn từ 2011-2013. So với các quốc gia trong khu vực, giá trị giao dịch trên thị trường thứ cấp TPCP Việt Nam hiện đã tương đương với giá trị giao dịch bình quân phiên của Thái Lan (khoảng 550 triệu đô la Mỹ/phiên - tương đương 12.600 tỉ đồng/phiên), tuy nhiên vẫn thấp hơn một số quốc gia như Hàn Quốc và Singapore (giá trị giao dịch bình quân vào khoảng 1,4 tỉ đô la Mỹ/phiên - tương đương khoảng 32.000 tỉ đồng/phiên).

Cơ cấu nhà đầu tư có sự chuyển biến

Ngoài sự cải thiện về quy mô và thanh khoản thì cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường TPCP cũng chuyển biến theo hướng tích cực, thể hiện qua việc tăng tỷ lệ nắm giữ TPCP của BHXH Việt Nam, các công ty bảo hiểm và các quỹ đầu tư, đồng thời giảm tỷ lệ nắm giữ của các NHTM. Tỷ lệ nắm giữ TPCP của các NHTM từ mức 77% đầu năm 2016 giảm xuống còn 53,7% vào cuối năm 2017 (tương đương với các nước Singapore, Malaysia nhưng thấp hơn Thái Lan và Trung Quốc). Tỷ trọng đầu tư của các nhà đầu tư dài hạn tăng từ mức 23% đầu năm 2016 lên mức 46,3% vào cuối năm 2017. Tại thời điểm cuối năm 2017, tỷ lệ đầu tư TPCP chiếm 7,28% tổng tài sản hệ thống ngân hàng, trong khi dư nợ tín dụng chiếm 65% tổng tài sản. Danh mục còn lại do các nhà đầu tư là BHXH Việt Nam, các công ty bảo hiểm (trong đó chủ yếu là bảo hiểm nhân thọ), Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư khác nắm giữ.

Việc gia tăng tỷ trọng trái phiếu kỳ hạn dài và đa dạng hóa cơ cấu nhà đầu tư là một trong những dấu hiệu chứng tỏ sự phát triển dần theo chiều sâu của thị trường TPCP Việt Nam. Bởi thông thường, tại các thị trường trái phiếu phát triển, cơ cấu nhà đầu tư tham gia thị trường khá cân bằng. Theo đó, tỷ trọng nắm giữ TPCP của các NHTM thường chỉ chiếm khoảng 20-30%, còn lại phân bổ tương đối đều cho các nhóm nhà đầu tư khác, đặc biệt là sự tham gia mạnh mẽ của các quỹ đầu tư.

Linh Trang

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/277792/thi-truong-tpcp-dang-dan-phat-trien-theo-chieu-sau-.html