Thị trường trái phiếu chưa hấp dẫn được các định chế tài chính lớn

Không chỉ thiếu vắng các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ Việt Nam hiện vẫn chưa hấp dẫn được các công ty bảo hiểm và các định chế tài chính lớn với danh mục đầu tư trị giá hàng chục tỉ đô la Mỹ.

Thị trường đã ‘rã đông’, nhưng nhà đầu tư vẫn hoài nghi

Đánh giá về TPDN doanh nghiệp riêng lẻ – cấu phần quan trọng của thị trường vốn nợ Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường này có một số tín hiệu phục hồi tích cực sau những sự kiện “khủng hoảng niềm tin” hai năm trước.

Bà Lynn Maxwell, Tổng giám đốc thương mại toàn cầu của S&P Global Ratings cho biết, nhiều nhà đầu tư từ nhiều nơi trên thế giới ấn tượng với sức hút và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam – một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất châu Á, với sự đầu tư mạnh mẽ và tiêu dùng tư nhân tăng nhanh.

Chuyên gia của S&P Global Ratings dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,3% vào năm 2024 nhờ ba yếu tố chính, gồm: thị trường xuất khẩu mạnh mẽ, trong đó lĩnh vực điện tử dẫn đầu; sự phục hồi của dịch vụ, đặc biệt là du lịch và bán lẻ; sự chuyển hướng thương mại, dòng vốn FDI tràn vào sản xuất. Theo đó, sự tăng trưởng này sẽ tiếp tục trong dài hạn, nên việc tăng cường thị trường vốn và các cơ sở hỗ trợ phát triển thị trường là rất quan trọng.

Bất động sản là một trong hai nhóm doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu lớn nhất. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Tuy nhiên, các kênh huy động vốn dài hạn của Việt Nam như thị trường vốn nợ với các sản phẩm trái phiếu hiện nay đang tăng trưởng chậm và chiếm tỷ trọng khá nhỏ nếu so với các nước lân cận như Thái Lan (27%), Trung Quốc (39%).

“Điều này phần nào ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư tổ chức lớn của nước ngoài muốn rót vốn vào thị trường tài chính Việt Nam”, bà Lynn Maxwell nói tại một hội nghị về thị trường vốn nợ diễn ra giữa tháng 4-2024.

Số liệu của FiinRatings cũng đưa ra những nhận định tương tự, tổng giá trị phát hành mới trái phiếu doanh nghiệp mới đạt 18.750 tỉ đồng trong quí 1-2024, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước.

Về thực tế phát hành TPDN, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Techcombank (TCBS), cho biết việc phát hành TPDN trong năm vừa qua rất khó khăn khi nhà đầu tư mất niềm tin.

“Chúng tôi đã phải phát hành trái phiếu có kỳ hạn ngắn chỉ khoảng 13 tháng, đi kèm với bảo lãnh TPDN để tiếp cận đối tượng nhà đầu tư có tiền nhưng niềm tin của họ vẫn chưa đủ”, bà Hiền nói.

Ngoài ra rủi ro về niềm tin vào sản phẩm trái phiếu TPDN riêng lẻ và thị trường, báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cũng cho thấy một rủi ro khác với thị trường TPDN riêng lẻ, đó là tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường ở mức cao. Cụ thể, dự nợ trái phiếu do nhóm doanh nghiệp bất động sản và nhóm doanh nghiệp còn lại (sản xuất, thương mại dịch vụ, xây dựng, chứng khoán, năng lượng và lĩnh vực khác) lần lượt ở mức 351.400 tỉ đồng và 300.000 tỉ đồng tính tới cuối năm 2023. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân lần lượt nắm giữ 41,4% và 41% giá trị trái phiếu.

Với 66.200 tỉ đồng trái phiếu bất động sản và 92.400 tỉ đồng trái phiếu còn lại không có tài sản bảo đảm, tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư cá nhân lần lượt ở mức 74,7% và 73,6%. Đáng lưu ý, khoảng 39.700 tỉ đồng trái phiếu không có tài sản bảo đảm sẽ đáo hạn trong năm 2024, tạo rủi ro nhất định với nhà đầu tư cá nhân và thị trường.

Bên cạnh yếu tố trên, Bộ Tài chính cũng lo ngại mặt bằng lãi suất thấp cũng tạo rủi ro nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục chuyển tiền từ kênh gửi tiết kiệm ngân hàng sang mua TPDN.

Như vậy, thị trường TPDN dù rã băng, nhưng bối cảnh ảm đạm kéo dài có thể khiến mục tiêu đạt dư nợ thị trường tối thiểu 20% GDP vào năm 2025 theo Quyết định 1726 dần xa tầm với. Bởi ước tính quy mô thị trường đến cuối năm 2023 mới đạt 11% GDP.

Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Nhật Hoàng, Trưởng bộ phận xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp của FiinRatings, cho rằng điểm mấu chốt chính là niềm tin của nhà đầu tư về chất lượng tín dụng của tổ chức phát hành.

“Nhà đầu tư tương đối thờ ơ, hoài nghi với TPDN do niềm tin và chất lượng của các tổ chức phát hành sau những lùm xùm vừa qua”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia của FiinRatings, rủi ro liên quan tới các tổ chức phát hành chưa đầy đủ và rõ ràng, hạn chế khi đưa ra quyết định đầu tư. Hiện, thị trường thiếu sự chuẩn hóa thông tin và hệ tham chiếu về tương quan giữa mức xếp hạng tín nhiệm và rủi ro vỡ nợ.

