Thị trường trái cây nội địa: "Mê hồn trận" nhãn mác

Đa số người tiêu dùng không thể biết được nguồn gốc xuất xứ của các loại trái cây.

KTNT - Khảo sát ở các chợ tại TP. Hồ Chí Minh thấy, hiện nay việc dán nhãn và bao gói cho mặt hàng trái cây được thực hiện không theo một quy tắc nào, thậm chí nhiều loại trái cây được trồng tại Việt Nam nhưng được dán mác ngoại và bán với giá cao ngất ngưởng.

Theo một số tiểu thương tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, hiện nay, việc phân biệt trái cây nội với trái cây nhập ngoại rất khó khăn vì nếu chỉ căn cứ vào hình thức thì nho, táo nhập từ Hoa Kỳ hay được trồng ở Bình Thuận, Ninh Thuận đều na ná giống nhau. Chị N.T.T., một tiểu thương chuyên kinh doanh trái cây cho biết, hiện nay ổi mang nhãn hiệu Đài Loan được bán nhiều trên thị trường với giá 12.000-15.000 đồng/kg nhưng thực ra là ổi trồng tại Bình Phước; tương tự, xoài Thái Lan bán với giá 35.000 đồng/kg cũng được trồng nhiều tại các tỉnh ĐBSCL.

Ông Lê Văn Huấn, chủ một vựa trái cây tại khu vực Bến Bình Đông (quận 8, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, hiện một số địa phương đã nhập các giống cây ăn trái ngoại về trồng và cải thiện năng suất. Tuy nhiên, khi ra thị trường, các loại trái cây này vẫn được "hô biến" thành trái cây ngoại.

Theo Chi cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, việc kiểm tra nhãn mác đối với mặt hàng trái cây rất khó khăn vì lực lượng chức năng không thể bao quát hết được tất cả các quận, huyện trên địa bàn. Chỉ khi nào đơn vị kinh doanh có dấu hiệu đáng ngờ thì quản lý thị trường mới theo dõi để kiểm tra, phát hiện vi phạm.

Quan sát ở nhiều cửa hàng và siêu thị, có thể thấy, hiện nay có sự phân biệt xử đối giữa trái cây nội và trái cây ngoại. Trái cây nhập luôn được để ngay ngắn trên giá cao, trong tủ mát, bọc từng quả trong giấy hoặc lưới nhựa. Còn trái cây nội, dù là loại ngon, giá cao như xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn thì cũng bị đổ đống trên các tấm bạt, xô bồ trong giỏ tre…

Trong khi đó, theo một số tiểu thương, trái cây ngoại chưa chắc đã ngon hơn trái cây nội. Ví dụ, măng cụt Thái Lan nếu mua đúng mùa sẽ mềm, ngọt nhưng măng cụt dự trữ cuối mùa rất cứng và chai, không thể ăn được. Còn trái cây nội thì lúc nào cũng sẵn, rẻ và tươi ngon hơn rất nhiều.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), hiện nay khâu truyền thông tại điểm bán đối với hàng nông sản trong nước rất hạn chế. Hầu hết các sạp chợ và cửa hàng truyền thống đều cho rằng không cần thiết quảng cáo cho các mặt hàng trái cây trong nước. Thêm vào đó, do đường sá không tốt, phương tiện vận chuyển không chuyên, không có nhà phân loại, sơ chế, đóng gói, bảo quản... nên trái cây nội khi về đến chợ bị hư hại khá nhiều.

Thời gian tới, BSA sẽ triển khai dự án hỗ trợ nông sản Việt Nam, trong đó có chương trình truyền thông tại điểm bán nhằm ủng hộ và kích thích tiêu dùng hàng nông sản trong nước; kết nối nhu cầu kinh doanh giữa người bán và người sản xuất; tạo dấu hiệu nhận diện và tăng niềm tin vào nông sản trong nước cho các cửa hàng.

Đình Tú

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.com.vn/story/kinhte-thitruong/2011/11/31395.html