Thị trường vật liệu xây dựng kỳ vọng 'lực kéo' từ đầu tư công

Từ đầu năm 2023 tới nay, giá vật liệu xây dựng trong nước liên tục tăng, như giá thép có tới 6 lần tăng liên tiếp. Tương tự, giá xăng dầu, cát… cũng không ngừng tăng lên khiến các chủ đầu tư, nhà thầu hay người dân có nhu cầu xây dựng nhà ở cũng sẽ bị tác động.

Đà tăng giá có thể chững lại

Với thép xây dựng, giá mặt hàng liên tục tăng thời gian qua chủ yếu do giá nhập các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép như than, quặng sắt, thép phế, cuộn cán nóng... tăng. Hiện giá sắt thép tại các đại lý bán ra đã vượt ngưỡng 17 triệu đồng/tấn. Mức giá này tăng khoảng 7% so với cuối năm 2022, nhưng so với mức đỉnh điểm gần 21 triệu đồng/tấn hồi năm ngoái, vẫn thấp hơn khoảng 15%.

Từ đầu năm 2023 tới nay giá thép có tới 6 lần tăng liên tiếp.

Từ đầu năm 2023 tới nay giá thép có tới 6 lần tăng liên tiếp.

Trong khi đó, giá xi măng vẫn đang tạm chững lại sau 3 đợt tăng mạnh từ năm 2022 và có diễn biến khá phân hóa tại từng khu vực. Tuy nhiên, giá xi măng trong nước tăng hay giảm phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên vật liệu đầu vào. Việc sản xuất xi măng còn phải nhập khẩu 2/3 lượng than để dùng sản xuất. Do đó, giá thành xi măng tại Việt Nam còn phụ thuộc rất lớn vào giá than trên thị trường quốc tế, nên việc cân đối, điều chỉnh giá bán để bù đắp chi phí sản xuất của doanh nghiệp cũng nằm trong lộ trình được tính toán kỹ.

Ngay như trong nước, giá xi măng cũng có sự chênh lệch ở các vùng miền. Đơn cử như giá xi măng tại khu vực phía Nam đang đạt ở mức tương đối cao, khoảng 1,7 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá bán xi măng tại miền Bắc dao động khoảng 1,3 đến 1,6 triệu đồng/tấn tùy thương hiệu và loại xi măng.

Riêng giá cát, theo bảng giá vật liệu xây dựng TP. Hà Nội 2 tháng đầu năm 2023 được Sở Xây dựng công bố, cát, đá xây dựng đang có chiều hướng tăng giá. Cụ thể, với nhóm vật liệu cát xây dựng, tại địa bàn các quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Long Biên, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, cát xây trong tháng 2 có giá 175.000 đồng/m3, tăng hơn 82% so với cùng kỳ năm 2022; cát vàng có giá 592.000 đồng/m3, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ tăng giá từ 80% thậm chí lên đến hơn 100% đối với cát xây, cát vàng cũng diễn ra tại địa bàn quận, huyện, thị xã còn lại.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 28/2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2023 tăng 0,45% so với tháng trước; trong đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng đứng thứ 2, sau nhóm giao thông với mức tăng 1,81%. Trong số đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,99%.

Dự báo về thị trường vật liệu xây dựng, nhiều chuyên gia cho rằng, đà tăng của một số loại vật liệu xây dựng có thể hạ nhiệt trong giai đoạn tới, bởi giá nguyên, vật liệu đầu vào trên thế giới đang có dấu hiệu tạo đỉnh và chững lại. Vật liệu xây dựng tăng giá, không chỉ người dân lo lắng, mà các doanh nghiệp, chủ đầu tư các công trình xây dựng cũng gặp không ít khó khăn, do chi phí giá thành tăng cao, làm giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.

Kỳ vọng nhu cầu được cải thiện

Năm 2023, nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách theo kế hoạch được Quốc hội giao là hơn 711.000 tỷ đồng, tăng 25% so với kế hoạch năm 2022. Ngoài ra, có thêm khoảng 147.000 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tổng cộng, chi tiêu Chính phủ dự kiến sẽ được mở rộng lên tới hơn 850.000 tỷ đồng dưới hình thức đầu tư công vào năm nay. Đây được kỳ vọng sẽ là điểm sáng hỗ trợ cho nhu cầu nguyên vật liệu xây dựng và giúp nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), năm 2023 vẫn sẽ là năm đầy thách thức với ngành sắt thép trong nước, tuy nhiên, hy vọng vào "lực kéo" từ đầu tư công sẽ mang lại bức tranh khởi sắc hơn cho sản xuất và tiêu thụ sắt thép trong nước.

Một số chuyên gia cho rằng, dự kiến có nhiều công trình xây dựng khởi công trong năm nay dẫn đến nhu cầu sử dụng sắt, thép, xi măng tiêu thụ mạnh. Cùng với xi măng, một số nguyên vật liệu xây dựng khác như nhựa đường, đất, cát, đá sẽ có biến động theo chiều hướng tăng trong năm 2023 do nguồn cung khan hiếm.

Dù đầu tư công là điểm sáng, tuy nhiên, theo PGS. TS Phạm Thế Anh - chuyên gia kinh tế vĩ mô, Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân, so với tổng thể nền kinh tế và tổng cầu của nền kinh tế, quy mô mảng đầu tư công chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Bên cạnh đó, những dự án đang triển khai chủ yếu là dự án dễ giải ngân, dễ giải quyết.

Với ngành vật liệu xây dựng, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất cơ bản như xi măng, sắt thép... đang trong tình trạng dư cung, đối mặt với những khoản lỗ ròng dẫn đến thu hẹp hoạt động sản xuất. Theo MXV, để ngành này có thể vượt qua khó khăn, đầu tư công và xúc tiến thương mại tại các thị trường mới là động lực giúp các doanh nghiệp này cải thiện năng lực sản xuất.

Giá thép tăng nhưng không bền vững

Trong báo cáo triển vọng ngành thép vừa cập nhật, Công ty Chứng khoán VnDirect cho rằng, nhu cầu ảm đạm kéo dài của lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa sẽ tác động đáng kể đối với nhu cầu vật liệu xây dựng trong năm 2023. Do đó, mặc dù giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong những quý tới, dự báo tổng nhu cầu thép trong nước sẽ tăng trưởng âm một chữ số vào năm 2023. Cụ thể, tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Việt Nam trong năm 2023 sẽ giảm 9,2% so với cùng kỳ xuống mức 9,5 triệu tấn. Đà tăng của giá bán thép đến chủ yếu do chi phí đầu vào tăng cao khi giá quặng sắt, than cốc, thép phế đã tăng lần lượt 10,2%; 28,5%; 10% kể từ đầu năm. Đà tăng hiện tại của giá bán thép tại cả Trung Quốc và Việt Nam là không bền vững do nhu cầu thép yếu sẽ diễn ra kéo dài.

Mai Tấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-vat-lieu-xay-dung-ky-vong-luc-keo-tu-dau-tu-cong-123209-123209.html