Bên cạnh đó, hạn chế về thông tin rủi ro tín dụng, dẫn đến hạn chế trong khả năng xác định tỷ lệ lợi tức yêu cầu của trái phiếu, hay hạn chế về phân tích độ biến động và sự tương quan của chênh lệch lợi suất giữa các tài sản, tạo ra khó khăn cho việc quản lý rủi ro tập trung.

Mở khóa cho thị trường trái phiếu

Bối cảnh nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng lớn, trong khi nhà đầu tư tổ chức chưa thực sự “mặn mà”, khiến thị trường TPDN riêng lẻ Việt Nam gặp khó khăn trong thu hút dòng vốn lớn. Để tháo gỡ, các chuyên gia cho rằng việc phát triển những dịch vụ bảo lãnh tín dụng và xếp hạng tín nhiệm là hai giải pháp quan trọng, phần nào giúp xóa nhòa khoảng cách giữa nhà cung ứng vốn và nhà đầu tư.

Thị trường TPDN đang thiếu vắng những định chế tài chính lớn. Ảnh minh họa: DNCC

Với giải pháp xếp hạng tín nhiệm, bà Lynn Maxwell cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần nắm giữ danh mục trái phiếu với quy mô tương đương 5-10% vốn hóa toàn thị trường đã là rất tốt bởi quy mô thị trường vốn nợ sẽ lớn hơn nhiều lần thị trường vốn cổ phiếu.

Để làm được điều này, bà đề xuất việc sớm thiết lập văn hóa xếp hạng tín dụng lành mạnh và phát triển các thể chế thị trường, như các tổ chức xếp hạng tín dụng.

“Xếp hạng tín dụng mang lại sự minh bạch cho thị trường, mang lại tính thanh khoản mạnh mẽ hơn và là nền tảng để xây dựng niềm tin của nhà đầu tư cũng như đảm bảo tính bền vững lâu dài của thị trường TPDN. Đây không chỉ đơn thuần là các biện pháp quản lý mà còn là công cụ then chốt để đánh giá và quản lý rủi ro, giúp các nhà đầu tư đưa ra quyết định sáng suốt đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn hiệu quả hơn”, bà Lynn Maxwell nhận định.

Đồng quan điểm, ông Ngô Thế Triệu, Tổng giám đốc – kiêm giám đốc đầu tư, Công ty TNHH Quản lý quỹ Eastspring cho biết, đơn vị đang quản lý danh mục của Prudential với tổng tài sản là khoảng 7 tỉ đô la.

Qua quá trình quản lý, vị này nhận thấy nhiều doanh nghiệp bảo hiểm muốn tăng tỷ trọng đầu tư vào TPDN trong bối cảnh trái phiếu Chính phủ có lãi suất tương đối thấp, đồng thời phải đáp ứng nghĩa vụ trả nợ cho người mua bảo hiểm. Do đó, về lâu dài, trái phiếu doanh nghiệp là một kênh đầu tư tốt để tăng lợi tức cho danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề khiến các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn còn e ngại đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp là việc minh bạch thông tin từ phía đơn vị phát hành. Do đó, việc xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng để giúp mở cảnh cổng đầu tư cho các doanh nghiệp bảo hiểm.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần có những biện pháp thích hợp để các doanh nghiệp bảo hiểm có thể đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào kênh trái phiếu doanh nghiệp.

Thực tế, các doanh nghiệp bảo hiểm là những nhà đầu tư tiềm năng trên thị trường TPDN khi quản lý tổng tài sản hơn 913.000 tỉ đồng tính tới cuối năm 2023. Tuy nhiên phần lớn trong đó được phân bổ vào trái phiếu Chính phủ và tiền gửi ngân hàng, chỉ một tỷ lệ nhất nhỏ phân bổ vào trái phiếu doanh nghiệp, theo thống kê của FiinRatings.

Với giải pháp bảo lãnh tín dụng, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinGroup, cho biết, việc có những định chế tài chính – bảo hiểm quốc tế sẵn sàng tham gia thẩm định, bảo lãnh thanh thoán gốc và lãi cho các trái phiếu đạt tiêu chuẩn là chất xúc tác tốt cho thị trường trái phiếu Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và sắp tới. Với trường hợp nhà phát hành trễ hạn thanh toán thanh toán, các định chế này sẽ đứng ra thanh toán cho nhà đầu tư khi có yêu cầu. Đồng thời các định chế này làm việc với các nhà phát hành để tái cấu trúc lại và có quyền yêu cầu nhà phát hành thanh toán trước hạn, hoặc giữ nguyên quyền trả nợ trái phiếu như ban đầu.

Việc các định chế tài chính – bảo hiểm quốc tế xuất hiện với vai trò bên thứ ba, cũng giúp các nhà phát hành dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu nhu cầu từ nhà đầu tư. Ngược lại, nhà đầu tư cũng dễ dàng phân tích, đánh giá, chấp nhận rủi ro của nhà phát hành nhờ sự hỗ trợ, bảo lãnh của bên thứ ba.

Do đó, nghiệp vụ này cần được triển khai mạnh mẽ hơn ở Việt Nam để thị trường TPDN riêng lẻ phát triển bền vững hơn.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thi-truong-trai-phieu-chua-hap-dan-duoc-cac-dinh-che-tai-chinh-lon/