Thích ứng để cạnh tranh

Nhu cầu tiêu thụ tại thị trường trong nước giảm sút đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp phân bón.

Thị trường phân bón nửa đầu năm 2018 tiếp tục có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các sản phẩm cùng loại và thay thế có lợi thế về giá bán, chất lượng, mẫu mã, bao bì … cùng với đó là nhu cầu tiêu thụ tại thị trường trong nước giảm sút đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp phân bón.

Trong bối cảnh như vậy, Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã thực hiện nhiều giải pháp để ổn định sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm; trong đó có việc đa dạng hóa các sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh.

* Khó khăn trong tiêu thụ

Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: TTXVN

Ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho hay, nửa đầu năm 2018, công ty gặp rất nhiều khó khăn tiêu thụ sản phẩm.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, công ty mới tiêu thụ được 496.068 tấn phân bón các loại, đạt gần 90% chỉ tiêu tiêu thụ sản phẩm so với cùng kỳ năm ngoái. Việc này kéo theo doanh thu 6 tháng của công ty cũng chỉ đạt gần 90% so với cùng kỳ, đạt 1.952 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình sản xuất của công ty vẫn có sự ổn định và tăng trưởng tốt khi sản lượng sản xuất công nghiệp của đơn vị đạt 2.135 tỷ đồng, bằng 112% so với cùng kỳ.

Ông Vũ Xuân Hồng nhận định, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến sức tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp; trong đó phải kể đến lý do lượng cung lớn hơn cầu. Thị trường co hẹp lại, trong khi đó sản xuất của các doanh nghiệp cùng lĩnh vực tiếp tục bung ra mạnh đã cạnh tranh trực tiếp với công ty. Ngoài ra, những sản phẩm truyền thống NPK, supe lân đơn, lân nung chảy… trước kia công ty có nhiều lợi thế nhưng hiện nay cũng bị cạnh tranh rất nhiều bởi các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Đánh giá về thị trường của doanh nghiệp, Phó Tổng giám đốc Vũ Xuân Hồng cho biết, thị trường chính của Supe Lâm Thao chủ yếu tập trung từ miền Trung trở ra (từ Hà Tĩnh). Trong 6 tháng đầu năm, qua đánh giá của công ty cho thấy, một số thị trường vẫn giữ được tăng trưởng tốt; trong đó phải kể đến thị trường ở Trung du và miền núi phía Bắc.

Các địa phương bị giảm sức tiêu có thị trường Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Lý do là khu vực này có nhiều nhà máy phân bón dẫn tới lượng sản xuất lớn hơn lượng tiêu thụ. Ngoài ra, vùng Đồng bằng sông Hồng như Nam Định, Thái Bình, Hải Dương cũng bị cạnh tranh mạnh do các sản phẩm cùng loại được sản xuất ngay tại địa bàn.

Mặc dù sản lượng tiêu thụ sản phẩm của công ty chưa đạt được chỉ tiêu đề ra, nhưng xét trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn cùng với yếu tố thời tiết bất lợi, thì những kết quả đạt được của công ty trong 6 tháng đầu năm được đánh giá là rất đáng được ghi nhận.

Trần Việt Hùng, Phó Trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết, để đạt được kết quả tiêu thụ này, công ty đã đưa ra các giải pháp, cơ chế phù hợp trong nhận và tiêu thụ sản phẩm; trong đó phải kể đến các biện pháp cải thiện hệ thống cung ứng bán hàng cho phù hợp; thường xuyên đánh giá thị trường nhằm đưa ra giải pháp tiêu thụ phù hợp với từng vừng, từng thời điểm…. Đặc biệt, công ty đã tăng cường khai thác và tận dụng các phương tiện vận chuyển đường sắt, đường bộ, đường biển có chi phí thấp để giảm giá bán sản phẩm nâng cao khả năng cạnh tranh của phân bón Lâm Thao.

*Kỳ vọng từ sản phẩm mới

Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao vừa đưa vào dây chuyền sản xuất NPK-S hàm lượng dinh dưỡng cao, công suất 150.000 tấn/năm. Ảnh: CTV

Mục tiêu cho năm 2018 của Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao là lợi nhuận đạt 199 tỷ đồng; nộp ngân sách 82 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế 4.311 tỷ đồng; doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 4.111 tỷ đồng. Tổng sản lượng phân bón sản xuất 1,455 triệu tấn; tổng sản lượng tiêu thụ là 1,09 triệu tấn.

