Thiện chí của phụ huynh

Sau hàng loạt những vụ bạo lực học đường nhìn từ phía người thầy gần đây, một vấn đề lớn liên quan đến phản ứng từ cộng đồng, từ phụ huynh cũng đang đặt ra nhiều suy nghĩ. Theo các chuyên gia giáo dục, dùng bạo lực để hy vọng tạo ra những ứng xử văn minh trong trường học là không thể. Còn 'ném đá' tập thể để kỳ vọng về một môi trường giáo dục nhân ái, chẳng khác nào lấy bạo lực đáp trả bạo lực, hẳn cũng không thể gọi đó là ứng xử văn minh.

Sau những ồn ào quanh vụ việc liên quan tới việc cô giáo cho phép học trò tát bạn tại Hà Nội mới đây, mẹ của em học sinh lớp 2 nọ đã bày tỏ sự cảm thông với giáo viên của con mình bởi cô giáo còn rất trẻ, chưa lập gia đình nên có thể chưa có kinh nghiệm trong ứng xử với con trẻ. Vì lẽ đó, gia đình muốn tha lỗi cho cô để cô có thể quay lại trường tiếp tục làm việc, sửa chữa lỗi lầm.

Tất nhiên, không phải ai cũng đồng tình với suy nghĩ của vị phụ huynh này, bởi giữa tâm bão của bạo lực học đường- nhìn từ phía người thày, nhiều người cho rằng không ai có quyền đánh con của họ. Do đó cần phải lên án để thay đổi cô giáo, để thay đổi hệ thống giáo dục. Điều này có cơ sở hay không? Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, bạo hành trẻ em trong nhà trường hoặc trong gia đình chắc chắn có một phần xuất phát từ nhận thức ảnh hưởng bởi văn hóa của người Việt Nam.

“Thương cho roi vọt, ghét cho ngọt bùi” hay “Đòn đau nhớ đời ” là những câu trẻ em Việt Nam nghe từ cha mẹ lẫn thầy cô. Thậm chí, một số cha mẹ còn “nhờ” thầy cô xử lý mạnh tay với con mình để “dạy chúng nên người”. Nhưng không phải thế, bước khởi đầu cần thiết cho việc giải quyết vấn đề kỷ luật học sinh phải là một thái độ cảm thông và hiểu biết, xem những hành động của học sinh như biểu hiện của một nhu cầu tâm sinh lý cần được giải quyết chứ không phải dùng bạo lực để trừng phạt.

Ở một trạng thái khác, nếu bố mẹ học sinh đáp trả giáo viên bằng những hành động tương tự như họ đã gây ra cho con của mình, thì đó là sợ ứng xử với nhau bằng bạo lực. Dùng bạo lực để ngăn chặn bạo lực thì rõ ràng không bao giờ đạt được mục đích, ngược lại thậm chí còn tạo ra lòng thù hận. Xét một cách sâu xa hơn, mục đích của thành tích không xấu và ở ngành nghề nào cũng phải có mục tiêu.

Nhưng mỗi người trong nghề đang mắc kẹt trong áp lực này. Gia đình, nhà trường, xã hội đều đang tạo áp lực lên giáo viên và học sinh. Có rất ít bậc cha mẹ cho con đi học mà lại không mong con mình phải đạt đến độ toàn diện…Có lẽ đây cũng chính là lý do mà giáo viên luôn ám ảnh bởi bệnh thành tích…

Những ứng xử thiếu văn minh từ phía cha mẹ học sinh thông qua những vụ việc bạo lực học đường thời gian qua, cũng đang đặt ra nhiều băn khoăn. Dường như có một số người đang quên đi mục đích là phải cùng nhà trường, cùng giáo viên chủ nhiệm phối hợp giáo dục con em mình. Trong khi rõ ràng có những ông bố, bà mẹ quá bận mưu sinh, không có thời gian cho con cái. Họ thậm chí còn không theo kịp con cái trong nhiều vấn đề như chương trình học khó, không kèm cặp được, tâm sinh lý trẻ hiện nay rất phức tạp...

Họ cũng thường than thở với nhau về sự “cứng đầu” của những đứa trẻ hôm nay, nhưng lại cho rằng giáo viên sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc biến con họ thành những đứa trẻ thật ngoan. Hay đơn cử câu chuyện con trai tôi học lớp 10 ở một trường THPT tại Hà Nội có lần về bảo rằng, câu chuyện “Hội nghị phụ huynh” của Azit Nexin nghe có vẻ như ở đâu đó xa xôi, nhưng thật ra hôm nay lớp con đã có một ông bố đến họp nhầm cho con, ông ấy không biết là con ông ấy đã chuyển sang trường khác. Đấy là chuyện có thật, mẹ phải tin đi…!

Nói như thế, có nghĩa những ứng xử thái quá từ phụ huynh cũng thể hiện sự thất bại trong giáo dục. Con em họ cũng không thể tự hào khi cha mẹ chúng xông vào trường “xử lý” giáo viên, hoặc đăng tải trên mạng xã hội những lời lẽ xúc phạm thày cô giáo. Nhà trường có kỷ cương của nhà trường, những thày cô giáo làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước học sinh, trước lãnh đạo của họ và trước cơ quan chức năng…

Làm sao để giải quyết tình trạng bạo lực học đường? Rõ ràng không thể kỳ vọng vào một bộ Quy tắc ứng xử chưa được ban hành. Chỉ biết rằng, định hướng giải quyết phải bao gồm việc thay đổi nhận thức về bản chất của con người và giáo dục. Nói như các chuyên gia là chừng nào chúng ta còn xem học đường như xưởng thợ sản xuất những công cụ cho xã hội và giáo viên là công nhân nhận lương để tạo ra dạng sản phẩm đó, việc cải cách giáo dục cũng chỉ là các biện pháp nửa vời.

Vì lẽ đó, điều quan trọng hơn cả, thay vì lên án những thày cô giáo có hành vi bạo hành, cần giáo dục nhân cách cho trẻ em ngay tại gia đình, giúp các con kiểm soát được cảm xúc. Từ những vụ việc dùng bạo lực để hạn chế nói bậy, chúng ta cũng nghĩ đến tình huống phải đối mặt với câu hỏi của con trẻ, rằng: Thật ra người lớn có bao giờ nói bậy hay không?

Hương Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/thien-chi-cua-phu-huynh-tintuc424712