Thi vào lớp 10 Hà Nội: Nhận diện cấu trúc đề Văn để đạt điểm tối đa

Các sĩ tử Hà thành chuẩn bị bước vào kỳ thi vào lớp 10, cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang bật mí bí quyết để thí sinh vững tin với môn Văn.

Nhận diện cấu trúc đề Văn thi vào 10

Theo cô Trang, cấu trúc đề thi vào 10 Hà Nội gồm 2 phần, cụ thể: Phần I gồm đọc hiểu văn bản trong SGK và tạo lập đoạn văn nghị luận văn học (nghị luận về thơ và nghị luận về truyện), chiếm khoảng 60 - 70% số điểm.

Sĩ tử sẵn sàng cho kỳ thi vào lớp 10 năm 2023

Đây là phần yêu cầu HS nắm vững kiến thức đã học và kĩ năng tạo lập đoạn văn nghị luận về thơ và nghị luận về truyện mà các con đã được rèn luyện hàng ngày. Bên cạnh đó là kĩ năng đọc hiểu và trả lời các câu hỏi đọc hiểu: tác giả, hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa nhan đề, tình huống truyện, ngôi kể, nhân vật, mạch cảm xúc bài thơ, biện pháp tu từ, chi tiết nghệ thuật… Vì thế, khi ôn tập trọng tâm, các con lưu ý ôn theo đặc trưng thể loại của từng kiểu bài.

Phần II chiếm từ 30 - 40% số điểm, đọc hiểu văn bản ngoài SGK và tạo lập đoạn văn nghị luận xã hội. Đây là phần yêu cầu HS có kĩ năng đọc hiểu tốt vì với văn bản học sinh chưa tiếp cận bao giờ, ngoài các câu hỏi đọc hiểu về phương thức biểu đạt của văn bản, chủ đề, các phép liên kết câu, lý giải các chi tiết… là yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội (tư tưởng đạo lí hay hiện tượng đời sống), dưới dạng đề trực tiếp hoặc đề gián tiếp (ý kiến, câu nói, nhận định…).

Vì thế, học sinh cần trang bị cho mình kĩ năng đọc hiểu hiệu quả, đọc kỹ yêu cầu đề bài, gạch chân từ khóa quan trọng nêu rõ yêu cầu đề tránh bỏ sót ý, tìm ý ra nháp trước khi làm bài, trang bị kiến thức xã hội để hiểu rõ hơn về vấn đề.

5 lỗi thí sinh thường mắc

Cô giáo Thu Trang chỉ ra 5 lỗi thường gặp đã khiến không ít thí sinh đã mất điểm không đáng có trong môn Văn.

Thứ nhất là không xác định đúng dạng đề nghị luận xã hội hay nghị luận văn học.

Thứ hai là lỗi trình bài, diễn đạt, ví như trình bày chưa đúng bố cục bài văn hoặc đoạn văn. Sắp xếp ý lộn xộn, triển khai luận điểm thiếu mạch lạc, chặt chẽ hoặc diễn đạt lặp ý, lan man, dài dòng không đúng trọng tâm.

Thứ ba là lỗi kiến thức. Thí sinh sai kiến thức cơ bản về tác phẩm; nhầm lẫn tên tác giả, hoàn cảnh sáng tác, thể loại, phương thức biểu đạt… và chưa phân biệt đúng các khái niệm ẩn dụ và hoán dụ, các kiểu câu…

Thứ tư là lỗi dùng từ, ví như việc dùng từ không phù hợp về sắc thái ý nghĩa; Sai chính tả, thiếu dấu, thiếu nét; Viết sai do đọc chệch âm/vần (lãng mạn - lãng mạng/ trách nhiệm - trách nghiệm…); Dùng từ chưa trau chuốt, lặp từ, bí từ.

Thứ năm là lỗi sử dụng dẫn chứng. Khi làm bài thí sinh thiếu dẫn chứng cụ thể, đưa chung chung; Dẫn chứng không tiêu biểu, thuyết phục cho luận điểm hoặc dẫn chứng chủ quan, cảm tính.

Những lưu ý để đạt điểm cao môn Văn

Để đạt điểm 8 - 9 môn Văn, cô Trang lưu ý các sĩ tử cần chắt chiu từng điểm 0,25 khi trả lời những câu hỏi đọc hiểu nhỏ, trả lời rõ ràng bằng câu văn đủ chủ ngữ, vị ngữ, bám sát yêu cầu câu hỏi để trả lời.

Trước khi việc đoạn văn nên tìm ý, luận điểm; Hoàn thành được hết các câu hỏi đọc hiểu và tạo lập đoạn văn hiệu quả; Nâng cao kĩ năng đọc hiểu và kiến thức xã hội

“Kinh nghiệm ôn tập hiệu quả giai đoạn nước rút, thí sinh nên tổng hợp theo sơ đồ tư duy, học theo đặc trưng thể loại, rèn kĩ năng làm đề thi mỗi ngày và hệ thống hóa lại kiến thức. Các em cần giữ gìn sức khỏe và tâm lý thi vững vàng, tin vào bản thân”, cô Trang chia sẻ.

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thi-vao-lop-10-ha-noi-nhan-dien-cau-truc-de-van-de-dat-diem-toi-da-d592985.html