Thị trường vaccine Covid-19 lên ngôi, các hãng dược phẩm 'hái ra tiền'

Số ca mắc Covid-19, đặc biệt là các ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 rất dễ lây lan, đang gia tăng tại nhiều nơi trên toàn cầu. Thực tế cho thấy, chỉ có nỗ lực thúc đẩy chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 mới giúp thế giới đẩy lùi dịch bệnh.

Nhiều hãng sản xuất vaccine đạt doanh thu khủng nhờ vaccine Covid-19. (Nguồn: AP)

"Ông lớn" vaccine đạt doanh thu khủng

Pfizer Inc giành lợi thế lớn khi vaccine Covid-19 của hãng, phối hợp với BioNTech (Đức) phát triển là loại vaccine Covid-19 đầu tiên được Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp vào tháng 12/2020. Hiện, Pfizer-BioNTech đang dẫn trước các đối thủ trong cuộc đua sản xuất vaccine Covid-19.

Pfizer- BioNTech mới đây đã nâng dự báo doanh thu bán vaccine trong năm 2021 lên 33,5 tỷ USD, tăng 28,8% so với dự báo trước đó, dựa trên những thỏa thuận đã được ký kết về việc bán khoảng 2,1 tỷ liều vaccine trong năm nay.

Con số trên có thể sẽ tiếp tục tăng nếu công ty ký thêm các hợp đồng khác.

Bên cạnh đó, doanh thu từ vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech có thể sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022 sau khi hãng công bố thông tin rằng những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine của hãng có thể sẽ cần tiêm thêm một mũi vaccine thứ 3 trong tương lai.

Đối thủ của Pfizer-BioNTech là Moderna - một hãng công nghệ sinh học Mỹ mới ra đời năm 2010 cũng thu về 4,35 tỷ USD nhờ bán vaccine Covid-19 trong quý II/2021, tăng đáng kể so với một năm trước.

Trong quý II/2021, Moderna bán được 199 triệu liều vaccine, nâng tổng số liều vaccine bán được trong năm nay lên tới 302 triệu liều.

Hãng cho biết, đã ký tổng cộng các hợp đồng giao vaccine tương lai trị giá 20 tỷ USD trong năm 2021 và hiện công ty đã ngừng nhận đơn hàng cho năm nay vì không đủ khả năng sản xuất nhiều hơn nữa.

Đến nay, Moderna cũng đã ký các hợp đồng bán vaccine tổng trị giá 20 tỷ USD cho năm 2022.

Trong khi đó, AstraZeneca (Anh) và Johnson & Johnson (Mỹ) lại đang bán vaccine Covid-19 với giá thấp hơn nhiều. Hai hãng dược phẩm này đã cam kết cung cấp vaccine trên cơ sở phi lợi nhuận cho đến khi đại dịch kết thúc.

AstraZeneca tính phí từ 4,3-10 USD/2 liều vaccine, trong khi Johnson & Johnson tính phí 10 USD cho loại vaccine tiêm một mũi.

Dù vậy, vaccine Covid-19 mà AstraZeneca phát triển cùng Đại học Oxford vẫn mang lại cho hãng 572 triệu USD ở châu Âu và 455 triệu USD từ các thị trường mới nổi trong nửa đầu năm 2021.

Johnson & Johnson cũng công bố dự báo doanh thu vaccine Covid-19 trong năm 2021 là 2,5 tỷ USD.

Thống kê cho thấy, Pfizer-BioNTech và Moderna đã thu được tổng cộng hơn 60 tỷ USD từ việc bán vaccine Covid-19 chỉ trong năm 2021 và 2022. Giới phân tích dự báo, doanh thu trong năm 2023 của Pfizer-BioNTech sẽ đạt hơn 6,6 tỷ USD và của Moderna đạt 7,6 tỷ USD, chủ yếu nhờ doanh thu bán vaccine liều tăng cường.

Như vậy, thị trường vaccine Covid-19 hằng năm sẽ ở mức khoảng 5 tỷ USD trở lên và sẽ có thêm nhiều công ty dược phẩm tham gia cạnh tranh trên thị trường này. Trong những năm tới, thị trường vaccine Covid-19 có thể sánh ngang với thị trường vaccine cúm với doanh thu 6 tỷ USD mỗi năm.

Thị trường sôi động, đầy tiềm năng

Theo các chuyên gia, hiện có nhiều công ty dược phẩm còn chưa gia nhập thị trường vaccine Covid-19 và trong một năm tới, tất cả các nhà sản xuất vaccine Covid-19 hiện tại đều sẽ có chiến lược cho mũi vaccine tăng cường.