Qua phân tích để đạt được những chỉ tiêu trên, những tháng cuối năm, Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cần đưa ra rất nhiều giải pháp mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Một trong những những giải pháp được đưa ra trước tiên đó là cần phải đa dạng hóa các sản phẩm để nâng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao Vũ Xuân Hồng chia sẻ, để đa dạng hóa các sản phẩm, công ty vừa đưa vào dây chuyền sản xuất NPK-S hàm lượng dinh dưỡng cao, công suất 150.000 tấn/năm.

Tổng giá trị đầu tư của dây chuyền này lên tới 258 tỷ đồng. Đây là giải pháp kịp thời giúp giảm tải cho các dây chuyền hiện có, đồng thời sản xuất được các loại NPK hàm lượng cao để đáp ứng yêu cầu thị trường, đa dạng hóa sản phẩm của công ty.

Dây chuyền sản xuất NPK-S này lần đầu tiên được áp dụng tại miền Bắc, với những tiến bộ mới nhất trong sản xuất phân bón, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe để chấm dứt tác hại về ô nhiễm môi trường - một trong những vấn đề được xã hội rất quan tâm trong thời gian gần đây.

“Lợi thế của sản phẩm có hàm lượng cao là giảm được chi phí vận chuyển, giảm được công chăm bón…. Sản phẩm NPK-S hàm lượng dinh dưỡng cao hướng tới đối tượng chính là cây ăn quả, cây công nghiệp (như tiêu, cao su..). Tuy nhiên, với xu hướng hiện nay thì nhiều nông dân đang chuyển dần sang sử dụng các sản phẩm phân bón có hàm lượng dinh dưỡng cao cho cây hoa mầu, cây lúa làm tăng năng suất, giảm công chăm bón, đây chính là cơ hội cho các sản phẩm như NPK-S”, ông Hồng nhấn mạnh.

Đánh giá về sản phẩm mới này, ông Nguyễn Khang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Bắc Giang chia sẻ, bộ sản phẩm NPK-S mới của Lâm Thao đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu, tạo vị thế từng bước chiếm lĩnh thị trường sản phẩm chất lượng cao, góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm Việt tại nhiều nước trên thế giới.

Chia sẻ thêm về các giải pháp đảm bảo mục tiêu sản xuất kinh doanh năm 2018, Phó Tổng giám đốc Vũ Xuân Hồng cho rằng, dự báo trong thời gian tới, tình hình kinh tế toàn cầu vẫn còn diễn biến phức tạp. Giá điện, than, xăng dầu, nguyên nhiên vật liệu vật tư liên tục tăng và biến động bất thường… ngoài các giải pháp đa dạng các sản phẩm, công ty cần tăng cường các biện pháp để phát huy công suất thiết bị, duy trì sản xuất ổn định, chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn theo quy định, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Tiếp tục tìm các biện pháp để giảm được giá thành sản xuất, khi đó sẽ đưa ra được giá bán hợp lý nhất. Để giảm giá thành sản phẩm, trước tiên doanh nghiệp sẽ tập trung tìm mua được nguồn nguyên liệu đầu vào với giá thành hợp lý (bởi nguồn nguyên liệu chiếm tới 60% giá thành).

Tiếp đến là làm tốt từ quản lý trong sản xuất, quản lý định mức tiêu hao nguyên vật liệu, cho đến bán hàng… tất cả những biện pháp trên được thực hiện đồng thời sẽ giúp giảm đươc các chi phí sản xuất; tiếp tục duy trì nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại.

Một giải pháp khác không kém phần quan trọng được Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao thực hiện là làm tốt khâu thị trường, quảng bá sản phẩm; đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Đồng thời xây dựng và thực hiện các cơ chế bán hàng, cơ chế khen thưởng khuyến khích các khách hàng kịp thời phù hợp với từng thời điểm mùa vụ để nâng cao sản lượng tiêu thụ; tăng cường tiếp thị sản phẩm phân bón Lâm Thao, đặc biệt đối với sản phẩm phân bón NPK-S hàm lượng dinh dưỡng cao…/.

Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/thich-ung-de-canh-tranh-/92556.html