Thi tuyển để công khai tìm người đủ tài, đức

Thành phố Hồ Chí Minh - nơi được xem là 'đầu tàu' về hoạt động kinh tế của cả nước vừa có một động thái mới trong công tác cán bộ. Đó là việc UBND thành phố này ban hành Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

Sở dĩ có việc này là vì tổng số vị trí lãnh đạo, quản lý cấp sở, huyện và tương đương của TP Hồ Chí Minh theo cơ cấu tổ chức được phê duyệt là 268 vị trí nhưng hiện còn khuyết, chưa kiện toàn 34 vị trí, trong đó có 5 cấp trưởng, 29 cấp phó. Đối với lãnh đạo quản lý cấp phòng và tương đương, tổng số vị trí theo cơ cấu được phê duyệt là 3.543 vị trí nhưng còn khuyết 96 cấp trưởng và 388 cấp phó.

Một lộ trình đặt ra theo Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị là trong năm 2022, TP Hồ Chí Minh sẽ thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; từ năm 2023 trở đi thi tuyển thêm chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; đồng thời triển khai tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp huyện và tương đương.

Không chỉ vậy, UBND TP Hồ Chí Minh còn có kế hoạch thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố năm 2022. Theo đó, thành phố cần tuyển 13 vị trí tại 6 đơn vị. Việc thi tuyển sẽ hoàn thành trong tháng 11/2022.

Khác với nhiều cuộc thi tuyển trước đó, trong thi tuyển lần này, TP Hồ Chí Minh cho phép cả cán bộ, công chức, viên chức không nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn hoặc chức danh tương đương nhưng được lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền đề cử thì cũng có thể thi tuyển. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức dự thi nếu đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chỉ được dự thi vị trí cao hơn liền kề chức vụ hiện giữ. Nếu không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì phải có thời gian công tác tối thiểu 3 năm và chỉ thi chức danh phó trưởng phòng hoặc tương đương. Ứng viên phải trải qua 2 vòng gồm thi viết (180 phút) và thi trình bày đề án (30 phút trình bày và 30 - 40 phút trả lời chất vấn).

Không chỉ TP Hồ Chí Minh mà nhiều bộ, ngành và địa phương khác cũng đã và đang có những đề án và kế hoạch thi tuyển để chọn công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Việc công khai thi tuyển để chọn cán bộ nói chung, nếu làm nghiêm túc, đúng thực chất thì không chỉ hướng dần đến việc chọn được cán bộ "đủ tâm đủ tài" để giao việc mà còn tạo ra sự công bằng cần thiết trong công tác cán bộ.

Công khai thi tuyển thì chỉ người đủ tiêu chuẩn và tự nguyện nộp hồ sơ mới được dự tuyển. Mà như thế thì sẽ không có việc gửi gắm, "con ông cháu cha" hay chạy chọt tiêu cực mà lọt được. Nhưng vấn đề là ở chỗ việc thi tuyển có được tiến hành một cách công khai, minh bạch và nghiêm túc hay không mà thôi.

Chưa bao giờ công tác cán bộ lại được đề cao và cấp bách như bây giờ. Không ít cán bộ được đưa đi đào tạo rất nhiều chương trình, tốn kém rất nhiều cho ngân sách nhưng chất lượng vẫn không đáp ứng được cho công việc; có cán bộ trưởng thành qua thực tiễn, kinh qua rất nhiều thử thách, được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao giữ nhiều trọng trách nhưng do thiếu tu dưỡng, rèn luyện nên rốt cuộc vẫn sa ngã trước cám dỗ vật chất. Đội ngũ cán bộ vì thế nên đã thiếu lại càng thiếu, chứ không chỉ vì qui mô công việc ngày càng lớn. Thiếu là thiếu người đủ năng lực, đủ trách nhiệm chứ bộ máy thì vẫn luôn dư thừa cán bộ.

Mô hình thi tuyển cán bộ lãnh đạo được Bộ Nội vụ khởi xướng từ những năm 2005, và sau đó được nhiều tỉnh, thành và bộ ngành triển khai ở các mức độ khác nhau. Điểm ưu việt chung thấy được của hình thức thi tuyển là hạn chế được nạn chạy chức, chạy quyền.

Đổi mới phương thức tuyển chọn công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bằng hình thức thi tuyển là hướng đi tất yếu nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần lựa chọn được những người "có đức, có tài", phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác. Việc tổ chức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển còn hạn chế và loại trừ dần tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ và để "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra".

Đây là một dấu hiệu hết sức tích cực bởi vẫn bảo đảm được nguyên tắc Đảng lãnh đạo công tác nhân sự nhưng cũng mở ra một khả năng mới giúp các địa phương, bộ ngành lựa chọn được nhiều cán bộ chất lượng theo đúng định hướng của Đảng ta trong việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ.

Lâu nay có tình trạng cán bộ được bổ nhiệm hay nói rằng "Công việc là do Đảng phân công và tôi sẽ vừa làm vừa học". Cán bộ được chọn qua thi tuyển thì sẽ không có những tuyên bố kiểu vậy, vì chính họ tự nguyện đứng ra đảm đương công tác khi đã tự tin có trình độ, kinh nghiệm phù hợp với công việc.

Và như vậy thì sẽ tránh được tình trạng cán bộ không thích hợp với công việc nhưng vẫn phải làm công việc ấy.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/thi-tuyen-de-cong-khai-tim-nguoi-du-tai-duc-i669920/