Nhờ sự thành công từ vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech và Moderna, công nghệ mRNA dùng trong điều chế vaccine đang thu hút sự quan tâm rất lớn. Các nhà nghiên cứu, đầu tư và sản xuất dược phẩm hiện đang đổ xô vào thị trường sôi động này.

Công nghệ mRNA được sử dụng sản xuất hai vaccine nói trên đã tạo ra bước ngoặt trong ứng phó với đại dịch Covid-19 và là bước đột phá đối với cộng đồng khoa học vì mức độ hiệu quả phòng Covid-19 rất cao.

Không giống như các loại vaccine truyền thống đưa virus bị suy yếu hoặc bất hoạt để tạo ra phản ứng miễn dịch, vaccine mRNA dạy các tế bào tạo ra một loại protein kích hoạt phản ứng miễn dịch.

Trên thực tế, công nghệ mRNA không chỉ giới hạn cho việc sản xuất vaccine chống Covid-19 mà còn là cơ sở để sản xuất nhiều loại vaccine khác như cúm, sốt rét... hiện đang được nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới.

Ngoài ra, công nghệ này còn có thể được nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm điều trị trong các lĩnh vực khác như ung thư, bệnh truyền nhiễm, bệnh hiếm gặp, bệnh tự miễn dịch hay y học tái tạo.

Theo thống kê của Công ty Roots Analysis, cho đến nay, đã có hơn 150 loại vaccine và sản phẩm điều trị dựa trên công nghệ mRNA đang được nghiên cứu và đánh giá ở các giai đoạn tiền lâm sàng hoặc lâm sàng.

Những triển vọng đầy hứa hẹn nói trên đang thu hút một loạt nhà đầu tư quan tâm đến ngành công nghiệp tương lai này.

Công ty công nghệ sinh học Ethris của Đức - hiện phát triển các phương pháp điều trị dựa trên công nghệ mRNA để chữa các bệnh nan y về phổi cũng đang được rất nhiều công ty dược phẩm lớn, các nhà sản xuất vaccine và công ty công nghệ sinh học quan tâm, tiếp cận.

Nhà đồng sáng lập của công ty Ethris, ông Carsten Rudolph, cho biết: “Sự thành công của các loại vaccine mRNA đầu tiên của Moderna và Pfizer-BioNTech đã khơi mào cho một cuộc đua mới.

hành công đó không chỉ cho thấy công nghệ này rất hiệu quả, mà quan trọng hơn là nó có thể được đưa vào kinh doanh. Đây là một bước quan trọng đối với tất cả những người nghiên cứu công nghệ này”.

Trong khi đó, ngoài việc tuyên bố thành lập một trung tâm nghiên cứu dành riêng cho mRNA, hãng dược Sanofi của Pháp đã mua lại hai công ty công nghệ sinh học chuyên ngành là Tidal Therapeutics và Translate Bio nhằm đẩy nhanh sự phát triển của công nghệ mRNA thế hệ tiếp theo và bắt kịp các đối thủ trong cuộc đua vaccine Covid-19.

Đối thủ cạnh tranh của Sanofi là tập đoàn Novartis (Thụy Sỹ) cũng cho biết đang xem xét tăng vốn đầu tư vào lĩnh vực này.

Tại châu Á, Hàn Quốc thông báo sẽ chi 6,4 triệu USD để nghiên cứu công nghệ sản xuất vaccine mRNA đến năm 2024, nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chống lại các bệnh truyền nhiễm.

Bên cạnh vaccine Covid-19 dạng tiêm, mô hình vaccine dạng uống cũng đang trở nên vô cùng hấp dẫn, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển khi có thể làm giảm gánh nặng hậu cần trong các chiến dịch tiêm chủng đại trà như không cần điều kiện bảo quản lạnh, vận chuyển dễ dàng hơn. Đó cũng là giải pháp thu hút các nước giàu, nơi không ít người còn do dự chưa tiêm chủng.

Hãng dược Oramed của Israel đang hiện thực hóa ý tưởng này.

Hãng công nghệ sinh học Mỹ Vaxart cũng đang theo đuổi dự án sản xuất vaccine dạng viên sau khi đạt kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 đầy hứa hẹn.

Vaxart hy vọng có thể nộp đơn xin phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine dạng viên trong vòng một năm tới, đồng thời hướng đến sản xuất hàng triệu, thậm chí hàng tỷ liều vaccine mỗi năm với giá cả hợp lý.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thi-truong-vaccine-covid-19-len-ngoi-cac-hang-duoc-pham-hai-ra-tien-155279.html